80% vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 6/10
Sáng 6/10, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với vùng áp thấp trên biển Đông. Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, vào hồi 7h ngày 06/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,5-12,5 độ Vĩ Bắc; 113,5-114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 60km về phía Bắc Tây Bắc.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết: "80 % vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong chiều hoặc tối 6/10. Vùng áp thấp vẫn di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/giờ và ảnh hưởng tới khu vực Nam Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 vào ngày 7/10. Đây là hình thái thời tiết nguy hiểm gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ".
Đại diện Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có tổng số 61.898 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m, trong đó 1.006 tàu cá trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của vùng áp thấp (Thanh Hóa 2, Nghệ An 1, Quảng Trị 1, Đà Nẵng 13, Quảng Nam 95, Quảng Ngãi 345, Bình Định 374, Khánh Hòa 60, Phú Yên 112, Bình Thuận 1, Bà Rịa- Vũng Tàu 02) và 886.307 ha diện tích nuôi trồng trên biển, ven bờ; 80.954 ha diện tích nuôi trong sông hồ và 221.600 lồng bè.
Tại Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có Công điện số 18/CĐ-TW ngày 5/10 lệnh Giám đốc các Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà chủ động vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có Thông báo số 414/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và các Bộ, ngành liên quan đề nghị triển khai ứng phó với vùng áp thấp trên biển Đông.
Văn phòng Bộ Công an đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó vùng áp thấp trên biển Đông. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo về vùng áp thấp, cảnh báo mưa, lốc, sét, gió giật mạnh tới các địa phương để chủ động các biện pháp ứng phó. Tại các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố hạ du hồ Hòa Bình tổ chức triển khai thực hiện Công văn số 135/TWPCTT ngày 5/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ Hòa Bình.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về vùng áp thấp, cảnh báo mưa, lốc, sét, gió giật mạnh để chủ động các biện pháp ứng phó. Trong đó các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành và các địa phương đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp và mưa lũ.
"Khách du lịch vẫn có tâm lý thích trải nghiệm thiên tai"
Trước diễn biến phức tạp của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, mưa, lũ, dông, lốc, sét kịp thời cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Ngay sau cuộc họp này, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức hai đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó với áp thấp tại một số tỉnh khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp, ngoài việc cung cấp những bản tin dự báo, cảnh báo dài hạn cần lưu ý cung cấp những bản tin ngắn hạn phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông, đặc biệt là những khu vực được dự báo có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 10 ngày tời bắt đầu từ 7/10 có thể lên tới từ 1000-1500mm) và các bản tin cảnh báo lũ kèm cấp độ rủi ro thiên tai do lũ.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. "Hiện nay dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt, do vậy dễ sinh ra tâm lý chủ quan đối với người dân, đặc biệt là khách du lịch khi đi du lịch và có tâm lý thích trải nghiệm "thiên tai" trên đảo và các điểm đến. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tránh trú an toàn khi thiên tai xảy ra", ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên nhấn mạnh.
Các đơn vị chức năng liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên hệ thống sông Hồng và mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà để tham mưu chỉ đạo, điều hành kịp thời, đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du các hồ chứa. Các tỉnh, thành phố sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
"Vụ Quản lý Đê điều cần tổ chức kiểm tra lại hệ thống đê và hết sức lưu ý đến đê cửa sông (nhất là khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) phải được đảm bảo an toàn cho việc phòng chống lũ đồng thời sẵn sàng vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện phục vụ cho sản xuất", ông Trần Quang Hoài nêu rõ.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Rà soát, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài chỉ đạo, việc quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại do thiên tai. Với tinh thần đó, các tỉnh, thành phố cần làm tốt các phương án di dân, thậm chí có phương án di dân dài ngày, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, đảm bảo cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, nhà văn hoá cộng đồng. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có văn bản gửi các cơ quan chức năng liên quan đến việc chuẩn bị sẵn sàng xả lũ.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
(Theo VOV)