Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ sáng 27/10, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp và đi vào đất liền tỉnh Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giảm xuống dưới cấp 6. Trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và suy yếu thêm.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 27/10, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa 50-80mm, có nơi trên 100mm. Từ đêm 27/10, mưa lớn ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giảm. Từ đêm 27/10 đến ngày 31/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.
Từ sáng nay, mực nước trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa và khu vực Nam Tây Nguyên đang lên. Trong ngày hôm nay (27/10), trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa và khu vực Nam Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2, có sông lên trên BĐ2, hạ lưu sông Ba (Phú Yên) còn dưới BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Về thiệt hại do áp thấp nhiệt đới, đã có 5 người chết, (3 người tại Quảng Ngãi mất tích đã tìm thấy thi thể, 1 người tại Quảng Nam mất tích từ 23/10 đã tìm thấy thi thể). 1 người mất tích tại Quảng Trị (nhảy khỏi tàu mắc cạn ở đập tràn Nam Thạch Hãn bị nước cuốn trôi).
Thiệt hại về nhà: 12 nhà bị hư hại (Quảng Nam 8, Bình Định 1, Quảng Ngãi 3). Thiệt hại về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, 262 ha lúa và 549 ha rau màu bị thiệt hại, 1,2 tấn cá và 11.254 con tôm, gia súc, gia cầm các loại bị chết, 153 ha thủy sản bị thiệt hại. Sạt lở 9.670m, bao gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Về giao thông, các sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông đang được khắc phục, hiện đã đảm bảo thông tuyến. Đường sắt đã thông toàn tuyến, khu vực đang khắc phục sự cố khai thác với tốc độ 5km/h.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành tiếp tục triển khai Công điện số 1420/CĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung như theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trong những ngày tới để chủ động các biện pháp ứng phó. Tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở, tìm kiếm người mất tích. Vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du, đảm bảo an toàn công trình đang thi công. Tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thiên tai, thời tiết, đảm bảo an toàn.
Cử lực lượng thường trực khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
(Theo Bảo vệ pháp luật)