Hạnh phúc ở Bản Lùng

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2021 | 9:45:06 AM

YênBái - Là huyện miền núi, Văn Yên thường xuyên phải hứng chịu những thiệt hại, mất mát lớn về người và tài sản do thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, trận lũ quét lịch sử năm 2018 đã khiến cho thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng gần như xóa xổ. Vậy mà 3 năm sau, Bản Lùng trở thành thôn thứ 2 của xã Phong Dụ Thượng đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

Lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng cùng đồng bào bàn cách để xây dựng Bản Lùng sớm cán đích thôn NTM.
Lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng cùng đồng bào bàn cách để xây dựng Bản Lùng sớm cán đích thôn NTM.


Vượt lên mất mát, đau thương, với quyết tâm của người dân cùng sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, đến nay, thôn bản Lùng đã hồi sinh mạnh mẽ. Hiện địa phương đã hoàn thành 15/15 tiêu chí và trở thành thôn thứ 2 của xã Phong Dụ Thượng đạt chuẩn thôn nông thôn mới.  

Sau bao dự định, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Bản Lùng - thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Phong Dụ Thượng, để được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây sau trận lũ quét lịch sử hồi tháng 7/2018. 

Cơn lũ đi qua
 
3 năm trôi qua, nhưng người dân nơi đây vẫn chưa thể quên trận lũ kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng ngày 20/7/2018. Dòng lũ dữ xuất hiện trong phút chốc đã cuốn phăng mọi thứ. Những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Dao, người Tày đẹp đẽ, vững chãi nay chỉ còn là một đống đổ nát.  

Ông La Tiến Sâm - thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng kể lại: " Tôi cũng rất bất ngờ, nghe tiếng rầm rầm rầm, ban đêm không biết chỗ nào vào chỗ nào cả, chỉ có ánh chớp mới nhìn thấy nhau, mưa to lắm, gia đình tôi thì mất hoàn toàn không còn gì hết”.

Thôn Bản Lùng có 58 hộ, trận lũ quét đã làm nhà ở của 15 hộ bị sập trôi hoàn toàn, 7 nhà khác bị hư hỏng nặng; hàng chục hec ta lúa, hoa màu cùng gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, vùi lấp, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. 

Ông Ngô Văn Minh - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng cho biết : " Lũ đã đi qua quét 15 ngôi nhà trôi theo dòng suối. Tận mắt tôi thấy trận lũ đi qua, bà con thì màn trời chiếu đất. Tôi đã huy động tất cả bà con ở bên này cùng sang bên kia hỗ trợ bà con”.

Chỉ sau một đêm, nhiều người dân đã lâm vào cảnh trắng tay, không nhà.  Đồng chí  Lò Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng cho hay  "Bản thân tôi cũng chưa từng thấy bao giờ trận lũ to như thế bao giờ và thiệt hại mất mát của bà con rất là lớn. Đặc biệt là có 15 nhà trôi sập hoàn toàn, 54 nhà bị ảnh hưởng. Do vậy bà con khó khăn từ cái ăn, cái mặc, rồi đất đai”.

Giữa lúc gian nguy ấy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái, lãnh đạo huyện Văn Yên đã nhanh chóng có mặt tại cơ sở chỉ đạo việc khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ, động viên người dân. Quyết định nhanh chóng được lãnh đạo tỉnh Yên Bái đưa ra khi ấy là: ngay lập tức phải tìm nơi ở mới an toàn hơn cho người dân, đồng thời khôi phục lại đất đai, ruộng vườn để người dân sớm ổn định sản xuất.  

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nói: " Cái quan trọng hàng đầu đó là phải lo ngay khu đất để tái định cư và làm nhà cho bà con. Tất cả các  điều kiện làm nhà cho người dân, tỉnh đã tính phương án làm nhà lắp ghép để ổn định ngay, sau đó khắc phục đất sản xuất, tính toán chia sẻ giữa nhà có đất với nhà không có đất. Bên cạnh đó sẽ lo cho đồng bào lương thực, thực phẩm từ 6 tháng đến 1 năm để họ yên tâm trong thời gian đầu sau lũ bão ”.

Vượt lên khó khăn

Chỉ 3 tháng sau trận lũ quét kinh hoàng, một khu tái định cư mới được tỉnh Yên Bái cho xây dựng cách nơi ở cũ của người dân thôn bản Lùng khoảng 1km. Với quyết tâm "còn người là còn của", cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương, bà con trong thôn đã chủ động thu dọn, san gạt đất đá, làm lại từng thửa ruộng, mảnh nương để có đất gieo trồng, canh tác. Những diện tích ruộng không thể khôi phục được, bà con chuyển đổi sang trồng ngô, trồng lạc, đến nay đã cho nhiều vụ mùa bội thu.

Đến nay, thôn Bản Lùng đã khôi phục và khai hoang được hơn 40 héc ta đất canh tác lúa 2 vụ, mỗi vụ đạt sản lượng trên 20 tấn thóc. Cùng với đó là hàng chục héc ta ngô, quế được trồng mới đã đem lại cuộc sống mới cho người dân. Chị Hoàng Thị Hiền - thôn Bản Lùng chia sẻ: " Sau cơn lũ, ruộng toàn sỏi đá tràn lấp không canh tác được. Sau Đảng, Nhà nước và nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ, chúng tôi đã khắc phục khó khăn, làm ruộng lại đã đủ ăn, không thiếu thóc lúa nữa ”.

Bản Lùng hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới khi không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%. Thôn phấn đấu đến hết năm nay giảm thêm hơn 3% hộ nghèo và nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Hiện tại Bản Lùng đã có trên 10 mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò và một số mô hình khác như nuôi dê, trồng quế cho thu nhập khá. 

Đặc biệt, với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, mới đây thôn đã ra mắt Tổ hợp tác nuôi cá sạch gồm 7 thành viên với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cùng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp mà địa phương có thế mạnh. 

Anh Ngô Văn Long - Tổ hợp tác nuôi cá sạch thôn Bản Lùng phấn khởi nói: " Trước đó nuôi cá chỉ nhỏ lẻ, manh mún không tạo ra lượng sản phẩm để bán ra thị trường cũng như cho người dân có nhu cầu sử dụng. Nhưng nay, chúng tôi đã biết tận dụng nguồn nước sạch để nuôi cá, tạo ra được lượng sản phẩm bán ra thị trường và phát triển kinh tế hộ gia đình”.

Sau lũ, thôn Bản Lùng đã được Nhà nước đầu tư hơn 13 tỷ đồng để tái thiết cơ sở hạ tầng như làm nhà ở, đường bê tông, công trình nước sạch... Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng nỗ lực của người dân đã khiến mảnh đất này hồi sinh mạnh mẽ. Đến nay, 100% hộ dân trong thôn đã có nhà ở kiên cố, vững chãi; đời sống kinh tế ổn định, những tiện nghi sinh hoạt hiện đại như ti vi, tủ lạnh, xe máy… trong các gia đình giờ đã trở nên phổ biến. 

Chị Ngô Thị Lớn - thôn Bản Lùng vui vẻ cho biết : " Đảng, Nhà nước hỗ trợ, quan tâm chuyển chúng tôi lên khu tái định cư, nhà tôi cũng như nhiều nhà khác đã có nhà cửa ổn định, an toàn để ở. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc".



Bản Lùng hôm nay

Về đích nông thôn mới

Đến nay, Bản Lùng đã trở thành thôn thứ 2 của xã Phong Dụ Thượng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện  mục tiêu này, ngoài việc tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân tập trung mở rộng, đa dạng các ngành nghề phát triển kinh tế, thôn đã chỉ đạo các chi hội đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu thực hiện các tiêu chí, phần việc gắn với các phong trào: "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, phong trào "5 không, 5 sạch”, "Ngày cuối tuần cùng dân”… đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư.  

Chị Hoàng Thị Mến - Chi hội Phụ nữ thôn Bản Lùng  nói: " Thôn Bản Lùng rất là vui mừng và tự hào, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm để giúp đỡ thôn bản nói chung và phụ nữ nói riêng để cùng nhau chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới.”

Người dân thôn Bản Lùng hôm nay rất đỗi tự hào và hạnh phúc bởi trong khó khăn đã nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây chính là niềm tin, là động lực để người dân vượt khó vươn lên. 

Ông Ngô Văn Minh - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bản Lùng cho biết: "Đến giờ phút này, bà con nhân dân ở khu tái định cư này cũng đã cơ bản có nhà, có cửa, có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển để đón nông thôn mới”.
 
Những con đường bê tông sạch sẽ trải dài tới cuối bản, những ngôi nhà mới mọc lên san sát, những cánh đồng lúa trĩu bông cùng những gương mặt tươi tắn, rạng ngời cho thấy cuộc sống ở Bản Lùng đã thực sự hồi sinh. Người dân đang từng ngày thích nghi, thay đổi phương thức sản xuất để từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới. 

Ông Lò Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng khẳng định " Thôn Bản Lùng đã tập trung và phát huy cao độ để xây dựng thôn nông thôn mới. Bà con rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, nhất là các tiêu chí về văn hóa văn nghệ, môi trường, an ninh trật tự …”.

Có thể khẳng định, sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh cùng những thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở Bản Lùng hôm nay là minh chứng rõ nét cho định hướng đúng đắn của tỉnh Yên Bái về nâng cao "Chỉ số hạnh phúc” cho người dân theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh.

Thu Nhài (Trung tâm TT -VH huyện Văn Yên)

Tags Hạnh phúc Bản Lùng xã Phong Dụ Thượng Văn Yên lũ quét thôn nông thôn mới

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục