Do đặc thù địa hình nên nhiều thôn, bản của các xã vùng cao đều nằm ở lưng chừng dốc. Ngoài độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh thì nơi đây còn có nhiều khe suối nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao mỗi khi xuất hiện mưa lớn. Do vậy, ngoài kiện toàn nhân lực và phương tiện ứng phó thiên tai thì một trong những giải pháp được chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng, đó là tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh mưa lũ. Việc làm này được triển khai thường xuyên, nhất là trước khi dự báo sẽ có mưa lớn xảy ra.
Ông Hoàng Văn Sừa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: "Địa hình nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn nên khi mưa to hay xảy ra lũ ống, lũ quét. Do vậy, địa phương quán triệt không cho bà con sinh sống ở gần suối; khi xảy ra mưa lớn, cán bộ xã xuống cơ sở tuyên truyền, vận động người dân không bắt cá, vớt củi”.
Được biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá, huyện Trạm Tấu đã xác định được các điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét tại các thôn: Hát 1, Hát 2 xã Hát Lừu; tổ dân phố 1 thị trấn Trạm Tấu; thôn Suối Giao, Háng Xê, Tà Đằng và chòm Sáng Pao, xã Xà Hồ; thôn Suối Xuân xã Phình Hồ. Nguy cơ sạt lở đất ở hầu hết các khu dân cư, trọng điểm là tỉnh lộ 174, các tuyến liên xã, liên thôn.
Ông Hàng A Thào - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra lũ ống, lũ quét tại các khu vực có nguy cơ, huyện đã thực hiện di dời 30 hộ dân xã Hát Lừu ở cạnh suối bản Hát về nơi ở mới. Bên cạnh đó, huyện tổ chức ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị các phương án kiểm tra, sơ tán di dời các hộ dân ở những nơi có địa hình dốc, ta luy cao, địa chất đất yếu đến nơi an toàn; khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để khắc phục hậu quả”.
Ngoài huyện Trạm Tấu thì các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn và một số địa phương có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã triển khai nhiều giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa lũ xảy ra. Đặc biệt, trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống trên tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Hiện nay, lực lượng phòng chống thiên tai được kiện toàn từ cấp tỉnh, cấp huyện đến tận cấp xã, thôn, bản. Nhân lực và phương tiện cũng được bổ sung để ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để khi có mưa bão, sạt lở, ngập úng xảy ra là có giải pháp kịp thời. Thứ hai là, công tác cảnh báo cũng phải kịp thời để người dân tránh được thiệt hại".
Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 15 trận mưa lũ lớn làm 6 người chết, 5 người bị thương; hư hỏng hơn 2.200 căn nhà; thiệt hại hơn 900 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; gần 9.200 con gia súc chết; 19 công trình công cộng và gần 90 công trình thủy lợi bị hư hỏng…
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều trận dông lốc, mưa đá làm bị thương 6 người; hư hỏng hàng nghìn ngôi nhà; thiệt hại hàng trăm héc - ta lúa và hoa màu… Mặc dù chưa có các trận lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại lớn, nhưng nguy cơ xảy ra vẫn luôn hiện hữu.
Do vậy, thời gian tới, chính quyền các cấp và ngành chức năng cần tiếp tục rà soát, khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, tổ chức ứng trực 24/24 giờ và sẵn sàng phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Hùng Cường