Vùng cao Yên Bái: Những hủ tục cần loại bỏ trong việc tang

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/7/2012 | 3:18:52 PM

YBĐT - Các gia đình người Mông vẫn làm ma cho theo phong tục đặt người đã khuất vào cáng hay để trên một tấm ván treo lên sát vách giữa gian nhà...

Người Mông đóng áo quan cho những người đã khuất theo nếp sống mới.
Người Mông đóng áo quan cho những người đã khuất theo nếp sống mới.

Cũng như các dân tộc khác, người Mông ở Yên Bái và nhiều địa phương trong cả nước có rất nhiều phong tục riêng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ và phát huy. Trong đó, việc tang với nhiều nghi lễ đã thể hiện đạo lý, sự tri ân giữa người sống với người đã khuất.

Tuy nhiên, trong việc tang của đồng bào dân tộc Mông ở các xã vùng cao Yên Bái vẫn còn tồn tại những hủ tục cần xóa bỏ để đổi mới...

Trong đời sống của người Mông, khi có người từ bỏ cõi trần về với tổ tiên, người Mông gọi là “tư tùa” (nghĩa là đã chết). Theo phong tục truyền thống, khi gia đình có người thân qua đời, việc đầu tiên là con cháu mang súng kíp ra đầu nhà bắn ba phát liên tiếp để báo hiệu cho bà con biết gia đình này đã có người từ giã cõi đời. Nghe thấy tiếng súng nổ ở gia đình nào thì con cháu họ hàng và bà con trong thôn bản sẽ về gia đình đó để chia buồn và cùng giúp đỡ việc tang.

Người chết sẽ được lau mặt mũi, chân tay, thay quần áo mới sạch sẽ. Sau đó, người nhà sẽ dùng một tấm ván gỗ, đem người chết đặt giữa nhà rồi mời “Zở mủ” (tức thầy chỉ đường) làm lễ “tơ cế” để đưa đường chỉ lối cho linh hồn người chết về với tổ tiên.

Gia đình cũng chuẩn bị một cây nỏ - “I trang nếnh”, một con dao - “I trang trà” và một con gà - “I tù kây” để làm lễ với ý nghĩa con dao để linh hồn người đã khuất dùng phát đường, cây nỏ dùng làm vũ khí bảo vệ bản thân, con gà để dẫn đường đưa linh hồn người chết đến với tổ tiên.

Sau khi “Zở mủ” làm lễ xong, tiếng trống, tiếng khèn cất lên báo tắt thở - "tu sá", lên ngựa - "chê nềnh", chỉ đường - “tơ cế” cho người chết về với tổ tiên. Rồi tùy từng dòng họ, có dòng họ thì đưa người chết vào cáng (được đan bằng tre) hay cho vào một ván gỗ rồi treo lên hoặc đặt lên ghế để sát vách đối diện cửa chính ở gian giữa nhà. Người Mông gọi là đưa lên ngựa ma “nềnh đăng” để thồ linh hồn người chết về với tổ tiên. Sau khi làm lễ đưa người chết lên ngựa ma xong, họ hàng anh em và bạn bè gần xa mới đến phúng viếng.

Người Mông ở nước ta có khoảng trên 787.600 người gồm các nhóm: Hmôngz Đơưz (Mông Trắng), Hmôngz Đuz (Mông Đen), Hmôngz Siz (Mông Đỏ), Hmôngz Njuôz (Mông Xanh), Hmôngz Lênhs (Mông Hoa) với các dòng họ như: Lý, Mùa, Lù, Thào, Sùng, Giàng, Hẳng, Khang, Phàng, Tráng…, cư trú trên 16 tỉnh. Trong đó ở miền Bắc, đồng bào sinh sống chủ yếu tập trung tại các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Ở miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An và ở miền Nam - Tây Nguyên là các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai…
Trước đây, người Mông thường tổ chức đám tang kéo dài từ 4 đến 5 ngày và không cho người chết vào quan tài. Nay nhờ công tác tuyên truyền vận động giữ gìn vệ sinh môi trường được các cấp, các ngành thường xuyên vận động, đồng bào Mông ở một số địa phương đã giảm bớt thời gian tang ma, đưa người chết vào áo quan.

