Cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái:

Có thông xe đúng hẹn?

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/3/2014 | 8:49:40 AM

YBĐT - Trước việc nhiều lần “hứa suông”, xin giãn tiến độ của các nhà thầu thi công gói A5, A6 (2 trong 8 gói thầu của tuyến đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) buộc phải đưa ra hạn chót cho các nhà thầu: đến 30/6/2014 thời điểm trung tuần tháng 3, trên công trường thi công vẫn ngổn ngang với hàng loạt khó khăn.

Thi công đắp nền gói thầu A6.
Thi công đắp nền gói thầu A6.

Trước việc nhiều lần “hứa suông”, xin giãn tiến độ của các nhà thầu thi công gói A5, A6 (2 trong 8 gói thầu của tuyến đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) buộc phải đưa ra hạn chót cho các nhà thầu: đến 30/6/2014 thông xe kỹ thuật. Trước những áp lực của phía Việt Nam, hai nhà thầu chính là Công ty Công nghiệp nặng & Xây dựng Doosan và Công ty Keangnam (đều của Hàn Quốc) cam kết sẽ đúng hẹn.

Chưa biết đây có tiếp tục là một lời “hứa suông” nữa hay không khi mà đến thời điểm trung tuần tháng 3, trên công trường thi công vẫn ngổn ngang với hàng loạt khó khăn liên quan đến công tác đền bù thiệt hại trong quá trình thi công, ảnh hưởng thời tiết, sạt lở mái taluy...?

Tiến độ “rùa bò”

Gói thầu A5 có tổng chiều dài 41,15km đi qua địa phận huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.974,676 tỷ đồng,  khởi công ngày 7/9/2010 và dự kiến thi công trong 36 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tức đã qua 42 tháng, tiến độ của gói thầu mới chỉ đạt 58%.

Ông Yang Sung Mo - Phó giám đốc xây dựng Công ty Keangnam - nhà thầu chính gói thầu A5 cho biết: “Gói A5 khởi công chậm hơn so với các gói khác. Trong quá trình thi công, chúng tôi gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến thời tiết, mưa nhiều trong năm. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa dứt điểm, còn nhiều vướng mắc với người dân. Việc đền bù thiệt hại do quá trình thi công chúng tôi đã thực hiện nhưng người dân lại không hiểu rằng chúng tôi là đơn vị thi công, mọi vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng, đền bù thiệt hại, người dân phải kiến nghị với chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam giải quyết, và chúng tôi sẽ phối hợp. Tuy nhiên, có thời điểm người dân lại trực tiếp dựng rào chắn ngăn cản thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ”.

Ngoài những vấn đề trên thì một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ của gói thầu A5 là năng lực yếu kém của các nhà thầu phụ, cùng với sự thay đổi liên tục các nhà thầu ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung. Nhà thầu này cho biết, trước đây, gói A5 có tới 19 nhà thầu phụ, tuy nhiên với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công trình, Keangnam đã loại bớt nhiều nhà thầu yếu kém, bổ sung thêm các đơn vị có năng lực mạnh của Việt Nam. Nhà thầu chính đang đề nghị tập đoàn “mẹ” thường xuyên cung cấp thêm nguồn vốn lưu động để thanh toán khối lượng cho các đơn vị thi công, đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án.

 

Kiểm tra độ chặt trong quá trình lu nèn nền đường.

Đại diện của Kengnam cho biết, công tác đào đắp nền đường đã đạt 99%, cống hộp, cống tròn hoàn thành trên 98%, 12 chếc cầu trên tuyến cũng đã hoàn thành 90%. Tuy nhiên, phần rải base và thảm nhựa 3 lớp hầu như chưa triển khai được. Đến thời điểm này mới giải base được 15% và thảm lót nhựa 2 lớp được 2,8%. Như vậy, trong vòng 3 tháng tới vẫn còn một khối lượng lớn công việc cần phải hoàn thành để có thể thông xe kỹ thuật.

Ông Yang cho biết : “Chúng tôi đang yêu cầu các nhà thầu phụ tập trung nhân lực và máy móc, hiện nay duy trì 413 đầu máy tập trung rải base và thảm nhựa, làm rãnh, rào chắn an toàn, sơn vạch. Chúng tôi đảm bảo với tiến độ hiện nay thì đến 30/6 có thể thông xe kỹ thuật theo đúng cam kết với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam”.

So với gói thầu A5 thì gói A6 đoạn qua huyện Văn Yên do Công ty cổ phần Công nghiệp nặng & Xây dựng Doosan đảm nhiệm tiến độ khả quan hơn. Ông Kang Jong Sang - Giám đốc xây dựng của Doosan cho biết: “Tiến độ của gói thầu rất khả quan, hiện tại chúng tôi đã rải base được 70% và tiến hành thảm nhựa được 35%”. Để đẩy nhanh tiến độ, Doosan sẵn sàng loại bỏ những nhà thầu không đủ năng lực. Bên cạnh đó, Doosan cũng ứng trước kinh phí cho các nhà thầu phụ thi công đảm bảo tiến độ.

Một trong những hạng mục khó nhất của toàn tuyến cao tốc là hầm xuyên núi dài 530m tại xã Châu Quế Thượng đã được hoàn thiện. Hiện tại nhà thầu đang tập trung thi công đắp nền một số vị trí xung yếu, tập trung thảm nhựa, làm rãnh, rào chắn… Tuy nhiên, đại diện nhà thầu cũng cho biết, gói A6 có nền địa chất yếu, hiện còn 20 điểm sạt lở đang chờ xử lý. Với 100 đầu máy và 300 công nhân đang làm việc, Doosan khẳng định có thể đảm bảo tiến độ đúng cam kết.
  
Còn đó “hậu” cao tốc

Một vấn đề bức xúc liên quan đến thi công đường cao tốc trong nhiều năm qua đó là người dân bỗng dưng mất đường đi, ruộng, ao bị vùi lấp trong quá trình thi công và việc các nhà thầu cũng như chủ đầu tư chậm khắc phục gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến việc người dân một số địa phương làm rào chắn cản trở thi công. Sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp cho Dự án đường cao tốc thì 6 khẩu của gia đình anh Vũ Văn Cường, thôn 2, xã Yên Hợp chỉ còn 2 sào ruộng. Trong quá trình thi công, một phần đất canh tác còn lại tiếp tục bị vùi lấp, đến nay gia đình anh vẫn chưa được giải quyết.

Theo thống kê, hiện nay, huyện Văn Yên có 269 hộ bị ảnh hưởng ngoài phạm vi mốc giải phóng mặt bằng. Ông Hà Đức Anh - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Văn Yên đã có báo cáo về diện tích đất không thể khắc phục được đề nghị thu hồi vĩnh viễn hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng gửi UBND tỉnh, chủ đầu tư VEC. Nội dung này cũng đã được họp bàn nhiều lần và được UBND tỉnh yêu cầu VEC phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê diện tích đất ảnh hưởng để giải quyết nhưng đến nay VEC chưa có động tĩnh gì, gây bức xúc cho người dân vùng bị ảnh hưởng”.

Tương tự như vậy, huyện Trấn Yên còn 372 hộ bị ảnh hưởng chưa được bồi thường, trong đó nhiều diện tích canh tác không thể khắc phục và nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng chưa được sửa chữa. Sự chậm trễ trong công tác giải quyết dẫn đến vài vụ việc người dân cản trở thi công.

Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho quá trình thi công đúng tiến độ, không để kẻ xấu lợi dụng những vướng mắc, khó khăn kích động, gây cản trở tiến độ, các địa phương đã đưa ra kế hoạch bảo vệ thi công tuyến đường cao tốc. Huyện Văn Yên đã lên kế hoạch bảo vệ thi công tại 6 điểm do bức xúc nên người dân đang cản trở thi công, gồm các xã An Thịnh, Tân Hợp, Đông An, Châu Quế Hạ.

 

Nhiều tuyến đường gom dân sinh chưa được thi công trả lại nguyên trạng.

Trước những bức xúc của người dân, các nhà thầu chính cũng đã có sự  thấu  hiểu và chia sẻ. Ông Kang Jong Sang - Giám đốc xây dựng của Doosan cho biết: “Các đường gom dân sinh chưa có thiết kế chi tiết, bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ, chúng tôi đang tập trung lực lượng cho thi công tuyến đường cao tốc. Chúng tôi cam kết chỉ đóng đường cao tốc khi đã thi công trả lại đường gom dân sinh”.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xác định có vai trò chiến lược trong việc nối liền thủ đô Hà Nội  với vùng Tây Bắc của Tổ quốc, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt - Trung. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai là một trong ba cửa khẩu quan trọng nhất trong giao lưu kinh tế thương mại qua biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, với kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi năm hàng tỷ USD. Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường kết nối vẫn là một trong những điểm nghẽn của các tỉnh Tây Bắc.

Hiện nay, việc đi lại từ Lào Cai về các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ chủ yếu thông qua quốc lộ 70, trong khi quốc lộ này đã quá tải, thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Việc đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng Tây Bắc, mang tư duy chiến lược, tạo điều kiện để các tỉnh Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững.

Đường cao tốc  Nội Bài - Lào Cai hình thành đang dần hiện thực hóa niềm mong mỏi của người dân Tây Bắc có thêm nhiều cơ hội, động lực mới, phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của khu vực này.

 Anh Dũng

Các tin khác

YBĐT - Gói thầu A6 - một trong tám gói thầu xây dựng dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là đoạn đường đi qua huyện Văn Yên có tổng chiều dài 40km (từ Km159 đến Km199) do nhà thầu chính là Công ty Công nghiệp nặng và Xây dựng Doosan (Hàn Quốc) đảm nhận.

YBĐT - Đầm Hậu xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được xây dựng từ năm 1958 với năng lực thiết kế tưới tiêu cho 142ha lúa/vụ của 7 thôn trong xã Minh Quân. Tuy nhiên sau nhiều năm khai thác đến nay các bờ đập đã xuống cấp, hiện tượng lún sụt, rò rỉ nước xảy ra ở hầu khắp các bờ đập và năng lực tưới tiêu chỉ còn lại 3 thôn.

Chiều 5/3, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada đã ký Công hàm trao đổi việc cung cấp cho Việt Nam khoản ODA vốn vay tài khoá 2013, trị giá 25 tỷ yên.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý sửa đổi, bổ sung nội dung Dự án "Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, giai đoạn III" sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục