Theo quyết định, thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban.
Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quyết định, Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.
Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
* Ứng phó với bão số 9: Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h ngày 27/10
Người dân Đà Nẵng không ra khỏi nhà từ 20h ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng.
Sáng 27/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký ban hành Công văn số 7079/UBND-KTTC về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) được nghỉ làm việc trong ngày 28/10/2020 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện có kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể việc triển khai thực hiện Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 26/10 của Chủ tịch UBND thành phố; tổ chức hiệp đồng với các lực lượng quân đội, công an... để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND trong công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 9.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức kiểm tra tình hình triển khai công tác ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân và lực lượng ứng cứu khi bão tới; chỉ làm nhiệm vụ ứng cứu khi có lệnh của người có thẩm quyền.
Các địa phương kiểm tra, tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18h ngày 27/10/2020; yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Người không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dừng ngay việc khai thác bắt đầu từ 14h ngày 27/10/2020 và đưa người rời khỏi khu vực khai thác để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân.
UBND Đà Nẵng thành lập 3 đoàn công tác do các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng đoàn có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan tham gia để kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 9. Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh, theo dõi phụ trách xử lý trên địa bàn quận: Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh theo dõi phụ trách xử lý trên địa bàn: huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên theo dõi phụ trách xử lý trên địa bàn quận: Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê.
* Phú Yên sẽ cưỡng chế nếu ngư dân ở lại trên bè và tàu cá
Sau 18h ngày 27/10, ngư dân nào không chịu rời các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển cũng như tàu cá sẽ bị lực lượng chức năng cưỡng chế. Đây là chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên trong công tác ứng phó với bão số 9.
Hiện vùng ven biển tỉnh Phú Yên có gần 75.000 lồng nuôi tôm hùm và hơn 1.860 bè nuôi cá, phần lớn trong số này nằm trên vùng biển Vịnh Xuân Đài và Vũng Rô. Từ ngày 26/10, ngư dân đã chủ động ứng phó.
Kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 tại thị xã Sông Cầu, vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, hướng dẫn bà con nhân dân chằng chống, sớm vận động nhân dân vào bờ tránh bão.
Đối với tàu cá phải đưa sâu vào các khu tránh trú bão, tuyên truyền để ngư dân không ở lại trên tàu. Mọi công tác triển khai ứng phó bão phải đảm bảo hoàn thành trước 18h hôm nay. Từ 9h sáng nay, Phú Yên đã cấm biển.