Tuy nhiên, các dòng tộc người Mông thực hiện được việc này vẫn chưa nhiều. Chúng tôi chứng kiến đám tang của cụ ông Giàng A Sinh ở thôn Mông Đơ, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu; cụ bà Chang Thị Dở ở bản Thào Chua Chải, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tuy gia đình chỉ tổ chức tang lễ 2 ngày, mổ một con trâu với vài con lợn nhưng vẫn chưa đưa người chết vào quan tài.

Hiện nay, phần lớn người Mông vẫn còn giữ quan niệm: Nếu có người thân chết mà bỏ vào quan tài là trái với tục lệ, sau khi chôn cất, tổ tiên sẽ gây phiền hà cho những người đang sống như bệnh tật, ốm đau và làm ăn sẽ lụi bại... Vì thế, khi có người thân mất, các gia đình người Mông thường làm ma theo phong tục truyền thống, đó là đặt người đã khuất vào cáng hay để trên một tấm ván treo lên sát vách giữa gian nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Phong - Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho biết: “Sau khi cụ Sinh mới qua đời, Đảng ủy, chính quyền xã đã thống nhất hỗ trợ cho gia đình 4 triệu đồng để mua gỗ đóng quan tài cho cụ nhưng do ảnh hưởng của tập quán nên người dân trong xã không ai có gỗ sẵn, gia đình phải nhờ anh em, họ hàng đi lên rừng xẻ gỗ lấy ván”.

Trong thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã vận động nhân dân đưa người chết vào quan tài theo nếp sống văn hóa mới. Hiện nay, đã có 10 gia đình thực hiện, địa phương thực hiện tốt nhất là xã Trạm Tấu.

Làm việc với chúng tôi, ông Giàng A Lử - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Huyện đã vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa mới, hỗ trợ 5 triệu đồng cho những gia đình có người chết để mua áo quan nhưng do tập quán lâu đời và nhận thức của phần lớn bà con còn hạn chế nên việc vận động gặp không ít khó khăn". Tuy nhiên hiện nay, nhiều gia đình cũng đã nhận thức được việc để người chết như thế là mất vệ sinh nên họ đã đưa vào quan tài rồi mới cử hành lễ tang.

Gặp chúng tôi, chị Giàng Thị Mỷ ở thôn Km 14, xã Trạm Tấu, là một trong những gia đình đã thực hiện việc đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức làm đám tang cho biết: "Khi mẹ tôi chết, anh em họ hàng nhà tôi đã đưa vào quan tài rồi mới làm đám ma và chỉ để 2 ngày, tôi thấy như vậy sẽ giữ gìn được vệ sinh và không gây sợ hãi cho khách đến phúng viếng, tôi cho rằng việc làm này là tốt, mọi người hãy nên thực hiện".

Ông Mùa A Sùng - già làng ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu cũng ủng hộ việc đưa những người chết vào áo quan: "Tôi thấy đây là việc tốt, văn minh, bà con ta nên phát huy".

Ở huyện Mù Cang Chải việc vận động người Mông đưa người chết cho vào quan tài cũng gặp khó khăn không kém. Ông Giàng A Vừ - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Đây là phong tục từ lâu đời của đồng bào. Một điều khó thực hiện nữa là do người Mông sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình phức tạp cho nên nếu đóng quan tài thì trong quá trình khiêng người chết đi chôn khi lên dốc, xuống dốc rất khó di chuyển”. Mặc dù vậy nhưng ở Mù Cang Chải cũng đã có những dòng họ như: họ Vàng, họ Mùa, họ Lý, họ Hẳng những năm gần đây đã thực hiện việc đưa người chết vào quan tài.

Bản định cư của đồng bào Mông xã Bản Mù (Trạm Tấu).

Đến xã Púng Luông, chúng tôi được ông Mùa A Tòng - Chủ tịch UBND xã đưa đi thăm nhiều gia đình họ Mùa ở bản Nả Háng A, Nả Háng B và họ Vàng, họ Lý ở bản Mí Háng Tâu, hầu như những gia đình có người già, họ đều đóng sẵn 1 đến 2 bộ  quan tài bằng gỗ, được bọc nilon cẩn thận để ở đầu nhà. Nhưng việc đó chủ yếu chỉ thực hiện ở những người đã có tuổi, còn trẻ con thì khi chết vẫn chưa được đưa vào quan tài. Gặp chúng tôi, ông Vàng A Lử ở bản Mí Háng Tâu tâm sự: “Tôi nghĩ khi chết cho vào quan tài là hợp vệ sinh, không ảnh hưởng gì đến việc thờ cúng hay tâm linh.

Dòng họ Vàng nhà tôi trước đây khi có người chết cũng để trên cáng và treo lên vách nhà như các dòng họ khác vẫn còn làm. Nhưng sau khi anh em chúng tôi đi công tác, thấy nhiều nơi các dân tộc khác như Tày, Thái, Kinh khi chết họ cho vào quan tài, rất văn minh, anh em họ nhà tôi đã thống nhất nếu có người chết thì đưa vào quan tài và từ những năm 1989 - 1990 trở về đây, mỗi khi trong dòng họ có người chết, dù già hay trẻ chúng tôi đều cho vào quan tài rồi mới cử hành tang lễ”.

Bác sĩ Vàng A Sàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái:

"Hầu hết người chết là người đã mắc bệnh, trong đó vi khuẩn, vi trùng có thể lây truyền qua không khí cho nên khi có người chết làm tang ma nên đưa người chết cho vào quan tài và không nên để thời gian dài. Nếu để lâu trong nhà, xác của người chết sẽ bị phân hủy, bốc mùi khiến nhặng ruồi đậu vào người chết rồi lại đậu vào thức ăn, khách đến viếng có thể hít phải mùi hôi thối từ người chết, rất dễ bị lây truyền dịch bệnh. Do đó, khi có người chết nên cho vào quan tài mới cử hành tang lễ".

Việc đưa người chết vào quan tài đang được bà con ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu và xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải thực hiện và việc này đồng bào Mông ở những tỉnh khác cũng đã thực hiện tốt. Chúng tôi đã có chuyến đến thăm huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và đã được chứng kiến đám tang của cụ Sùng A Dinh ở bản Pế, xã Hoàng Thu Phố. Người Mông nơi đây đã đưa người chết vào quan tài từ lâu.

Anh Sùng A Sềnh ở bản Trống Khua, xã Hoàng Thu Phố cho hay: “Hiện nay không chỉ riêng dòng họ nhà tôi mới thực hiện việc này mà hầu hết các dòng họ khác của đồng bào Mông nơi này đều đưa người chết vào quan tài, trừ trường hợp người chết là trẻ em vài tháng tuổi người ta đưa đi chôn luôn không phải làm ma”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lỳ Cà Dinh - cán bộ Phòng Dân tộc của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nghệ An cũng cho biết: "Ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong quê tôi những năm gần đây, bà con người Mông ta khi chết họ cũng đưa xác của người chết cho vào quan tài mới tổ chức tang lễ”. Vậy chứng tỏ hiện nay nhiều nơi trong cả nước đồng bào Mông đã hiểu rằng đưa người chết vào áo quan là đúng và thực hiện tốt sẽ góp phần trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ở tỉnh Yên Bái, người Mông có 60.736 người, sinh sống tập trung tại vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao thuộc các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. Để thực hiện tốt việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và đổi mới trong đám tang của người Mông, các cấp, các ngành và các địa phương nơi đồng bào sinh sống cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho bà con về những tác hại do việc tang ma thiếu vệ sinh, lạc hậu. Đặc biệt là đám ma của những người chết do bị mắc các dịch bệnh truyền nhiễm.

Các địa phương cần xây dựng phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức ma chay và biểu dương kịp thời những việc làm tốt của các địa phương, dòng họ, gia đình thực hiện tốt việc giảm bớt các hủ tục lạc hậu, tích cực đổi mới theo quy ước, hương ước về việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn vùng cao. Đặc biệt, các địa phương cũng cần quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa để quy tập những người đã khuất vào một nơi cụ thể, cách xa nguồn nước sinh hoạt.

Làm được như vậy, sẽ giảm bớt sự ô nhiễm, giữ gìn được vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cho những người đang sống, tránh được sự va chạm của người dân các địa phương với nhau, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.

Nhóm phóng viên Nội chính

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục