Vì sao người dân còn chủ quan, thờ ơ tiêm phòng vắc - xin cho vật nuôi?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/9/2021 | 9:09:37 AM

Theo kế hoạch năm 2021, toàn tỉnh sẽ tiêm phòng các loại vắc - xin định kỳ 834.690 liều cho đàn vật nuôi, chủ yếu là trên đàn trâu, bò và lợn. Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2021, kết quả tiêm phòng đợt 1 mới chỉ đạt 14%.

Nhiều hộ dân trong tỉnh đã chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa, nên công tác tiêm phòng vắc - xin bảo vệ đàn vật nuôi luôn được chú trọng.
Nhiều hộ dân trong tỉnh đã chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa, nên công tác tiêm phòng vắc - xin bảo vệ đàn vật nuôi luôn được chú trọng.

So với những năm trước đây, đến thời điểm hiện tại, huyện vùng cao Mù Cang Chải có tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc - xin đợt 1 cho đàn vật nuôi mới đạt 31% so với kế hoạch. 

Trong khi đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng; bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và bệnh dịch tả lợn châu Phi ở các xã: Lao Chải, Mồ Dề, Hồ Bốn, Khao Mang, Púng Luông, Cao Phạ… làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của người chăn nuôi. 

Qua kiểm tra thực tế, cùng với các cơ quan chuyên môn, hiện nay, người dân còn thờ ơ, chủ quan với việc tiêm phòng vắc - xin cho đàn vật nuôi. 

Ông Thào Bua Tủa - Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết: Hiện, toàn xã có tổng đàn gia súc gần 5.400 con và đàn gia cầm hơn 16.500 con. Đến nay, xã đã hoàn thành tiêm phòng lở mồm long móng 1.100 liều theo chính sách hỗ trợ của tỉnh và đây là số ít so với tổng đàn vật nuôi trên địa bàn xã. 

"Ngay từ đầu năm, xã đã chủ động tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi đăng ký nhu cầu mua vắc - xin để tiêm phòng cho đàn gia súc, nhưng người chăn nuôi vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thờ ơ nên tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi còn đạt tỷ lệ thấp” - ông Tủa nói. 

Dẫu biết, tiêm phòng vắc - xin là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe động vật. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế, dẫn đến việc bảo vệ đàn vật nuôi của người chăn nuôi chưa được chú trọng đúng mức. 

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải thông tin: "Hiện, toàn huyện có tổng đàn gia súc chính 72.395 con. Theo quy định tỷ lệ tiêm phòng mỗi loại vắc - xin phải đạt 80% trở lên so với tổng đàn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc - xin đợt 1 đến nay mới đạt trên 31% theo kế hoạch”. 

Cũng như huyện Mù Cang Chải, đến nay, công tác tiêm phòng các loại vắc - xin trên đàn vật nuôi ở huyện Trạm Tấu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu, tỷ lệ người chăn nuôi đăng ký hoặc tự mua vắc - xin còn quá thấp, chưa chủ động trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh. 

Cũng theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu, đến nay, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn huyện có 39.000 con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng vắc - xin các loại do người dân tự mua mới đạt 5%. 

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, tiêm phòng vắc - xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh mới tiêm được 115.883/834.690 liều, đạt 14% so với kế hoạch; trong đó, vắc - xin tụ huyết trùng trâu, bò 21.146 liều, đạt 13% so với kế hoạch, vắc - xin tụ huyết trùng lợn 24.295 liều, đạt 11% so với kế hoạch, vắc - xin dịch tả lợn 24.295 liều, đạt 11% so với kế hoạch, vắc - xin dại 42.033 liều, đạt 50% so với kế hoạch, vắc - xin lở mồm long móng 4.114 liều, đạt 3% so với kế hoạch. 



Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác tiêm phòng vắc - xin trên đàn vật nuôi ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn.

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc tiêm vắc - xin trên đàn vật nuôi còn thấp? Theo ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y tỉnh, trước hết, so với những năm trước thì năm nay ở những vùng đặc biệt khó khăn người dân không được hỗ trợ, hưởng chính sách của Nhà nước về vắc - xin, (ngoại trừ chỉ hỗ trợ 1 loại vắc - xin lở mồm long móng); trong khi đó, tư tưởng của nhiều hộ dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước với nhiều vắc - xin khác. 

Ngoài ra, ở những địa phương vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, quy mô chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là nông hộ, nhỏ lẻ; người dân chăn nuôi chủ yếu thả trên rừng (bãi chăn thả), trên lán trại phân tán, không tập trung nên công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, nhất là công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. 

Một số cấp ủy, chính quyền xã chưa quyết liệt, chưa sát sao, đôn đốc trong công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân đăng ký mua vắc - xin triển khai tiêm phòng và cam kết phòng, chống dịch bệnh; việc rà soát, tổng hợp đăng ký mua vắc - xin còn chậm; tính gương mẫu đi đầu của một số cán bộ, công chức, đảng viên trong thực hiện đăng ký vắc - xin chưa cao…

Cho đến nay, việc tiêm vắc - xin phòng cho đàn vật nuôi là một trong những giải pháp quan trọng trong quy trình chăn nuôi; đặc biệt, trong tình hình hiện nay khi các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; dịch tả lợn, bệnh dại… đang diễn ra phức tạp. 

Chính vì vậy, để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác phòng bệnh bằng tiêm phòng vắc - xin sẽ mang lại nhiều lợi ích, giảm thiểu được những rủi ro. 

Điều này, càng có ý nghĩa với tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng, lợi thế và là mũi nhọn kinh tế trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Bởi vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi được an toàn, đảm bảo chăn nuôi ổn định và phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, hơn bao giờ, cấp ủy chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và nhận thức đúng về Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc tiêm phòng để phòng bệnh cho vật nuôi tại Thông tư số 07 ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm không thực hiện tiêm phòng theo quy định. Cùng với đó, đội ngũ làm công tác chuyên môn, nhất là cán bộ được giao phụ trách địa bàn xã, thôn, bản cần nhanh chóng rà soát các hộ chăn nuôi; đồng thời, tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu và phải đăng ký chủ động mua vắc - xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định. 

Để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc - xin nhằm hoàn thành kế hoạch được tỉnh giao năm 2021, ngày 11/8/2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã ban hành phương án tiêm phòng vắc - xin với các nội dung chính như tăng cường công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi nhận thức rõ quy định của Nhà nước để tự chủ động bảo vệ đàn vật nuôi của mình; yêu cầu người chăn nuôi đăng ký và cam kết việc thực hiện tiêm phòng các loại vắc - xin theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. 

Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác của người chăn nuôi trong việc tự giác thực hiện tiêm phòng theo quy định không chỉ hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi năm 2021, mà còn góp phần bảo vệ đàn vật nuôi trước những dịch bệnh, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững. 

Văn Tuấn

Tags Vật nuôi trâu bò lợn Lao Chải Mồ Dề Hồ Bốn Khao Mang Púng Luông Cao Phạ Mù Cang Chải Văn Chấn chăn nuôi

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục