Những người “phất cờ” ở Tà Chử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2020 | 7:51:23 AM

YênBái - Họ là những đảng viên người Mông ở Tà Chử - thôn đặc biệt khó khăn ở xã Bản Công của Trạm Tấu, một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Vượt lên bao khó khăn nội tại ở vùng quê núi xa lắc này, họ đã tiên phong “phất cờ hồng” làm gương và cổ vũ, động viên người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống mới…

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu chia sẻ, động viên những đảng viên thế hệ 9X ở Tà Chử.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu chia sẻ, động viên những đảng viên thế hệ 9X ở Tà Chử.

Đương tiết trời đông, Tà Chử như chìm trong biển mây mờ ảo. Người đi lên núi, tay như với được trời. Trước mắt chúng tôi, trên độ cao hơn 1.000 m, những cánh rừng pơ mu hơn 20 năm tuổi chìm trong mây trắng bồng bềnh. Qua khu rừng pơ mu đẹp như cổ tích là đến chòm dân cư thôn Tà Chử. Một hệ sinh thái rừng đa dạng, Tà Chử dường như chẳng có chỗ nào để đồi trọc, ruộng hoang bão lũ cũng không thể làm khó mảnh đất này. 

Người đầu tiên chúng tôi gặp là Hờ A Lồng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tà Chử. Chàng trai thế hệ 9X khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chất phác đúng kiểu trai rừng. "Năm 2012, vừa tròn 22 tuổi, em được bầu làm trưởng thôn. Lo lắm, nhưng rồi nghĩ việc gì có lợi cho dân bản thì làm, nên em tranh thủ sự ủng hộ của già làng, người có uy tín vận động người dân học cách làm ăn mới để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới!” - Lồng tâm sự khi chúng tôi hỏi chuyện. 

Tuổi trẻ năng động, dám nghĩ dám làm cùng tình yêu làng bản khiến Hờ A Lồng xung phong là người "thắp lửa” cho đảng viên trẻ trong Chi bộ. 

Thấy chúng tôi ngỡ ngàng với một khu rừng phòng hộ gần 600 ha trải dài xanh thắm bao bọc xung quanh bản với hệ sinh thái đa dạng cây nọ nối tiếp cây kia, đồng chí Chớ A Páo - Bí thư Đảng bộ xã Bản Công giãi bày: "Đồng chí Lồng với trách nhiệm của mình đã chỉ đạo thôn bản thành lập đội ứng trực bảo vệ rừng, trong những mùa khô hanh tuần kiểm tra thường xuyên. Có những đêm gió lào thổi mạnh, Lồng cùng tổ đội của mình tuần tra suốt đêm vì vậy suốt 8 năm qua cánh rừng này mới được bình yên”. 

Tiếp lời của Bí thư Đảng bộ xã, anh Giàng A Lâu, cán bộ địa bàn Ban Quản lý rừng phòng hộ phụ trách thôn Tà Chử chia sẻ: "Nhờ có những đảng viên tâm huyết, trách nhiệm được dân tin dân quý như đồng chí Lồng mà thôn Tà Chử luôn là điểm sáng trong công tác trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, đồng chí Lồng đã nhiều năm liền được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng". 

Thôn Tà Chử có 65 hộ dân với 100% dân số là đồng bào Mông sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nguồn sống chính chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. 

Là trưởng thôn, Hờ A Lồng luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để đời sống của bà con bớt khó khăn? Và rồi anh nhận thấy, chỉ khi có đường giao thông thuận lợi thì đời sống người dân mới cải thiện được, nghĩ là làm, anh đã tổ chức họp thôn, rồi đến từng nhà vận động bà con cùng tham gia mở đường. 

Bản thân anh là người tiên phong làm trước, ở một số đoạn đường đi qua khu đất sản xuất của gia đình anh là người tự nguyện hiến đầu tiên. Nhờ đó, chỉ 5 năm trở lại đây, thôn Tà Chử đã mở mới được 5 tuyến đường; trong đó, có 2 tuyến đường liên thôn, 3 tuyến đường ra khu sản xuất. 

Theo đó, đến nay, tất cả các khu sản xuất của thôn Tà Chử đều có đường đi lại được bằng xe máy. Bà con trong thôn ai cũng phấn khởi. 

Ông Hờ A Su - Người có uy tín ở thôn Tà Chử cho biết: "Trưởng thôn Hờ A Lồng rất biết nghĩ cho dân. Không chỉ tích cực trong bảo vệ rừng, mở đường, tích cực tuyên truyền người dân chúng tôi thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản, nhất là không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đẻ nhiều con, người chết được đưa vào quan tài và chôn trước 48 tiếng. Vì thế, nhiều năm rồi, thôn tôi không có hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn đã giảm hơn trước nhiều. Hơn nữa, Lồng còn cưu mang người neo đơn khó khăn ở trong thôn”.

Theo ông Su, nhiều năm qua Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hờ A Lồng còn là người giữ lửa ấm tình người. Thương cảm hoàn cảnh cụ Giàng Thị Mảy mắc chứng tâm thần nên không thể lao động nuôi sống bản thân. Con gái lấy chồng xa lại nghèo không giúp gì được cho cụ Mảy nên anh Lồng đã dựng cho cụ một căn nhà nhỏ trên chính mảnh đất của nhà mình để tiện hàng ngày chăm sóc. 

Cứ thế, 5 năm nay, người dân thôn Tà Chử hàng ngày chứng kiến Bí thư Lồng lúc thì mang gạo, lúc thì mang thức ăn, có khi là sửa soạn nhà cửa giúp cụ Mảy như chính cha mẹ ruột của mình. 



Đường bê tông chạy giữa rừng pơ mu khiến Tà Chử  mê hoặc như trong tranh. 

Bí thư Lồng chia sẻ: "Tôi luôn tâm niệm việc gì có ích cho gia đình, cộng đồng làng bản thì cố gắng làm. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn nỗ lực cao nhất để xứng đáng với niềm tin của Đảng, của dân dành cho tôi”. Trong nắng sớm, chúng tôi thấy nụ cười rạng ngời của người dân Tà Chử dành cho anh Lồng, người đang viết lên một câu chuyện cổ tích cảm động giữa đời thường, xuân đến từ đất trời, từ tình người Tà Chử. 

Từ tấm gương của Hờ A Lồng, ở Tà Chử đã xuất hiện lớp đảng viên trẻ kiên trì, sáng tạo trong phát triển kinh tế, trong số đó có Hờ A Trang. Sinh năm 1994, năm 2016, Hờ A Trang được kết nạp vào Đảng và sinh hoạt ở Chi bộ thôn Tà Chử. 

Ngay từ nhỏ, Trang đã quyết tâm phải làm được được điều gì đó cho quê hương. Học xong lớp 12, với những kiến thức mình được học tập và kinh nghiệm của bố mẹ để lại, Trang quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương mình mà bước đầu tiên là phát triển lúa chất lượng cao, ngô hàng hóa, nuôi gà và lợn bản địa. 

Hờ A Trang chia sẻ: "Khi tôi bày tỏ muốn phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp, bố mẹ khá buồn, bởi họ luôn kỳ vọng, con trai của mình có thể làm cán bộ, làm công chức Nhà nước cho rạng rỡ dòng họ. Song, tôi quan niệm dù là ai miễn là mình sống có ích cho gia đình, làng bản thì đều đáng quý, đáng trân trọng". 

"Ai cũng muốn làm cán bộ thì lấy ai sản xuất lương thực, nhà báo nhỉ? Vì thế, tôi chọn con đường mà ông cha đã làm nhưng cách làm khác đi. Phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ quy trình thời vụ, lựa chọn những nông sản mà thị trường cần để phát triển, tự mình khác được mọi người biết đến” - Trang nói. 

Dám nghĩ dám làm, từ ruộng lúa, gia súc bố mẹ chia cho, Trang tìm tòi những giống lúa mới có năng suất cao đưa vào sản xuất, vừa đảm bảo lương thực trong nhà, vừa có nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc. 

Bên cạnh đó, Trang còn xuống Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện tìm hiểu các loại bệnh trên đàn gia súc theo mùa và nhờ họ tư vấn, vì thế Trang là một thanh niên miền núi may mắn thành công từ bước đầu khởi nghiệp trên chính ruộng đất quê mình. 

Ở tuổi 27, Trang đã có 8 con trâu, bò; hàng năm, thóc, ngô không chỉ đảm bảo lương thực cho gia đình mà còn tiêu thụ một số lượng lớn ở huyện. 

Trang chia sẻ: "Tôi có 1 con trai và 1 con gái. Với điều kiện kinh tế như hiện nay có thể cho bọn trẻ ăn học đàng hoàng. Tôi khuyến khích bọn trẻ hãy theo đuổi đam mê của mình. Đại học không phải là con đường duy nhất để sống và thoát nghèo, mà chỉ cần chúng ta biết sống có ích cho xã hội là được”.

Cũng ở Tà Chử, khi mới bắt tay vào khởi nghiệp, đảng viên trẻ Hờ A Dao cũng có những suy nghĩ "khác người” khiến đồng bào nơi đây không dám tin. Với ý thức ham học hỏi, sự nhạy bén trong tư duy của người trẻ, Dao đã sớm nhận thấy làng bản mình có thế mạnh về du lịch, đặc biệt là khi sức hút "du lịch phượt” ở Trạm Tấu đã có tiếng trong cả nước. Dao quyết tâm dựng một ngôi nhà sàn khang trang ở ven đường, ấp ủ ước mơ làm du lịch homestay. 

Hiện nay, Dao vẫn đang tiếp tục trồng hoa cải tạo cảnh quan gia đình với hy vọng trong tương lai khi Tà Chử được nhiều người biết đến thì ngôi nhà sàn của Dao sẽ là điểm dừng chân cho khách đường xa. Hờ A Dao còn cùng với ông Hờ A Su - một đảng viên lão thành làm bánh dày phục vụ khách du lịch. 

Sản phẩm từ gạo nếp nương Tà Chử được chế biến từ bàn tay của người con trai Mông, sự khéo léo của người con gái Mông với hương vị đặc biệt của núi rừng đã thu hút khách. Hiện nay, mỗi ngày Dao và ông Say tiêu thụ trên 50 chiếc bánh dày, kiếm thêm thu nhập gần 10 triệu đồng/người/ tháng. 

Bên cạnh đó, Dao cùng người vợ trẻ lựa chọn giống nếp đặc sản địa phương khoanh vùng trên diện tích 2.000m vuông ở Tà Chử để gieo cấy giống nếp nương Lẩu Cáy - loại đặc sản nếp nương của đồng bào Mông từ đó có nguồn cung ổn định cho việc giã bánh dày, vừa quảng bá đặc sản quê hương vừa giữ nét truyền thống của dân tộc. 

Dao chia sẻ: "Tôi học bác Su làm kinh tế với hy vọng có thể phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc Mông từ chính những món ăn bản địa như: bánh dày, lợn đen, gà đen. Vì vậy, tôi phát triển kinh tế theo hướng này”. 

Bí thư Chi bộ Hờ A Lồng cho biết thêm: "Tà Chử còn là địa danh nổi tiếng bởi khoai sọ ở đây ngon hơn ở các xã khác, nên năm 2021, tôi sẽ vận động người dân mở rộng diện tích trồng giống khoai này. Huyện ta đang xây dựng thương hiệu OCOP. Chúng tôi phấn đấu để nông sản của mình mang thương hiệu của mình có thể tiêu thụ ở những thị trường rộng lớn hơn và là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao”. 

Đất nông nghiệp ở Tà Chử không nhiều nhưng những đảng viên ở đây lại có những cách làm như "phù phép” để biến hóa những mảnh đất khô cằn thành nơi màu mỡ cho nông sản địa phương phát triển. Ai cũng thích chè Tà Chử, khoai sọ Tà Chử, nếp nương Tà Chử và bây giờ là bánh dày Tà Chử… 

Đường bê tông thông thoáng, rừng pơ mu đẹp như cổ tích thu hút du khách, người dân bản địa với nếp nhà truyền thống, lối sống mộc mạc, chất phác giản đơn làm nên một Tà Chử giống mà lại khác những bản người Mông nơi vùng cao Trạm Tấu. 

Ở Tà Chử còn có những đảng viên đã 80 năm tuổi đời, 50 tuổi đảng như ông Hờ A Sang mà đôi chân không chịu nghỉ, trong xuân sớm, ông vẫn đến từng nhà thăm hỏi và vận động lớp trẻ thực hiện nếp sống mới. Có lẽ, tuổi thơ ông Sang đã chứng kiến đói nghèo lạc hậu vì thuốc phiện, vì hủ tục, vì lối sản xuất lạc hậu nên trong ông luôn mong muốn con cháu được học tập, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nay, nhờ ánh sáng nghị quyết của Đảng, ông Sang chứng kiến tâm huyết của những đảng viên trẻ quyết tâm thay đổi quê hương nên ông muốn góp sức mình vì sự phát triển của vùng cao - nơi ông đã sinh ra. Ông Sang đã vận động thành công những người thân của mình không tảo hôn và không sinh con thứ ba trở lên. 

Nhìn về phía cánh rừng xanh ngút tầm mắt, ông Sang hồi ức một thời niên thiếu khi nơi xưa ấy là cây thuốc phiện, là lúa nương năng suất thấp, là ruộng hoang khiến người dân thiếu đói triền miên thì nay cánh rừng ấy, mảnh đất ấy rừng phủ xanh, ngô lúa bốn mùa. 

Ông Hờ A Sang vui lắm, vì thế hệ trẻ được Đảng đào tạo bồi dưỡng, có kiến thức, nhất định sẽ lãnh đạo xây dựng quê hương ấm no và phát triển hơn trong tương lai. Ông Sang chia sẻ: "Không thể ngờ rằng Trạm Tấu có một ngày thành khu du lịch, là điểm đến của nhiều khách quốc tế, trong nước. Nên còn sức tôi còn giúp con cháu mình sống có ích hơn, để chúng ta tự hào mình là người Trạm Tấu”.

Nói đi đôi với làm, xuất phát từ tấm gương của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hờ A Lồng, những đảng viên thế hệ 9X của mảnh đất Tà Chử đã "phất cờ hồng” góp phần làm cho bản làng vùng cao bừng sáng. 

Ông Chớ A Páo - Bí thư Đảng bộ xã Bản Công cho biết: "Từ sự gương mẫu đi đầu của những đảng viên trong Chi bộ Tà Chử mà đồng bào Mông ở đây đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không có điểm nóng gây mất an ninh trật tự. Tà Chử trở thành lá cờ đầu của xã Bản Công trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Chi bộ Tà Chử cũng luôn là chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”.

Ở Tà Chử, xuân như đến sớm. Xuân ấm tình người. Xuân ấm núi rừng. Trăm hoa đua sắc, khu rừng cổ tích vẫn huyền ảo, bao bọc, chở che cho dân bản và chúng tôi tin nơi đây sẽ thực sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương khi có những đảng viên hết lòng yêu quê hương như thế.

Ngọc Sơn

Tags đảng viên người Mông Tà Chử xã Bản Công Trạm Tấu

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục