Hành trình từ “chua chát” đến hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/5/2021 | 7:42:35 AM

YênBái - Ngày nay, thứ quả dại ở rừng có vị chua chát nhưng lại có cái tên mỹ miều "sơn tra" không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng cao huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải mà còn trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu, có gắn kết sản xuất và chế biến.

Sơn tra trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao.
Sơn tra trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao.

Từ thứ quả dại...

Sơn tra hay táo mèo vốn mọc tự nhiên thành rừng và xen với diện tích rừng tự nhiên trên những đỉnh núi cao. Sơn tra có sức sống mãnh liệt, nên có thể trồng ở những nơi đất nương rẫy kém hiệu quả; nơi mùa mưa đất xói lở, mùa khô thì xác xơ, nơi rét hại; thậm chí, cả những khu rừng bị cháy. Bởi vậy, cùng với lúa, ngô, thảo quả… sơn tra được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. 

Gia đình anh Giàng Páo Dê ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải có 10 năm trồng sơn tra với diện tích trên 10 ha hiện đã có hơn 5 ha cho thu hoạch và thu về từ 50 - 200 triệu đồng mỗi năm tùy vào sản lượng, giá cả theo mùa.

 Anh Dê kể: "Từ rất nhiều năm trước, táo mèo ở trên rừng nhiều lắm, rụng đầy gốc mà chả ai nhặt. Rồi có người bán được tiền, sắm được thêm trâu, bò, xe máy, ti vi thì nhà nào trong bản cũng nhận bảo vệ và trồng theo. Tôi cũng nhận 4 ha rồi trồng thêm 6 ha nữa nhưng táo mèo trồng mới gặp nhiều khó khăn từ vốn, cây giống chất lượng, kỹ thuật chăm sóc cho đến bán ở đâu, bán thế nào, giá cả ra sao? Nhưng giờ thì ổn định hơn rồi!”. 

Nói về sơn tra, ông Giàng A Sáy - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu bộc bạch: "Qua nhiều năm, cây sơn tra đã cho thấy rõ hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 8,2%. Xã hình thành được vùng nguyên liệu với trên 100 ha trồng sơn tra; trong đó, có khoảng 60 ha đã cho thu hoạch quả, năng suất đạt trung bình từ 2 - 5 tấn/ha tùy giá cả cao thấp mỗi năm, nhưng cũng cho thu thấp nhất là trên 1 tỷ đồng khi đơn giá là 5.000 đồng/kg. Địa phương rất mong tỉnh, huyện hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến thu mua sơn tra cho bà con với giá ổn định để đồng bào tiếp tục yên tâm sản xuất và thoát nghèo bền vững”.

Thu nhập từ sơn tra đã thấy rõ. Việc mở rộng diện tích, tiến tới tạo vùng nguyên liệu tập trung là hướng đi đúng đắn, dài lâu. Song, cần có những hỗ trợ để mở rộng diện tích trồng cũng như phổ biến kiến thức trồng, chăm sóc một cách bài bản cho đồng bào. 

... Thay đổi từ đề án...

Năm 2016, một đề án mang tên Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai với mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2020 diện tích sơn tra đạt 10.000 ha, sản lượng đạt trên 7.500 tấn. 

Từ đây, các hộ tham gia được nhận hỗ trợ cây giống, nhân công trồng, chăm sóc rừng trồng bổ sung và được hưởng toàn bộ sản phẩm khi cây cho quả; được hưởng tiền công bảo vệ rừng; được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm giàu rừng và các dịch vụ khác.

Đổi lại, nhân dân cần cam kết bảo vệ, chăm sóc rừng trồng theo quy định về làm giàu rừng; chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, chấp hành các nghĩa vụ khác theo quy định. 

Hết năm 2020, diện tích sơn tra toàn tỉnh đạt 9.369 ha, tăng 5.546 ha so với năm 2015; sản lượng quả đạt trên 5.000 tấn. Tỉnh đã hỗ trợ trồng mới 5.389,9 ha, với tổng kinh phí hỗ trợ là 42.026,4 triệu đồng.

Đã có một số thành công bước đầu khi Đề án tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức của đồng bào. Từ thứ quả dại mọc trong rừng, thích thì hái, cây sơn tra đã phát triển trở thành thứ hàng hóa được chú trọng sản xuất. Sơn tra giờ được bảo vệ, nâng niu bằng cách làm cỏ, bón phân hay bằng việc các xã thành lập các chốt, trạm kiểm soát thu hái sơn tra, giảm tình trạng thu hái sơn tra non của đồng bào. 



Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia đã đưa dây chuyền sản xuất hiện đại vào chế biến sản phẩm sơn tra. 

Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Năm 2016, quả sơn tra còn được công nhận nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) sơn tra Mù Cang Chải và đây là chứng nhận cho sản phẩm được đảm bảo ổn định về chất lượng, chính xác về nguồn gốc, được pháp luật bảo vệ. Từ đó, huyện tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc thu hái, kinh doanh sản phẩm sơn tra non, quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng NHCN của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng nhằm duy trì, đảm bảo những tiêu chuẩn và đặc tính riêng của sản phẩm mang NHCN. Hiện, sản lượng sơn tra tăng mạnh, song chủ yếu tự tiêu thụ. Nếu có thêm các đơn vị, công ty thu mua ổn định sơn tra cho bà con thì huyện sẽ tích cực ủng hộ, tạo điều kiện”.

Để cây sơn tra thực sự trở thành cây sinh kế của đồng bào, cần có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ với đơn vị thu mua, chế biến; đặc biệt là có các cơ sở chế biến quy mô đủ lớn, bao tiêu sản phẩm, tạo ra đa dạng các sản phẩm chế biến từ sơn tra. Đây chính là bước đệm để sơn tra vốn theo chân người Mông từ những khu rừng già đến rộng rãi người tiêu dùng và các thành phố lớn.

… Đến sản phẩm nông nghiệp

Từ bao đời nay, cứ đến độ tháng 9, tháng 10 là mùa quả sơn tra chín rộ và đồng bào Mông lại men theo các con đường mòn tỏa đi khắp các cánh rừng để thu hái sơn tra. Từ những quả sơn tra chín ruộm, nhiều sản phẩm đã được tạo thành như: rượu sơn tra, sơn tra khô, mứt, ô mai, sơn tra dầm xổi... được các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh xuất bán đi khắp cả nước đã góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ sơn tra cho đồng bào. Nhưng, để có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm thì phải kể đến Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia. 

Đến nay, Công ty đã đưa 2 sản phẩm là trà táo mèo Shan Thịnh dạng bột và nước táo mèo dạng lon vào sản xuất tại nhà máy với diện tích hơn 2 ha tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. Táo mèo tươi trải qua dây chuyền sản xuất hiện đại tạo ra cao táo - nguyên liệu chủ yếu sản xuất ra trà và nước táo mèo Shan Thịnh. 

Cao táo trước khi sản xuất đại trà được Công ty đưa đi kiểm nghiệm và kết quả cho thấy không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các loại nấm, mốc, vi khuẩn, đủ để minh chứng cho táo mèo tươi đầu vào từ huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu đạt chất lượng tốt. 

Sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Bà Hà Thị Hằng - Giám đốc Công ty khẳng định: "Năm 2020, đơn vị đã xuất ra thị trường 500.000 hộp trà táo mèo Shan Thịnh đến 63 tỉnh, thành trên cả nước. Dự kiến năm 2021, sản xuất 30 triệu hộp trà táo mèo. Tới đây, Công ty cũng sẽ cho ra mắt sản phẩm nước táo mèo dạng lon. Bởi vậy, số lượng táo mèo tươi thu mua sẽ tăng từ vài trăm tấn năm 2020 có thể lên đến 3.000 tấn trong năm 2021. Công ty đã ký hợp đồng thu mua nguyên liệu liên kết với UBND huyện, các hợp tác xã, các hộ dân trên địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tạo ra chuỗi hàng hóa bền vững, giúp đồng bào vùng cao có thu nhập ổn định từ táo mèo”. 

Vậy là, trải qua bao năm "bôn ba”, thứ quả chua chát của đồng bào nay đã thêm đượm ngọt, tươi mới như chính đời sống của đồng bào ngày nay: có cơm no, có áo ấm từ sơn tra. Chẳng phải điều gì to lớn, có lẽ đó chính là hạnh phúc. 
Hoài Anh

Tags Yên Bái chỉ số hạnh phúc cây sơn tra sản xuất chế biến Trạm Tấu mù Cang Chải

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục