Phát huy lợi thế dân số vàng vì một Yên Bái phát triển nhanh, bền vững - Bài 2: Không bỏ lỡ cơ hội “vàng” cho sự phát triển

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/4/2023 | 1:35:09 PM

YênBái - Nhạy bén nắm bắt, nhanh chóng chớp thời cơ, những năm qua, Yên Bái đã đưa ra nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời tận dụng tối đa những lợi thế, chủ động thích ứng với sự già hóa dân số, không bỏ lỡ cơ hội “vàng” làm nên những thành quả phát triển ấn tượng.






Dân số vàng phải đi cùng chất lượng "vàng”, Yên Bái coi đây là nhiệm vụ cấp thiết phải giải quyết ngay để không đánh rơi những cơ hội lớn. Liên tục trong các nghị quyết Đại hội khóa XVII, XVIII, XIX của Đảng bộ tỉnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo là một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, phê duyệt, ban hành nhiều đề án, nghị quyết, chương trình, kế hoạch như: Đề án "Phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015”, Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025… 

Đặc biệt, là một tỉnh miền núi, lực lượng lao động nông thôn, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao. Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ các chính sách hỗ trợ dạy nghề đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, chung sức giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai đổi mới đào tạo nghề từ xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy đến tổ chức đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá. 

Đặc biệt, giải quyết bài toán việc làm cho người lao động, các cơ sở đào tạo nghề đã đẩy mạnh hoạt động phối hợp, liên kết với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về việc đánh giá người học sau khi tốt nghiệp và cung ứng, tuyển dụng nhân lực của người sử dụng lao động; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng mối quan hệ cộng tác. 

Ngoài ra, với sự khuyến khích và tạo điều kiện của tỉnh, việc cung cấp thông tin, liên kết đào tạo không chỉ xuất phát từ phía các cơ sở giáo dục mà còn nhận được sự chủ động của các doanh nghiệp. Tiêu biểu cho các chương trình hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp, năm 2022, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã ký hợp đồng phối hợp đào tạo và cung ứng lao động cho hơn 30 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước; tổ chức nhiều đoàn thực tập tại doanh nghiệp cho trên 1.000 lượt học sinh, sinh viên của 55 lớp; hầu hết học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. 

Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đã ký hợp đồng phối hợp đào tạo, sử dụng học sinh sau khi tốt nghiệp với 15 công ty, doanh nghiệp. Trong thời gian thực tập thực tế tại doanh nghiệp, các em học sinh được doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn, ở, trả tiền công theo sản phẩm làm ra, bình quân đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/em/tháng. 

 

Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là một trong những tác động lớn quyết định đến thành công của thời kỳ dân số vàng hiện nay. Nắm bắt xu thế chung, tỉnh Yên Bái đã hoạch định, đưa lên hàng đầu các chiến lược nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực lao động gắn với chuyển đổi số. 

Thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người học, nhất là người học các ngành, nghề trọng điểm. Sau đào tạo, người học cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Song song, Yên Bái đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ các cấp và nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận về quan điểm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt thể hiện quyết tâm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số. 



Đặc biệt, Yên Bái coi trọng việc chuyển đổi số trong hệ thống trường học để đặt những "viên gạch nền móng” vững chắc hình thành nên những công dân số trong tương lai. Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số trên 12 nền tảng ứng dụng. Toàn tỉnh có 200 trường học triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử, có gần 147.100 bài giảng điện tử được giáo viên tạo ra và áp dụng vào giảng dạy. 

Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái từng nhận định: "Chuyển đổi số là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù "đi sau” nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác”. 

Minh chứng rõ nét cho nhận định đó, năm 2022 đã đánh dấu sự bứt phá ngoạn mục của Yên Bái khi tăng 13 bậc, vươn lên vị trí 27/63 các tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số quốc gia. 



Việc quan tâm của tỉnh Yên Bái tới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chính là một trong những hoạt động chủ động đón đầu đối với sự già hóa dân số nhằm tạo một nền tảng kinh tế vững chắc, chuẩn bị cho một xã hội ngày càng có nhiều người cao tuổi hơn, nhất là tạo dựng nên hệ thống lương hưu đủ sống cho người già. 

Cùng với đó, chủ động thích ứng với già hóa dân số, Yên Bái dần hoàn thiện hệ thống dịch vụ y tế, xã hội, văn hóa, xây dựng môi trường phù hợp với đặc điểm của người cao tuổi. Các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chú trọng quan tâm thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 

Thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Nhờ đó, tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi, có giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; 100% số người cao tuổi được quan tâm, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2025. 

Hàng năm, Yên Bái tập trung thực hiện tốt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau về mọi mặt trong cuộc sống; đẩy mạnh phong trào thi đua "Tuổi cao - gương sáng”. Hiệu quả thiết thực trong chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi, Yên Bái đang có những bước đi vững chắc để thích ứng với tình trạng già hóa dân số.

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển. Yên Bái đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm tận dụng hiệu quả thời cơ mang đến của thời kỳ cơ cấu dân số vàng để xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Bài: Lê Thương
Ảnh: Lê Thương - Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung

Tags Yên Bái dân số hạnh phúc bền vững chuyển đổi số nhân lực

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục