Bão số 2 vào Vịnh Bắc Bộ, gió giật cấp 9-10

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/6/2021 | 7:47:03 PM

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 12/6, bão số 2 đã vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào Vịnh Bắc Bộ.

Bản đồ đường đi của bão số 2.
Bản đồ đường đi của bão số 2.

Do ảnh hưởng của bão, Vịnh Bắc Bộ, bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m, biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế đã có mưa vừa, mưa to.

Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 140km về phía Đông Nam; cách đất liền khu vực từ Hải Phòng đến Nghệ An khoảng 260km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4 giờ ngày 13/6, vị trí tâm bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ từ Hải Phòng đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Từ 4 giờ ngày 13 đến 16 giờ ngày 13/6, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó là một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 13/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực vùng núi hai tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Từ 16 giờ ngày 12 đến 16 giờ ngày 13/6, vùng nguy hiểm trên Biển Đông (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) như sau: Phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trên đất liền, từ gần sáng ngày 13/6, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.

Từ ngày 12-13/6, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt. Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Mưa lớn ở Tây Bắc Bắc Bộ có khả năng kéo dài hết ngày 14/6.

Văn  phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động cấm biển.

Văn phòng cần phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các tàu vận tải, tàu cá neo đậu vào bờ đảm bảo an toàn, tránh tình trạng chủ quan trong việc quản lý, neo đậu của tàu thuyền.

Các cơ quan chức năng địa phương lưu ý và chỉ đạo kịp thời các công việc để đảm bảo an toàn cho du khách trên các đảo, an toàn tại các lồng bè, chòi canh thủy hải sản, các công trình đê điều đang thi công; rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp...

Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên: Cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

Cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam

Cần chú ý rằng khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km - khoảng 200 hải lý.

Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.

(Theo Tin tức)

Các tin khác
Mưa lớn ở Tây Bắc Bắc Bộ khả năng kéo dài đến hết ngày 14/6. Ảnh minh họa:

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 2 di chuyển về phía đất liền ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, từ ngày 12-13/6, Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 80-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt.

Vị trí và dự báo đường đi của bão số 2.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 12/6, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 năm 2021 và có tên quốc tế là Koguma.

Người dân cần chủ động ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất. (Hiện trường vụ sạt lở đất sáng 10/6 tại xã Minh An, huyện Văn Chấn - Ảnh: Thủy Thanh).

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 2 - Đó là yêu cầu tại Công điện số 02 của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái.

Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp.

Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và đổ bộ trực tiếp đất liền các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá vào rạng sáng mai (13/6).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục