Yên Bái: “Sao vuông” ngăn dịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/9/2021 | 7:09:41 AM

YênBái - Các phương tiện truyền thông không ngừng đăng tải các bài viết và hình ảnh về lực lượng y tế, công an và mới đây là bộ đội trên tuyến đầu chống dịch. Với những gian nan, vất vả và cả nguy hiểm đang phải đương đầu, họ xứng đáng được tôn vinh, được nhân dân quý mến, biết ơn.

Các chiến sĩ dân quân chuẩn bị bữa ăn trong Khu cách ly Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trấn Yên.
Các chiến sĩ dân quân chuẩn bị bữa ăn trong Khu cách ly Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trấn Yên.

Trong số những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch còn có một lực lượng rất ít được nhắc đến, đó là những chiến sĩ dân quân. Các anh cũng hy sinh, vất vả, nguy hiểm chẳng kém, khi mà dịch bệnh đang diễn biến cực kỳ phức tạp, chúng tôi đến các chốt kiểm dịch, những khu cách ly để viết về các chiến sĩ dân quân tự vệ đang sát cánh cùng đồng chí, đồng đội, ngày đêm quên mình để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.

Tại Khu cách ly Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Trấn Yên, đồng chí Đỗ Trọng Đại - chiến sĩ dân quân thôn Đồng Phú, xã Việt Thành đang cùng với anh em lo bữa ăn trưa cho hơn 100 người đang thực hiện cách ly tại đây. Anh Đại và lực lượng tham gia làm bếp toàn là những người thạo việc. Nhờ thế, các bữa ăn đều tươi ngon, đảm bảo vệ sinh và hợp khẩu vị, giúp người cách ly đảm bảo sức khỏe. 

Thực hiện Công điện của Bộ Quốc phòng và chủ trương huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã trưng tập 58 chiến sĩ dân quân tham gia các chốt kiểm soát dịch bệnh cấp tỉnh, 297 đồng chí tham gia các chốt kiểm dịch cấp huyện, xã và gần 100 đồng chí tham gia làm công tác đảm bảo tại các khu cách ly tập trung. 

Cùng với đó, hàng trăm chiến sĩ dân quân tại các thôn, bản, tổ dân phố vừa sẵn sàng chiến đấu vừa tham gia tuyên truyền, hướng dẫn tại các khu vực chợ; đồng thời, sẵn sàng thực hiện các mệnh lệnh khi cấp trên có yêu cầu. 

Nhận lệnh làm nhiệm vụ là chấp nhận khó khăn, vất vả và nguy hiểm nữa, nhưng đã là chiến sĩ lực lượng vũ trang, các anh luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy truyền thống khi Tổ quốc và nhân dân cần đến mình, không ai thoái thác hay trốn tránh nhiệm vụ trên giao. 

Đi chống dịch là giao lại ruộng vườn, đồi rừng, chuồng trại cho cha mẹ và vợ con, anh Đỗ Trọng Đại cho biết: "Nhận lệnh trưng tập khi chè đến lứa hái, tằm đến kỳ ăn rỗi, rồi lúa chín đợi người gặt… giao lại hết cho vợ và người thân nên không tránh khỏi lo lắng. Tuy nhiên, khó khăn đã được khắc phục, hơn nữa, anh em dân quân đều xác định rõ trách nhiệm của mình”. 

Qua trao đổi với Thượng tá Trần Văn Toàn - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trấn Yên, được biết, hàng nghìn ngày công của các đồng chí dân quân tại khu cách ly, tại các chốt kiểm dịch ở Minh Quân, Việt Cường, các tổ công tác dọc cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn huyện trong suốt hai năm qua đều được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm cao. Hình ảnh người chiến sĩ "sao vuông” càng in đậm hơn trong lòng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Có mặt tại các chốt kiểm dịch, các khu cách ly mới thấy vai trò của lực lượng dân quân tự vệ. Họ cũng vất vả nắng mưa, khuya sớm. Họ cũng đứng trước nguy cơ mắc bệnh rất cao nhưng trong khi các lực lượng bạn đều có lương và các chế độ, nhiều cơ quan, đơn vị có điều kiện còn hỗ trợ thêm cho anh em đi chống dịch thì lực lượng dân quân thiệt thòi hơn rất nhiều. 

Ngoài số tiền bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày, theo quy định của Nghị định số 02/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự thì anh em dân quân tham gia chống dịch hoàn toàn không có một chế độ nào khác. 

Vẫn biết, chống dịch như chống giặc, giặc đến nhà thì ai ai cũng ra trận, nhất là lực lượng vũ trang; vì dân, vì nước, chẳng quản hy sinh, vất vả chứ đừng nói gì đến chế độ đãi ngộ! 

Cùng với quân và dân cả nước, Yên Bái đã xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch và phương án cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Nhiều khu cách ly tập trung đã được hình thành trên địa bàn tỉnh để sẵn sàng đón nhận đồng bào vào ăn ở. Nhiều chốt kiểm dịch cấp huyện, nhất là cấp xã đã và sẽ được thành lập, ứng phó với mọi tình huống xảy ra tại Yên Bái… Tất cả đã sẵn sàng, đồng nghĩa với đó là số lượng chiến sĩ dân quân được huy động sẽ tăng lên. 

"Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chúng tôi sẽ đảm bảo lực lượng trong mọi tình huống. Tinh thần, ý chí của cán bộ, chiến sĩ cả chuyên trách và bán chuyên trách luôn cao độ, sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh trên giao, không quản khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm để chung sức, đồng lòng cùng cả nước lao vào trận chiến chống dịch” - Đại tá Nguyễn Trọng Thuần - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định.

Chiến sĩ dân quân Nguyễn Tuấn Anh, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình cẩn thận treo bộ trang phục dân quân tự vệ còn rất mới, đôi giày và chiếc mũ gắn huy hiệu sao vuông lấp lánh trước khi đi làm đồng. 

"Để sẵn đó, chỉ huy gọi là lên đường được ngay. Dịch bệnh quá phức tạp rồi, mọi người đều cố gắng, phát huy tinh thần để chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh”. Yên Bái khá bình yên trước "cơn bão Covid”. 

Rồi đây, khi dịch bệnh sẽ được kiểm soát và đẩy lùi trên cả nước, nhịp sống an vui sẽ quay trở lại, chúng tôi tin là như vậy vì có những người chiến sĩ "sao vuông” đang cùng bộ đội, công an, y tế, cả hệ thống chính trị và nhân dân chung sức, đồng lòng bằng quyết tâm chính trị cao nhất.

Lê Phiên

Tags Kiên Thành Trấn Yên COVID-19 đại dịch dân quân sao vuông Bạch Hà Yên Bình

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục