Nỗi đau chưa hồi kết
- Cập nhật: Thứ tư, 22/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong chuyến công tác vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái), tình cờ chúng tôi được cán bộ Trung tâm bố trí cho gặp Lù Bản Dơ, người xã Tú Lệ (Văn Chấn), một đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Vừa cắt cơn, còn yếu, gặp chúng tôi, Dơ khóc: “Tao nghiện hút khi đi khai thác pơ mu, bây giờ ân hận lắm. Mày xin cán bộ cho tao về với vợ con đi!”. Theo những gì Dơ kể, chúng tôi vượt đường để đến với mảnh đất nơi Lù Bản Dơ và nhiều người đã sa vào con đường tội lỗi.
Đường vận chuyển gỗ.
Một phần số gỗ khai thác bị Trạm Kiểm lâm Cao Phạ thu hồi.
|
Con đường từ Tú Lệ vào Nậm Có đã được rải cấp phối, xe máy đi lại dễ dàng. Đến xã, mặt trời đã ngả về tây, xiên những giọt nắng cuối cùng trên cánh đồng Nậm Có, hoà mình cùng đám thương lái thu mua táo mèo đang tụ tập ở cầu treo Nậm Có để hóng chuyện. Một lái xe ôm hay chuyện oang oang: "Bây giờ đang mùa táo nên người đi khai thác cũng vãn, với lại mấy hôm trước, bị kiểm lâm huyện vào “vồ” nên chắc cũng phải cẩn thận, chứ giờ này chắc đã xuống. Nhưng tình hình này chắc cũng yên được vài hôm thôi, nếu các anh đến sớm thì họ đàng hoàng vận chuyển gỗ bằng xe máy, thậm chí bằng ô tô trước mặt các anh đấy!". Đem việc khai thác, vận chuyển gỗ trao đổi với Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Có Hàng A Sa, anh trầm ngâm thừa nhận: Mặc dù chính quyền xã và kiểm lâm huyện đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng do phần lớn người đi khai thác gỗ là những người dân thiếu việc làm, đói ăn, thậm chí cả nghiện hút. Cộng với địa bàn giáp ranh với Tú Lệ rộng, chặn đường trên họ đi đường dưới nên việc vận chuyển gỗ vẫn diễn ra!
Để "mục sở thị", chúng tôi quyết định lên rừng Nậm Có. Trèo đèo lội suối hàng giờ bám theo các sườn núi dốc, mặt đất in hằn vệt gỗ kéo. Chỉ tay vào cánh rừng trơ trọi bên đường, anh bạn dẫn đường hồi tưởng: “Trước rừng Nậm Có nhiều pơ mu lắm, cây sát cây tưởng khai thác đời này sang đời kia không hết. Vậy mà chỉ sau vài năm, cây pơ mu trên đất rừng Nậm Có hầu như đã không còn!”.
Vận chuyển gỗ xuyên rừng.
Có nhiều gỗ quí, những tưởng cuộc sống người dân nơi đây sẽ đổi thay nhưng người Nậm Có nghèo vẫn hoàn nghèo. Đau xót hơn, trừ những người già và một số phụ nữ, còn phần lớn những người nghiện hút trong vùng đều có dính dáng đến pơ mu. Tôi nhẩm tính, trên 100 người nghiện ở Nậm Có, và ngần ấy số nghiện ở Tú Lệ, cộng với đội quân thiếu việc đói ăn, trung bình mỗi ngày sẽ có hàng trăm người vào rừng Nậm Có để khai thác gỗ. Với đội quân hùng hậu như vậy thì rừng nào cho đủ để họ phá? Đứng trước cảnh tượng tan hoang, hình ảnh những cây pơ mu hàng trăm năm tuổi gục ngã và hình ảnh Lù Bản Dơ ngả nghiêng trong khói bàn đèn thuốc phiện hiện ra rõ mồn một. Đây có lẽ là luật của rừng!
Sau một thời gian khai thác bừa bãi, số đội quân phá rừng ở Nậm Có và Tú Lệ đã giảm dần do gỗ đã cạn. Từ chặt cây đứng, họ chuyển sang khai thác lại cành, ngọn. Để vận chuyển gỗ ra, dân thường đi bằng các đường, từ bản Thào Sa Chải xuống trung tâm, bản Làng Giàng ra Tàng Gênh, Nậm Pẳng... Nhưng bằng đường nào, cuối cùng cũng gỗ cũng đều tập kết tại Tú Lệ. Sau đó gỗ đi đâu không ai biết!
Cái nắng chang chang càng làm không khí oi bức, vắt kiệt những giọt mồ hôi cuối cùng. Tại khoảng đất trống trên đỉnh Đồng Mu, địa phận bản Pình Ngài, chúng tôi gặp một đám người bản Thào Sa Chải và hai chú ngựa thồ to, khoẻ đang nghỉ chân. Gạt những giọt mồ hôi đang nhễ nhại chảy trên mặt, người đàn ông trung tuổi, có lẽ là người đứng đầu nhóm tính toán: Bốn cục hàng tượng bán được 680 ngàn đồng, chia đều mỗi người được 60 ngàn đồng ngày. Tôi hỏi: "Có biết khai thác pơ mu là phạm pháp không?" - "Mình có khai thác ở rừng Nậm Có đâu, phải đi sang tận rừng Văn Bàn đấy. Vì đói cái bụng nên phải liều thôi!"- anh ta trả lời.
Để kiếm được số tiền từ 50 đến 60 ngàn đồng một ngày, từ bản Thào Sa Chải, nhóm khai thác phải đi 40 đến 50 kilômét đường rừng. Thường thường, nhóm của anh ta hay tìm gỗ tại địa phận rừng Thào Sa Chải, nhưng vì gỗ đã cạn kiệt phải đi xa hơn, sang tận những cánh rừng thuộc địa phận Pình Ngài, Làng Giàng hay rừng của huyện Văn Bàn (Lào Cai). Mỗi một chuyến đi thường mất vài ba ngày, khi đi mang đủ dụng cụ như: dao, cưa xẻ…và lương thực.
Đường vận chuyển gỗ. |
Có lên đến rừng mới thấm thía cái cực nhục, nhọc nhằn của việc khai thác pơ mu. Để "vét" những mẩu gỗ thừa, người sơn tràng phải có kinh nghiệm của người đã đi rừng và phải chịu được gian khổ. Tìm được khu vực có cây pơ mu đã khai thác rồi, trước tiên phải phát cỏ, dọn dây rợ bao bọc..., sau đó kiểm tra gốc, cành ngọn. Công đoạn tiếp theo là cưa, xẻ theo quy cách. Nếu tìm được gốc tốt, do những người khai thác trước để lại nhiều, gỗ chưa bị sâu, ải… thì tiến hành cắt xẻ theo qui cách. Đối với hàng tượng, loại hàng được ưa chuộng thì xẻ rộng 18 phân, ngang 28 phân và dài 70 phân. Nếu gỗ không đạt qui cách hàng tượng thì có thể xẻ theo hàng dài rộng 11 phân, ngang 16 phân và dài 2,6m, tất nhiên loại này giá sẽ kém hơn. Công đoạn tìm và xẻ đã khó khăn, nhưng vất vả và tốn công sức hơn cả đó là công đoạn vận chuyển.
Đường rừng núi, trèo đèo, lội khe, người đi bộ không đem theo hành lý đã rất vất vả, vậy mà những thợ sơn tràng luôn phải cõng trên mình trung bình 20 - 30 kg. Trời nắng ráo thì đỡ, không may gặp mưa rừng đường trơn, muỗi, vắt… đưa được cục gỗ thì khỏi phải kể: phải địu sau lưng, phải vác trên vai, phải kéo lê dưới đất. Sau bốn, năm chục cây số, xuống trung tâm xã Nậm Có, mỗi cục hàng tượng sẽ có giá 170.000 đồng, đối với hàng đẹp. Nhưng đen đủi, giá có thể tụt xuống chỉ còn một nửa nếu cục hàng đó chỉ dính một "mắt" cành, hay bị sâu, mọt, đương nhiên, vì thế, công cho một ngày lao động vất vả cũng giảm theo. Chứng kiến cảnh “cõng” pơ mu qua hết đỉnh núi này đến núi khác, anh bạn đi cùng thốt lên xót xa: Kiếm được đồng tiền, những cục gỗ pơ mu kia đã thẫm đẫm bao mồ hôi, có khi cả máu của người sơn tràng!
Đêm Tú Lệ, nằm ở khách sạn. Ánh điện từ các hàng quán lung linh cả một vùng rừng núi. Nghe kháo, tuy là miền sơn cước nhưng ở Tú Lệ gì cũng có! Tôi chợt nghĩ, không biết sẽ có bao người ở Tú Lệ và Nậm Có dùng số tiền kiếm được từ gỗ dùng để mua gạo, mua dầu và trăm thứ thiết yếu trong cuộc sống, hay số tiền này lại tan vèo trong rượu, thịt và những thứ cám dỗ sa đọa khác. Để rồi ngày mai, họ lại tiếp tục vào … rừng!
Bao giờ việc khai thác, vận chuyển pơ mu trên địa bàn Nậm Có mới chấm dứt? Với trên 70% dân số thuộc diện đói nghèo, cộng với hàng trăm con nghiện thì thật khó có câu trả lời! Trong câu chuyện về các giải pháp ngăn chặn việc vận chuyển gỗ, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Có bảo: “ Không phải không có cách, nhưng nói gì thì nói, muốn chấm dứt việc vận chuyển gỗ phải triệt tận gốc…!?”. Rời Nậm Có, tôi tự hỏi, những giọt nước mắt ân hận của Lù Bản Dơ trong Trung tâm chữa bệnh có là giọt cuối cùng! Hình ảnh những người vác pơ mu còng lưng vượt qua những khoảng rừng tự nhiên cháy trụi, chập chờn như dấu hỏi ngang trời!
Nguyễn Đình - Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - “...Trong buổi lễ ra mắt tại trụ sở UBND phường Nguyễn Thái Học, hàng chục cặp vợ chồng “có H” (người nhiễm virút HIV) ấy vừa mừng lại vừa lo. Lo mọi người biết mình bị nhiễm HIV có tăng thêm mức độ kỳ thị không? Mừng vì được ra mắt, được tự tin đứng trước mọi người”. Đó là tâm trạng chung mà các thành viên nhóm Hoa Ban Trắng của thành phố Yên Bái vừa trải qua sau buổi lễ ra mắt...”.
YBĐT - Bây giờ, người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) gọi Nguyễn Quang Huy là "Huy cá hồi". Cái tên chẳng liên quan gì tới "biệt tài" buôn bán, pha chế "cơm đen" một thời nức tiếng vùng Tây Bắc. Khép lại những trang đời lầm lỡ trong sự bao dung, nhân ái của cộng đồng, một trang đời mới được viết bằng chính đôi tay, trái tim, nghị lực của Huy đang mở ra trước mặt trời...
YBĐT - Đại uý Nguyễn Văn Thành - cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý (một số tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để đảm bảo bí mật, phục vụ cho công tác điều tra phá án) khoanh tròn một điểm nhỏ trên tấm bản đồ hành chính tỉnh Yên Bái rồi nói: "Đây là Pú Cang, từ đây sang Sơn La, qua Lào rất gần. Cũng từ đây về quốc lộ 32 đi Hà Nội và các tỉnh đồng bằng rất tiện. Vì thế, Pú Cang trở thành địa điểm tập kết, buôn bán ma tuý "có tiếng" ở Yên Bái. Và cũng từ lâu Pú Cang- Nậm Khắt, Mù Cang Chải luôn nằm trong "tầm ngắm" của bọn tội phạm và cả lực lượng phòng chống ma tuý".
YBĐT - Hiện nay, Suối Giàng có 193 ha chè Shan tuyết kinh doanh và 100 ha chè kiến thiết nhưng diện tích lại không đồng đều giữa các bản, các hộ. Sản lượng chè búp mỗi năm đạt khoảng 600 tấn. Nếu tính giá bình quân 5 nghìn đồng/kg thì số tiền thu được quãng 3 tỷ đồng.