Điểm sáng Sùng Đô

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/9/2021 | 2:11:49 PM

YênBái - Sùng Đô là xã đặc biệt khó khăn, địa hình dốc núi hiểm trở, hộ nghèo chiếm tới trên 30%. Song, nơi đây luôn có những nhân tố điển hình là hạt nhân cùng Đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng, giúp giảm nhanh hộ nghèo.

Bà con người Mông xã Sùng Đô thu hái chè Shan tuyết.  (Ảnh: T.L)
Bà con người Mông xã Sùng Đô thu hái chè Shan tuyết. (Ảnh: T.L)

Đường lên Sùng Đô - một xã vùng cao của huyện Văn Chấn đang được cải tạo và nâng cấp. Vì vậy, từ địa bàn xã Sơn Lương trở lên, các gói thầu đã và đang thi công với máy móc bạt núi mở cua, xúc đất đá, san ủi mặt bằng.

Sau những trận mưa mùa hạ, con đường lên núi càng trở nên gập ghềnh, ngổn ngang, trơn trượt. Nhưng khác với đường, trụ sở xã Sùng Đô mới xây rất khang trang, rộng rãi; phòng hội trường, phòng làm việc của các đồng chí cán bộ xã được bố trí riêng biệt; hệ thống máy vi tính, máy photocopy cũng được trang bị đủ đáp ứng cho công tác quản lý, điều hành và làm việc của cán bộ. Đó là sự quan tâm thiết thực của tỉnh, của huyện đối với vùng cao. 

Qua trao đổi với đồng chí Cứ A Sùng - Bí thư Đảng ủy xã, tiếp cận với những cán bộ xã và thăm hỏi một số gia đình, những gì mắt thấy, tai nghe khiến tôi thực sự cảm mến và khâm phục. Trước khi lên đây, tôi còn được đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn cho biết, Sùng Đô là điểm sáng về công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc Mông của huyện. 

Bởi lẽ, Đảng bộ xã luôn xác định công tác phát triển Đảng để xây dựng chi bộ, đảng bộ vững mạnh, làm hạt nhân thúc đẩy phong trào của địa phương nên những năm gần đây, Đảng ủy rất quan tâm bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ đã kết nạp được 35 đảng viên trẻ. Qua 6 tháng đầu năm nay, đã kết nạp 7 đồng chí và còn 2 quần chúng ưu tú đã học lớp phát triển đảng viên mới. 

Với một xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đất rộng, người thưa như Sùng Đô thì những con số đó thật đáng khích lệ, đúng như đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy khẳng định đây là "điểm sáng" để nhân rộng điển hình. Đến nay, Đảng bộ có 147 đảng viên, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu phát triển từ 35 đảng viên trở lên. Đảng bộ cũng mạnh dạn và tin tưởng giao trọng trách cho những đảng viên trẻ trên cương vị bí thư, phó bí thư chi bộ; trưởng thôn; trưởng, phó các chi hội, đoàn thể ở cơ sở. 

Tại Đảng ủy xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã mới 33 tuổi mà đã giữ trọng trách 2 nhiệm kỳ, nay vừa tái cử nhiệm kỳ thứ ba. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng là đảng viên trẻ, năng động. Vì vậy, phong trào của Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ luôn sôi nổi, có nhiều hoạt động thiết thực như phong trào làm đường giao thông liên thôn; phong trào giúp nhau phát triển kinh tế; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh và có hiệu quả; cuộc sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc hơn những năm xưa rất nhiều. 

Nói đến cụm từ "ấm no, hạnh phúc", Bí thư Cứ A Sùng cho biết, Đảng ủy xã vừa triển khai Chỉ thị số 05 - CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyên đề năm 2021 là "Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", nội dung Chỉ thị được gắn với thực tế ở địa phương, cách truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ. Rằng "tự lực, tự cường" là đừng có phụ thuộc vào người khác, phải tự mình phấn đấu, tự mình biết làm ăn để có cuộc sống đầy đủ, nhất là đảng viên, cán bộ của thôn, của xã phải tự biết học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng để nhân dân làm theo, biết phát huy sức mạnh và vai trò của nhân dân… 

Muốn phát triển đất nước "phồn vinh, hạnh phúc" thì mỗi thôn, mỗi nhà, mỗi người phải thi đua phát triển kinh tế theo ý Đảng, lòng dân, phải từ nội lực của mình là chính. Xã mình nghèo, khả năng tự lực hạn chế thì cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, từ hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng sáng tạo tinh thần Chỉ thị vào thực tiễn để có hiệu quả. 

Trong triển khai chỉ thị, nghị quyết thì cấp ủy thường nêu những việc làm cụ thể để làm rõ lý luận. Thực tế, đảng viên nào, gia đình nào biết tự lực vươn lên thì đời sống vật chất và tinh thần khá hơn, gia đình hạnh phúc hơn. Ngược lại, nhiều nhà còn có tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ, không chịu khó lao động thì cứ nghèo khó mãi… 

Bí thư Sùng còn nhắc lại một ý trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 về "chỉ số hạnh phúc" để liên hệ thực tế. Tôi ngồi nghe, dù chỉ là ý kiến trao đổi nhưng thầm cảm phục người cán bộ của Đảng ở nơi vùng sâu, vùng xa đã đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách thấu đáo, không máy móc, giáo điều. 

Đúng như vậy, Sùng Đô là một xã đặc biệt khó khăn, địa hình dốc núi hiểm trở; toàn xã có 464 hộ với 2.434 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm tới trên 30%. Song, nơi đây luôn có những nhân tố điển hình là hạt nhân cùng Đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng, giúp giảm nhanh hộ nghèo. 

Đó là gương làm kinh tế giỏi như đảng viên Giàng A Vư ở thôn Nà Nọi đã phát triển đàn trâu, bò có lúc lên hơn 20 con, tích cực trồng rừng, trồng quế có thu nhập cao. Mấy năm gần đây đã mua được ô tô, máy xúc để làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, san ủi đất, khai phá ruộng nương, làm đường nông thôn…

Gia đình ông Cứ A Lăng ở thôn Ngã Hai nổi lên với mô hình trồng quế từ việc tiếp thu kinh nghiệm truyền thống và vừa qua thu hoạch một phần diện tích đã có thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Từ cây quế mà gia đình ông Lăng đã làm được nhà to, mua ô tô chở hàng hóa dịch vụ. Còn tấm gương của đồng chí Vàng A Su - người tích cực khai hoang trồng lúa nước và luôn có tinh thần giúp các hộ khó khăn, cho vay thóc gạo hoặc vay vốn không lấy lãi. 

Hội Phụ nữ cũng nhiều điển hình như đảng viên Lý Thị Sai vừa công tác giỏi, vừa sản xuất giỏi nên vợ chồng trẻ mà phấn đấu làm được nhà mới, có lúc phát triển đàn trâu, bò tới 15 con, khai phá được nhiều ruộng nước, trồng nhiều quế, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010. Khi đó chị mới 22 tuổi. 

Cũng đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế cho thu nhập bình quân từ 70 triệu đến 200 triệu đồng/năm như gia đình chị Mùa Thị Mỵ ở thôn Giàng Pằng với mô hình trồng quế; chị Cứ Thị Dai phát triển nghề truyền thống dệt lanh thổ cẩm; chị Thào Thị Dở trồng quế, làm ruộng nương có năng suất cao. Hay như thanh niên Giàng A Chú ở Giàng Pằng đã thành lập được tổ hợp tác thu mua và chế biến chè Shan tuyết; cùng thôn có Vàng A Lồng đã trồng nhiều thảo quả cho thu nhập cao, đầu ra hàng hóa ổn định. 

Qua các thôn, tiếng khen về những thanh niên, đảng viên trẻ hăng hái đi đầu trong các phong trào như Hờ A Chờ, Hờ A Sớ ở thôn Làng Mảnh, Vàng A Lầu, thôn Ngã Hai, Vàng A Súa thôn Ngã Ba… 

Những tên đất, tên người là minh chứng cho kết quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng ở địa phương. Kết quả của công tác xây dựng Đảng ở Sùng Đô đã cơ bản chuyển đổi được nếp nghĩ, cách làm, phong cách dân vận và hoạt động sâu sát với nhân dân của cán bộ, đảng viên. Đối với người dân đã hình thành thói quen tốt như đào hố xử lý rác thải sinh hoạt, làm chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà đảm bảo vệ sinh môi trường; chuyển đổi tập quán canh tác từ sản xuất độc canh một vụ sang thâm canh tăng vụ; biết phát huy lợi thế về rừng để khai thác nguồn thu.

Bên cạnh những cố gắng vươn lên để mong có ngày mai cuộc sống nhân dân tươi sáng hơn, Đảng bộ vẫn trăn trở, suy tư vì còn nhiều hộ nghèo, 2 thôn Làng Mảnh và Giàng Pằng ở tách biệt và quá xa trung tâm xã nên chưa có điện. 

Trong khi đó, bao năm qua, nông thôn nơi nơi từ vùng thấp đến vùng cao đã có máy để giải phóng sức người; miền núi hầu khắp đã có điện thắp sáng và điện khí hóa về nông thôn. Chỉ còn số ít nữa thôi do các điều kiện khách quan đem lại mà nhu cầu đang vượt quá khả năng của địa phương. Nhưng như câu chuyện về khát vọng phát triển quê hương tiến tới phồn vinh, hạnh phúc thì đã đến lúc địa phương cần tận dụng tốt việc tranh thủ ngoại lực. 

Ví như Sùng Đô đã mời gọi phát triển du lịch từ một doanh nghiệp tư nhân lên khám phá vùng chè cổ thụ Giàng Pằng; qua đó, giới thiệu cho nhiều du khách. Năm 2019, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã cấp Bằng công nhận quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm, nhiều cây tới trên 400 năm là "Cây di sản Việt Nam". Trong khi hiện nay, xã có trên 70 ha chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn Làng Mảnh và Giàng Pằng. 

Hy vọng, để đầu tư phát triển trong chuỗi tour du lịch Văn Chấn - Mường Lò - Mù Cang Chải thì doanh nghiệp cùng các cấp, các ngành sẽ không ngần ngại đầu tư cho Giàng Pằng, Làng Mảnh cả đường, điện để nhân dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch. Đó cũng là nền tảng để phát triển kinh tế bền vững ở vùng cao.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng Sùng Đô luôn khát vọng hướng tới tương lai! Chỉ ít thời gian nữa thôi, con đường trải bê tông rộng rãi hơn sẽ vươn qua Sơn Lương tới Nậm Mười, Sùng Đô, dẫn bước chân du khách đến khám phá miền đại ngàn giàu tiềm năng du lịch này. Và tôi tin, Đảng bộ với sức trẻ đầy nhiệt huyết sẽ còn làm nên những kỳ tích mới cho quê hương yêu dấu này.

Nguyễn Thị Thanh

Tags Sùng Đô Văn Chấn đường giao thông liên thôn phát triển kinh tế đời sống văn hóa

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục