Thủy điện nhỏ trong bài toán kinh tế và các nguy cơ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/10/2020 | 9:44:39 AM

Những ngày qua, người dân miền Trung đã phải gồng mình chống chọi với những trận lũ lụt lịch sử liên tiếp. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai và thời tiết ngày càng cực đoan nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực trạng trên có phần "trách nhiệm" của hàng loạt công trình thủy điện nhỏ...

Thủy điện Rào Trăng 3.
Thủy điện Rào Trăng 3.

Tác nhân gây mất rừng, lũ lụt?

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, PGS.TS. Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, các hồ thủy điện ở Việt Nam được vận hành theo các quy trình được xây dựng theo chuẩn quốc tế, khi mưa về, hồ xả nước tới mức "đón lũ”.

PGS, TS Vũ Thanh Ca khẳng định không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ. "Nếu không có đập thủy điện lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện lũ cao hơn rất nhiều”.

Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cũng cho rằng, thủy điện nhỏ chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn, dung tích hồ chứa rất nhỏ nên hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể, nhưng cũng không làm ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy của hạ du. Các nhà máy thủy điện nhỏ giúp giảm đầu tư và tổn thất truyền tải điện, góp phần tăng cường vào bài toán an ninh năng lượng quốc gia.

"Theo quy định, các dự án thuỷ điện nhỏ do chính quyền địa phương xem xét, quyết định. Thực tế nhiều địa phương còn thiếu chuyên gia về thuỷ điện, thuỷ văn, môi trường nên chất lượng từ công tác quy hoạch thuỷ điện đến xây dựng, vận hành hệ thống công trình còn nhiều hạn chế. Bản thân thủy điện không có lỗi mà vấn đề cần lưu ý là quá trình xây dựng, vận hành của con người”, TS Tô Văn Trường cho biết.

Thực tế, vai trò thủy điện trong hệ thống điện quốc gia là không thể phủ nhận. Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết: Xét chung trong hệ thống điện quốc gia, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng.

Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đã vận hành phát điện 342 công trình (công suất 3.582,66 MW); đang thi công xây dựng 158 dự án (2.122,75 MW); đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án (3.121,65 MW.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng khoảng 7,41 ha đất (trong đó có 0,078 ha đất ở, 0,256 ha đất lúa, 0,808 ha đất màu, 2,726 ha đất rừng, 1,507 ha đất sông suối) và tái định cư 0,16 hộ dân. Quá trình xây dựng công trình cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường và công trình giao thông hiện có. Theo quy định hiện hành, các chủ đầu tư phải thực hiện trồng bù rừng bị mất do dự án thủy điện. Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tính đến tháng 9/2019, các dự án thủy điện chiếm dụng khoảng 30.305 ha rừng trên địa bàn cả nước. Hiện nay, diện tích đã trồng bù rừng là 33.735 ha, đạt 111,3% so với diện tích phải trồng tại các dự
án thủy điện.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện

Nhiều vấn đề cần xem xét lại

Khẳng định không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ, tuy nhiên, PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng không phủ nhận những mặt trái của thủy điện. Trong thực tế, các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy thủy điện gây ra rất nhiều hệ lụy môi trường, sinh thái và làm gia tăng xói lở bờ biển do chặn dòng bùn cát chảy ra biển; thủy điện cũng có những nguy cơ gây lũ quét rất lớn nếu đập bị vỡ.

Cùng với đó, việc xây dựng các hồ chứa luôn kèm theo việc xây dựng một hệ thống hạ tầng đính kèm, việc này sẽ gây ra phá rừng và do vậy làm gia tăng lũ lụt. Ngoài ra, việc san đồi núi tạo các mặt bằng xây dựng có thể làm gia tăng mức độ bất ổn định của các khối đất đá, làm gia tăng khả năng trượt lở
đất và gây những thiệt hại về người và của.


PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất, các đập thủy điện cần phải được quy hoạch một cách hợp lý, tránh làm ngập các khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái. Cần xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ và chạy thủy điện để đảm bảo dòng chảy môi trường cũng như không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới các hệ sinh thái vùng hạ lưu. Cần thường xuyên quan trắc môi trường trong lòng hồ và cần nghiên cứu kỹ và tái định cư người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt.

Theo TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, thủy điện không phải là nguyên nhân tạo nên lũ. Vấn đề ở đây là câu chuyện vận hành hồ chứa. Những năm qua chúng ta chứng kiến một sự vận hành không hợp lý. "Có thể nói rất nhiều hồ chứa thủy điện hiện nay đều không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng nước mùa khô”.

Theo các chuyên gia, hiện nay, vấn đề an toàn đập nói chung và thủy điện nói riêng cần phải được quan tâm thích đáng. Cần kiểm tra và đánh giá mức an toàn của tất cả các đập thủy điện trên toàn vùng, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn cho từng hồ - đập và hệ thống bậc thang. Các biện pháp đề ra phải được thực hiện và phải có chế tài và cơ chế giám sát việc thực hiện.

TS Tô Văn Trường cho rằng, để đảm bảo mục tiêu ban đầu của thuỷ điện nhỏ, ngoài quy trình vận hành đơn hồ trong mùa lũ và mùa cạn, các địa phương cũng cần yêu cầu các hồ chứa thủy điện cùng lưu vực lập quy trình phối hợp vận hành để tăng cường an toàn về mùa lũ, phù hợp với nhu cầu khai
thác sử dụng nước mùa cạn cho hạ du.

Đồng thời, cần tiến hành rà soát quỹ đất dành cho việc xây dựng thủy điện, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng từng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông và các công trình thủy điện. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Không nên phát triển thủy điện nhỏ

Với thuỷ điện lớn, bài toán cắt lũ được giải quyết tốt, giúp điều tiết nước để cung cấp nước cho hạ du. Còn thuỷ điện nhỏ không có chức năng này, nhưng khi đi vào vận hành phải tuân thủ quy chế đảm bảo an toàn. Phát triển thuỷ điện bao giờ cũng có hai mặt.

Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không nên khuyến khích phát triển thuỷ điện nhỏ bằng mọi giá. Quốc hội khoá XIII đã yêu cầu rà soát, đưa ra trên 400 thuỷ điện nhỏ ra khỏi quy hoạch. Vì vậy, trong thời gian tới cần hết sức thận trọng trong cấp phép thuỷ điện nhỏ.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội): Đầu tư thủy điện cần tính toán về an toàn

Việc đầu tư thủy điện cần tính toán nội dung về an toàn. Cần có những phương tiện hiện đại để phát hiện, cảnh báo mưa lũ. Ví dụ, khi lũ lụt xảy ra, người dân ở trong rừng cần có những phương tiện hiện đại để cảnh báo, báo động, ứng cứu, nếu không cứu được thì thả lương thực, thực phẩm ra sao... Ngoài ra, cần phải đánh giá được thời tiết để phát hiện, phòng tránh và có đầu tư. Việc đầu tư thủy điện cần phải đánh giá lại để làm thế nào đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh; đồng thời, phải bảo đảm được sự bền vững của môi trường, đảm bảo an toàn cho người dân.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Cần rà soát lại tất cả các công trình thủy điện

Về lâu dài, cần tổng rà soát lại tất cả những tác động đối với môi trường, trong đó thủy điện chỉ là một vấn đề, còn tổng thể phải xem xét cả khai khoáng, khai thác rừng… theo hướng bền vững.

Riêng về thủy điện, Chính phủ nên rà soát lại tất cả các công trình thủy điện đã, đang và sẽ làm để đảm bảo không vì phát triển thủy điện mà hủy hoại dẫn đến tàn phá môi trường. 

(Theo Tin tức)

Các tin khác
Hiện trường vụ sạt lở đất ở huyện Bắc Trà My - Quảng Nam sau bão số 9 làm hàng chục người chết và mất tích

Đến tối 30-10, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương báo cáo, có ít nhất 73 người chết và mất tích (trong đó chủ yếu là do sạt lở đất, sạt lở núi). Trong khi mưa lũ đợt 2 đang tới, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu tất cả các tỉnh miền núi phải khẩn trương rà soát lại những nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét.

Mưa to dồn dập ở Hà Tĩnh, đã khiến một số khu vực bị ngập lũ. Ở huyện Cẩm Xuyên xảy ra sạt lở núi tại 2 xã, địa phương này vừa ban hành 7 lệnh sơ tán dân khẩn cấp.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, vào ngày 16/10/2020, tại Km9+530 thuộc tuyến đường liên xã Mường Sang - Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, một lượng lớn đất từ taluy dương sạt xuống đường, cuốn theo một ô tô bán tải của người dân xuống vực.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ban hành công văn số 166/TWPCTT ngày 30/10 về việc tăng cường ứng phó với lũ quét, sạt lở đất bởi thời gian vừa qua diễn biến mưa lớn đã làm khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên chịu thiệt hại lớn.

Ảnh minh họa.

Nội dung công điện nêu rõ: Đối với dân cư ở ngoài bãi sông, vùng ngập lũ, có phương án chủ động sơ tán người và tài sản để bảo đảm an toàn khi có tình huống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục