Vang mãi khúc ca xanh!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/5/2021 | 7:42:41 AM

YênBái - Nhắc đến nông trường Nghĩa Lộ, nay mang tên hành chính mới là xã Nghĩa Lộ thuộc thị xã Nghĩa Lộ, người ta nghĩ ngay đến một vùng nguyên liệu chè lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Còn tôi, trở lại nơi đây giữa những ngày tháng 5 lịch sử gắn với kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 131 năm ngày sinh Bác kính yêu đã gợi lên trong tôi niềm tự hào xen lẫn cảm xúc bồi hồi, xao xuyến…

Nông dân xã Nghĩa Lộ thu hoạch chè. (Ảnh: Hoài Văn)
Nông dân xã Nghĩa Lộ thu hoạch chè. (Ảnh: Hoài Văn)

Bởi màu xanh yêu thương và sức sống mới của nông trường luôn mang đậm dấu ấn của những anh bộ đội Cụ Hồ, những người từng làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Các anh đã nghe theo lời Đảng và Bác Hồ cùng tụ hội về miền đất một thời lau sậy này để chung tay xây dựng nên vùng kinh tế mới. 

Đồng chí Nguyễn Văn Quân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, "thế hệ 8x” cũng là thế hệ thứ ba của lớp Bộ đội Cụ Hồ tự hào cho biết: "Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên của nông trường luôn là lực lượng cố vấn đắc lực cho cấp ủy, chính quyền qua các thời kỳ trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - văn hóa để xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh”.

Anh cán bộ phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội của xã dẫn tôi đi qua các đội sản xuất của nông trường năm xưa nay được gọi tên các thôn theo thứ tự thôn 1, thôn 2,3,4… Những đồi chè đón nắng mới xanh óng trải dài đến xa tít chân trời, từng luống chè chạy song song ôm lấy sườn đồi tựa như những khuông nhạc xanh nối nhau thành bản nhạc khổng lồ giữa đất trời Tây Bắc, chúng tôi nghe vọng đâu đây bản nhạc vui náo nức "Tiếng hát trên đồi chè Nghĩa Lộ" mà nhạc sĩ Văn Ký đã cảm hứng sáng tác từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. 

Tôi hình dung không khí lao động của những tháng năm xưa khi 440 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 85 sau khi đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược ra khỏi bờ cõi được cử về đây xây dựng nông trường quân đội như hình ảnh trong "Bài ca vỡ đất" của nhà thơ Hoàng Trung Thông "Bàn tay lao động/ Ta gieo sự sống/ Trên từng đất khô/ Bàn tay cần cù/ Mặc dù nắng cháy… Hòa theo gió núi/ Ta đào mương mở suối/ Tuổi ta tuổi đấu tranh/ Cho dù bạc áo nông binh/ Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo"… 

Đến thôn 4c, đội Đồng Lú, chúng tôi vào thăm đồng chí Trần Văn Khắc, cựu chiến binh chống Pháp. Tuổi 90 nhưng ông vẫn minh mẫn và say mê ôn về miền ký ức hào hùng. Năm 1951, ông tình nguyện đi bộ đội, vì biết chữ, biết tính toán nên được đơn vị cử sang nước bạn học về kỹ thuật pháo cao xạ, năm 1952, trở về Trung đoàn 367 thuộc Bộ Quốc phòng tham gia chiến dịch Tây Bắc và được trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Theo lời kể của ông, những thước phim tư liệu sống về đơn vị pháo 37 nòng dài cùng các cánh quân năm ấy như được chiếu qua trước mắt chúng tôi, hình ảnh những chiến sĩ "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non…" đang hiện hữu. Và không phải trên phim ảnh, không phải trong thơ, cũng không còn trong mơ… người chiến sĩ ấy - tôi vừa được bắt tay thân thiện, bàn tay chai sạn từ thuở kéo pháo vào trận địa cho đến những ngày tay dao, tay cuốc, tay cày biến đất cằn sỏi đá thành vùng đất trù phú, mỡ màu hôm nay… 

Dù rất khiêm tốn nhưng không giấu nổi niềm tự hào khi ông cười mà khoe rằng, dòng họ kể từ ông đã bốn đời gắn bó với quê núi, ông có hai người con trai và một thằng cháu nội cùng theo binh nghiệp. Nay, ông có 6 chắt và kỳ vọng đời cháu chắt sẽ còn làm nên những kỳ tích mới. 

Ông nói, hơn 400 anh bộ đội về đây xây miền quê mới giờ nhiều người khuất núi, còn lại mấy người bạn chiến đấu cùng vào sinh ra tử vẫn bám trụ ở đây như: ông Tư, ông Dược, ông Hà, ông Thao, ông Lượng, ông Ngãi, ông Suýt… Họ thường lui tới nhà nhau và chuyện xưa cứ râm ran. Người già hay hoài niệm, mà mỗi lần hoài niệm về thời chinh chiến lại thấy mình khỏe ra! 

Đến thăm cựu chiến binh Đặng Anh Tư - đảng viên 65 năm tuổi Đảng, 91 tuổi đời mà ký ức của thời đánh giặc, thời đem sức trai đi dựng xây quê hương thứ hai vẫn không phai mờ. Thuở thiếu thời trên quê hương Hưng Hà, tỉnh Thái Bình trước cảnh nước mất, nhà tan, cậu bé Tư đã xung phong vào thiếu sinh quân rồi đi bộ đội làm nhiệm vụ trinh sát. Hòa bình lập lại ở miền Bắc ông cùng đồng đội về Nghĩa Lộ xây dựng nông trường. 

Ngày 1/1/1961, toàn Trung đoàn được làm lễ hạ sao và trở thành công nhân. Ngày 8/3/1967, Bộ Nội vụ đã có quyết định thành lập thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Bằng trí tuệ và lòng nhiệt huyết, ông đã từng làm quản lý kinh tế và đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban thị trấn Nông trường nhiều khóa. 

Ông cũng kể tôi nghe những năm tháng gian nan xây dựng nông trường nhưng tinh thần của các anh bộ đội Cụ Hồ luôn lạc quan, tin vào một ngày mai tươi sáng. Trong lao động, họ có những câu ca, câu hò để khích lệ tinh thần như "Nắng cháy lưng, bỏng tay từng nhát cuốc/ Đặt hạt chè lo sương muối, trời hanh/ Đêm nằm mơ chè rộng tán giao cành…". 

Và niềm tin ấy đã trở thành hiện thực! Cơ ngơi nông trường được mở rộng tới 1.707,02 ha. Từ 440 chiến sĩ nông binh ngày ấy nay dân số lên 1.702 hộ với 5.662 nhân khẩu, có 9 thôn, bản và 12 thành phần dân tộc cùng sinh sống. Đảng bộ có 13 chi bộ trực thuộc với tổng số 350 đảng viên.

Niềm tin theo Đảng và cuộc sống nơi đây đã từng ngày, từng giờ trỗi dậy trong khát vọng vươn tới những ngày mai tươi sáng hơn. Trên địa bàn đã có 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trong đó quy mô nuôi lợn thịt 2,5 lứa/năm, mỗi lứa từ 5.000 đến 7.000 con; lợn nái quy mô từ 1.200 đến 2.500 con/lứa; lợn giống xuất chuồng 2,4 lứa/năm, mỗi lứa gần 3.000 con. Tuy chưa được giải quyết tốt vấn đề môi trường, nhưng tiếng nói của các cựu chiến binh đã có tác động tích cực với doanh nghiệp.

Đơn vị có diện tích chè lớn với 443,6 ha, hàng năm cho sản lượng trên 8.500 tấn chè búp tươi, trong đó sản lượng chè búp chất lượng cao là 7.500 tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm là 91.809 con; tổng diện tích rừng trồng 421,2 ha; diện tích lúa 2 vụ 170 ha, trong đó trên 110 ha là các giống lúa thuần chất lượng cao. Hiện nay, trên địa bàn có 3 công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân đạt 2,5 tỷ đồng/tháng. 

Hưởng ứng Phong trào "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới", cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đã hăng hái thi đua theo lời dạy của Bác Hồ "Thi đua là yêu nước! Yêu nước phải thi đua!". Đến nay, đơn vị hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. 

Các trục đường liên xã dài 6 km đã được nhựa hóa 100%, đường liên thôn và đường trục trong các thôn, bản đã được bê tông hóa, đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp không còn lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống kênh mương tưới tiêu cho lúa và cây trồng cũng kiên cố hóa toàn bộ 10,5 km; 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên, hệ thống trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia và 100% thôn, bản có nhà văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Điều đáng nói là nhà ở dân cư đạt chuẩn của Bộ Xây dựng có 94,6%, nhà gỗ 5,4%, không còn nhà tạm. Mức thu nhập bình quân đạt 46,12 triệu đồng/người/năm. 

Đồng chí Phạm Thị Thanh An - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của xã đang bận rộn với công tác hiệp thương cũng như chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhưng vẫn dành thời gian tiếp chuyện. Theo đánh giá chung của cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, những năm qua, cán bộ và nhân dân đã không ngừng nâng cao kỹ năng dân vận, ý thức trách nhiệm, nói đi đôi với làm, xác định rõ việc xây dựng cơ sở hạ tầng là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, việc hình thành và xây dựng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả là góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân từ đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững ổn định. 

Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức lan tỏa lớn và thật sự thổi luồng gió mới mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương đã thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, lồng ghép với các nguồn vốn xã hội hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất phù hợp với lợi thế của địa phương, đã gắn nông nghiệp với sản xuất hàng hóa, có liên kết đầu ra cho sản phẩm bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết tốt việc làm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững, đời sống của nhân nhân ngày được nâng cao.

Suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành cùng với sự hình thành của nông trường, nhà máy, xí nghiệp, công ty cho đến các tổ hợp tác, Đảng bộ và chính quyền đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của những người con được tôi luyện, thử thách qua chiến trường, qua khói lửa đạn bom, trong lao động sản xuất, công tác và học tập. Những thành quả đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đã làm thay đổi diện mạo trên quê hương thứ hai của những người lính Cụ Hồ năm xưa… 

Nhẹ bước qua từng ruộng lúa, nương chè, qua những thôn, bản cho đến trung tâm phố núi giữa bạt ngàn chè xanh và bạt ngàn những vườn cây ăn quả, những vườn đào, vườn mận, vườn thanh long, dưa hấu, dưa lê… giữa âm thanh rộn rã vọng về từ tiếng máy xao chè, cắt gạch, bóc gỗ, tiếng của hàng trăm tổ ong mật tỏa đi tìm nhụy như tạo nên một dàn hợp xướng mang âm sắc của đất trời, của núi rừng và màu xanh hy vọng. 

Cảm hứng trào dâng, chúng tôi cùng khẽ ngâm nga câu hát trong ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký "Em hãy đến cùng anh, ta dựng xây thêm miền quê mới. Anh trồng thêm nương lúa, em gieo thêm nương chè… Nghĩa Lộ quê hương ta ơi! Núi rừng đã thay áo mới, hát lên mà đi tới, ta đi trồng thêm những đồi chè mới, cho xanh tươi thêm cuộc đời… xanh màu xanh tương lai! Xanh… màu… xanh… tương… lai!". Câu điệp khúc vút cao, tỏa lan theo dáng núi, hương chè. Một khúc ca xanh biất tận…!

Nguyễn Thị Thanh

Tags Yên Bái nông trường Nghĩa Lộ xã Nghĩa Lộ thị xã Nghĩa Lộ vùng nguyên liệu chè chiến dịch Điện Biên Phủ Tiếng hát trên đồi chè Nghĩa Lộ nhạc sĩ Văn Ký

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục