Tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/1/2021 | 10:49:52 AM

YênBái - Ngay từ lần đầu gặp Bí thư Đoàn xã An Phú (Lục Yên) Sầm Trung Tấn, tôi đã ấn tượng về một mẫu thanh niên Việt Nam điển hình: hòa đồng, sôi nổi, không ngại khó, không ngại khổ, có lý tưởng và nhiệt huyết. 7 năm gắn bó với công tác Đoàn, phong trào thanh niên, anh đã đưa một cơ sở Đoàn từ hoạt động còn hạn chế trở thành tổ chức Đoàn vững mạnh - một trong những đơn vị đi đầu của tuổi trẻ toàn huyện.

Đoàn viên thanh niên xã An Phú tham gia vệ sinh môi trường cùng nhân dân.
Đoàn viên thanh niên xã An Phú tham gia vệ sinh môi trường cùng nhân dân.

Sinh năm 1990 ở vùng quê nghèo An Phú. Tháng 6/2013, anh tốt nghiệp Khoa Sư phạm Hóa, Trường Đại học Giáo dục, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời điểm đó, tỉnh tạm dừng tuyển dụng giáo viên, anh về nhà và tham gia sinh hoạt tại Chi đoàn thôn Khau Vi. Công tác Đoàn đã "bén duyên” với anh từ đây.  

Bật dậy sức trẻ

Những năm qua, tỷ lệ thu hút, tập hợp thanh niên ở An Phú đạt 80%, Đoàn xã đã huy động được gần 1.300 lượt đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia xây dựng 11 sân chơi, thực hiện 4 công trình thắp sáng đường quê, tổng chiều dài 4,6 km với 120 bóng đèn; xây dựng 3 nhà nhân ái; hỗ trợ 6 gia đình chính sách dựng nhà, lợp lại mái nhà; tu sửa đường trục và đường liên xã; thực hiện công trình "Con đường em đến trường” với chiều dài 3 km... Đó là những thành quả nổi bật của Đoàn xã - một tập thể đoàn kết, chung chí hướng, cùng nhau nỗ lực tạo nên. Được biết, cuối năm 2015, anh Tấn được phân công đảm nhận Bí thư Đoàn xã. 

Ngày ấy, hoạt động Đoàn còn lẻ tẻ, chưa sôi nổi, chưa thu hút với ĐVTN. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động Đoàn khó khăn, cán bộ chi đoàn, ĐVTN còn chưa tha thiết với tổ chức. Có lần, dù đã có kế hoạch của Ban Thường vụ Đoàn xã dự sinh hoạt chi đoàn, nhưng hôm đó ĐVTN tới sinh hoạt chỉ có vài người, Ban Thường vụ quyết định rời thời gian và đến từng nhà ĐVTN vận động tham gia sinh hoạt. 

Nhớ lại kỷ niệm ấy, anh Tấn chia sẻ: "Tôi nghĩ đó là tình trạng chung chứ không riêng ở Đoàn xã An Phú, trong khi đó, tôi mới được tổ chức phân công nhiệm vụ nên chưa có kinh nghiệm, năng lực hạn chế. Song ngẫm về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ là gốc của mọi công việc” tôi lại có thêm động lực. Tôi luôn tự nhủ, cứ cố gắng hết sức khi còn có thể, kinh nghiệm, năng lực thiếu nhưng bù lại là sự tận tâm, trách nhiệm, gương mẫu thì sẽ thành công”.

Rời phòng làm việc, anh Tấn dẫn chúng tôi đi thăm Công trình "Con đường em đến trường” do Chi đoàn Báo Yên Bái phối hợp với Đoàn xã thực hiện và hoàn thành hồi đầu năm 2020. Trên đường đi, anh Tấn chia sẻ về những giải pháp thu hút, tập hợp thanh niên: "Trước hết, Ban Thường vụ Đoàn xã rà soát lại các chi đoàn để kiện toàn lại đội ngũ cán bộ Đoàn, lựa chọn những bí thư chi đoàn thực sự tâm huyết, trách nhiệm. 

Đồng thời, Đoàn xã tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; phối hợp với Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện. Qua đây, khẳng định vai trò của thanh niên, cứ việc mới, việc khó, việc phát sinh là tập thể Ban Chấp hành tham mưu cho cấp ủy để Đoàn Thanh niên đứng ra đảm nhận”. 

Được biết, khi anh Tấn mới tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, lúc đó ĐVTN đi làm ăn xa phát triển mạnh, lực lượng ĐVTN ở nhà rất ít nên việc tập hợp, huy động đoàn viên tham gia sinh hoạt và tham gia các hoạt động Đoàn rất khó khăn. 

Để khắc phục khó khăn đó,Tấn đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao, trọng tâm là phát triển bóng đá nhi đồng và môn bóng chuyền da cho thanh niên vào tháng 7 hàng năm; dần dần, thu hút được rất nhiều ĐVTN về tham gia giải, cổ vũ. 

Đồng thời, anh cùng Ban Chấp hành Đoàn xã phát động nhiều công trình, phần việc thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và tổ chức thực hiện các công trình, phần việc thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới điển hình như: xây dựng sân nhà văn hóa thôn, cống qua suối, làm đường bê tông cho dân đi lại... nhận được sự ủng hộ của nhân dân và sự hưởng ứng nhiệt tình của ĐVTN.

Nói được, làm được

Là "thủ lĩnh”, miệng nói tay làm, ngoài việc tham gia hoạt động công tác Đoàn, anh Tấn còn tích cực phát triển kinh tế gia đình, nêu gương cho ĐVTN. Hiện, gia đình anh đăng ký và kinh doanh bán hàng tạp hóa phục vụ các nhu yếu phẩm cho nhân dân, trồng cây ăn quả, nuôi lợn, gà, trồng rừng, thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Làm gương trong phát triển kinh tế và thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu, tận dụng diện tích đất vườn của gia đình, anh Tấn làm cỏ, san gạt để trồng 100 gốc ổi giống Đài Loan. 

Theo anh Tấn, ổi là loại cây dễ trồng, cho năng suất cao và việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn. Chỉ sau thời gian ngắn vun trồng, chăm sóc, vườn ổi đã cho thu hoạch, mở ra hướng phát triển kinh tế mới để ĐVTN trên địa bàn học theo. Được tận mắt thấy vườn ổi sai trĩu quả, quả đều thau tháu, anh Tấn trải lòng: "Nhiều khi tôi trăn trở nghĩ xem làm gì để phát triển kinh tế gia đình. Lúc đầu tôi mạnh dạn trồng ổi thử xem có hợp với khí hậu ở đây không và tôi tự mua cây giống về trồng. Không ngờ cây phát triển tốt, ra quả to, đều, đẹp và bán được giá, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ cho sản lượng 1,5 tấn, thu về 60 triệu đồng/năm”.

Không chỉ đi đầu phát triển kinh tế, anh Tấn còn phát huy vai trò người "thủ lĩnh” trong mọi phong trào của Đoàn, anh luôn tâm niệm là thủ lĩnh Đoàn cần phải "Xung kích, tiên phong, đổi mới, sáng tạo” trong mọi hoạt động, nhất là trong Phong trào "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, có như vậy, mới tập hợp, thu hút được đông đảo ĐVTN. Nổi bật là 5 năm qua, anh cùng với Ban Chấp hành Đoàn xã triển khai, cụ thể hóa Phong trào "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” với nhiều chương trình hành động thiết thực, hiệu quả. 

Trong đó, Đoàn xã đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của Tỉnh đoàn tổ chức 3 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho 170 ĐVTN. Đồng thời, anh cũng thường xuyên tư vấn, khuyến khích thanh niên học nghề và đi làm công ty để kiếm thu nhập cho bản thân và gia đình. Đến nay, Đoàn xã xây dựng 3 mô hình phát triển kinh tế trong ĐVTN, thành lập 2 tổ hợp tác (tổ xây dựng và tổ trồng cam) và thành lập 1 hợp tác xã (HTX) Phú An do Đoàn thanh niên làm chủ. 

Các mô hình tiêu biểu như: Kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng do đồng chí Hoàng Văn Sơn, Chi đoàn thôn Khau Sén làm chủ; dịch vụ vận tải, nước lọc do đoàn viên Mã Văn Duyệt, Chi đoàn thôn Mỏ Cao hay tổ hợp tác xây dựng do đồng chí Hoàng Văn Hưởng, Chi đoàn Khau Sén. Ngày mới thành lập, các mô hình mới chỉ là manh mún, nhỏ lẻ, hoạt động chưa hiệu quả chỉ dừng lại ở việc thu hút, tập hợp ĐVTN có cùng chung chí hướng. 

Song với khát khao và quyết tâm của tập thể thành lập một HTX do thanh niên làm chủ, đầu năm 2020, khi các tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập tương đối ổn định, anh Tấn quyết tâm thành lập HTX. 



Anh Sầm Trung Tấn chăm sóc vườn ổi của gia đình.

Anh Hoàng Văn Hưởng - Chi đoàn thôn Khau Sén nhớ lại: "Ngày ấy, khi anh Tấn vận động thành lập HTX, tôi cũng như các ĐVTN khác cũng lo ngại vì chưa hình dung được quy mô, hoạt động của HTX như thế nào. Được anh Tấn động viên, thuyết phục chúng tôi đã cùng tin tưởng và quyết tâm thực hiện, đến nay thì hiệu quả đã càng thấy rõ”. Và tháng 10/2020 HTX Phú An được thành lập với 7 thành viên mang quyết tâm, ý chí và có khát vọng làm giàu. 

Với nhiều dấu ấn trong công tác Đoàn xã, "Thủ lĩnh” Đoàn Sầm Trung Tấn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao; đặc biệt, tuổi trẻ An Phú tin tưởng và đồng thuận trong mọi hoạt động. Bí thư Đảng ủy xã An Phú Lộc Văn Ngọc khẳng định: "Anh Sầm Trung Tấn là cán bộ Đoàn tận tâm, năng động sáng tạo trong hoạt động, truyền lửa cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở và ĐVTN của địa phương. Đặc biệt, sự ra đời của HTX Phú An là "điểm tựa” vững chắc để ĐVTN thực hiện khát khao làm giàu, giúp cho ĐVTN địa phương có cuộc sống ấm no, khá giả hơn”.

Tạm biệt An Phú, tạm biệt "thủ lĩnh” Đoàn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chúng tôi thầm chúc cho những dự định của anh sẽ thuận bước, thành công cùng tuổi trẻ An Phú xây dựng quê hương no ấm!

Trần Minh

Tags Đoàn xã An Phú Lục Yên thủ lĩnh nhiệt huyết Sầm Trung Tấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục