Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 7 không gây thiệt hại về người nhưng đã làm 278m2 kè đê biển Hải Hậu (tỉnh Nam Định) bị sạt lở.
Về tình hình ngập lụt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, đến sáng nay vẫn còn 2 điểm giao thông trên quốc lộ 15 và tỉnh lộ 564, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình bị ngập. Tỉnh Quảng Trị còn 3 xã vùng trũng ven sông thuộc huyện Hải Lăng; tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 4 xã thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang bị úng ngập...
Về thiệt hại, tính đến ngày 15-10, mưa, lũ, bão số 6 xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Trung đã làm 40 người chết; trong đó, tỉnh Quảng Trị 12 người, tỉnh Quảng Nam 9 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế 8 người... Mưa, lũ, bão còn làm 8 người mất tích; 585 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 ngôi nhà bị ngập; 137 điểm quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; 870ha lúa và 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha nuôi trồng thủy sản bị tràn, thiệt hại; 332.350 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 6 tàu vận tải bị sự cố, 4 tàu cá bị chìm...
Về công tác tìm kiếm 13 người mất tích sau vụ sạt lở đất tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, các đơn vị, địa phương vẫn đang tích cực triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa, lũ, bão, sạt lở đất...
Để hỗ trợ nhân dân phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Quốc phòng đã điều động 9.607 cán bộ, chiến sĩ và 267 phương tiện các loại. Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã đề nghị cơ quan thẩm quyền hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế 6.500 tấn gạo, 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mì tôm và các loại thuốc tiêu độc, khử trùng, vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn...
Về tình hình thời tiết, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, tối nay, khu vực huyện Phong Điền có khả năng xảy ra mưa trở lại. Còn tại khu vực Bắc Bộ, hôm nay và ngày mai (16-10), tiếp tục xảy ra mưa. Lượng mưa phổ biến tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa khoảng 100-150mm, khu vực tỉnh Quảng Ninh 150-200mm, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình 50-100mm.
Trên biển, áp thấp nhiệt đới sáng nay đã vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh tăng cường... có khả năng gây ra đợt mưa lớn trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ chiều tối nay cho đến ngày 20-10. Thời gian xảy ra mưa lớn tập trung từ ngày 17 đến 19-10. Tổng lượng mưa tại khu vực tỉnh Quảng Bình là 400-700mm, có nơi cao hơn 700mm; khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế 300-500mm, có nơi hơn 500mm; khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên hơn 200mm... Từ ngày 21 đến 23-10, khu vực miền Trung giảm mưa, lượng mưa cả đợt phổ biến 50-100mm...
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chưa bao giờ xảy ra mưa lớn, bão dồn dập như những ngày vừa qua. Với sự chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân..., toàn bộ tuyến biển đã được ứng phó kịp thời, hồ đập bảo đảm an toàn không xảy ra sự cố, giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp...
Tuy nhiên, thiên tai những ngày vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để giảm thiệt hại trong những đợt thiên tai sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục rà soát, bảo đảm an toàn hồ đập; triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ đông; hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, tránh, không để xảy ra thiệt hại về người liên quan đến lũ quét, sạt lở đất...
"Tận dụng thời tiết tốt trong ngày 15, 16-10, các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ cho công tác tìm kiếm người còn mất tích, hỗ trợ nhân dân vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất, bảo đảm đời sống...”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão trong những ngày tới. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục tổng hợp nhu cầu của các địa phương để báo cáo đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm, hóa chất... bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục cơ sở hạ tầng vùng thiên tai...
(Theo HNMO)