Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến năm 2019, mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất đá, lũ quét đã làm thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân và các công trình công cộng trên địa bàn.
Theo thống kê của huyện, đã có 15 người chết, 6 người mất tích, 10 người bị thương; 75 nhà dân bị lũ cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, 212 nhà phải di dời khẩn cấp, 38 nhà phải di chuyển ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao, 11 nhà bị tốc mái; 276 công trình công cộng bị hư hại; hơn 363 ha hoa màu bị mất trắng, trên 1.800 ha rừng và 468 con gia súc bị thiệt hại.
Cùng đó, 15 hộ dân ở nhà trọ tại thị trấn Mù Cang Chải bị mất hết tài sản; 45 xe máy, 2 máy xay sát bị đất vùi lấp, lũ cuốn trôi; nhiều trang thiết bị dạy và học của một số trường học trên địa bàn cũng lũ cuốn trôi. Những thiệt hại này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
Bởi vậy, trước mùa mưa lũ năm nay, huyện đã sớm có kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. UBND huyện tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tăng cường công tác PCTT-TKCN năm 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các công điện của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh về việc ứng phó với tình hình mưa lũ…
Huyện cũng đã chủ động ban hành Chỉ thị về công tác PCTT-TKCN; Quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, phân công nhiệm vụ, lịch trực cụ thể cho các thành viên huyện và 14 xã, thị trấn; tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp theo kế hoạch, phương án đã được phê chuẩn; đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT-TKCN đảm bảo sát với tình hình thực tế của huyện.
Đồng thời, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các xã tổ chức rà soát lại toàn bộ các hộ dân cần phải di dời mới, tổng hợp báo cáo UBND huyện trình UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cấp kinh phí triển khai thực hiện; chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các cơ quan liên quan xây dựng bản đồ chỉ đạo công tác PCTT-TKCN bổ sung vào kế hoạch, phương án PCTT-TKCN năm 2020 để chủ động theo dõi và kịp thời xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Huyện cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng trên địa bàn tuân thủ các quy định, quy trình và đảm bảo an toàn tuyệt đối trong tổ chức khai thác khoáng sản và vận hành các hồ đập thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên tổ chức tự tuần tra, kiểm tra, cắm biển cảnh báo tại các khu vực khai thác mỏ nguy hiểm, khu vực lòng hồ thủy điện để tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuyệt đối không được tham gia các hoạt động lao động, sản xuất tại các khu vực này và thực hiện tốt công tác phối hợp với UBND các xã sở tại trong thực hiện trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình mưa bão trên địa bàn.
Đối với các xã, thị trấn, UBND huyện chỉ đạo chủ động bố trí quỹ đất di chuyển xen ghép từ 15 - 20 hộ/xã; tăng cường công tác hướng dẫn, thống kê tình hình thiệt hại đảm bảo chính xác, đúng thời gian quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến từng hộ gia đình về thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai; công tác vận động người dân tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai nếu xảy ra.
Theo lãnh đạo huyện Mù Cang Chải, huyện cũng có nhu cầu được tỉnh hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị (máy đo mưa, máy phát điện…) và được Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về PCTT cho cán bộ huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn; bố trí kinh phí để huyện tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về PCTT cho cán bộ xã, thôn, bản để có thể nâng cao năng lực trong thực hiện công tác PCTT-TKCN trên địa bàn.
Thu Hạnh