Theo thống kê của Sở GTVT, những năm qua, mưa bão đã làm nhiều tuyến đường tỉnh, huyện và quốc lộ trên địa bàn tỉnh bị sạt lở ta luy dương, sạt lở ta luy âm, hư hỏng nền, mặt đường, rãnh dọc...
Năm 2021, khối lượng thiệt hại do mưa bão gây ra trên 3,18 tỷ đồng, trong đó: quốc lộ gần 1 tỷ đồng; đường tỉnh 2,24 tỷ đồng. Sạt lở taluy dương 6.654 m3; sạt taluy âm 8 mét; hư hỏng 16 mét hộ lan (quốc lộ). Sạt lở ta-luy dương 6.247 m3; sạt ta-luy âm 176 mét; hư hỏng 1.005 m2 mặt đường; 13.771 m2 nền đường, lề đường; 132 mét rãnh dọc; 1 cầu (đường tỉnh)…
Ông Đỗ Nhân Nghĩa - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết: "Xác định mục tiêu phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, Sở đã quán triệt đến tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc phương châm "bốn tại chỗ”, sẵn sàng chỉ huy ứng cứu, khắc phục nhanh nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông được an toàn thông suốt trong mọi tình huống”.
Trước mùa mưa bão, Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý các tuyến đường, tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống, xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông, kiểm tra các cầu, kè, đường tràn, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ; báo cáo kịp thời các vị trí hư hỏng nền, mặt đường, kết cấu công trình cầu, cống, các vị trí cần gia cố để có biện pháp xử lý khắc phục trước khi mùa mưa lũ đến.
Chỉ đạo các đơn vị thực hiện quản lý bảo dưỡng thường xuyên tiến hành đào vét rãnh dọc, rãnh ngang, thông thoát lòng cầu, cống; phát quang thượng, hạ lưu cầu, cống, đảm bảo phát huy tối đa tác dụng của hệ thống thoát nước; cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo những vị trí nguy hiểm và bổ sung cột thuỷ trí những vị trí thường bị ngập nước trên tuyến, trang bị biển báo để hướng dẫn giao thông khi có tình huống xảy ra; kiểm tra những hàng cây dọc trên các tuyến đường quản lý có nguy cơ đổ, gãy cần phải tỉa cành hoặc chặt hạ.
Bố trí nhân lực, vật tư thiết bị tập trung thi công đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, cố gắng hoàn thành các hạng mục dở dang trước mùa mưa bão.
Bước vào mùa mưa bão năm nay, để chủ động phòng, chống thiên tai và ổn định hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường, đối với các tuyến đường đang triển khai thi công, Sở yêu cầu đơn vị thi công thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn đường thi công, các đường tránh phục vụ thi công cầu, cống kể cả đoạn đã thi công xong nhưng chưa bàn giao, tuyệt đối không được để lầy lún và đất sạt lở gây tắc đường ở những đoạn đang thi công kể cả các đường tránh phục vụ thi công cầu, cống; chỉ đạo các nhà thầu xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão, đảm bảo giao thông trên đoạn tuyến thi công và bảo vệ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của đơn vị. Có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương kịp thời ứng cứu, khắc phục đảm bảo giao thông khi lũ, lụt xảy ra.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình sửa chữa, nâng cấp, cải tạo (đặc biệt là các tuyến đường độc đạo). Kiểm tra hoạt động của các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, tình trạng máy móc thiết bị của các phương tiện giao thông thủy và các điều kiện phục vụ hành khách tham gia giao thông đường thủy, đặc biệt ở những khu có nhiều học sinh đi học qua sông bằng thuyền trước mùa mưa, bão…
Bà Nguyễn Thị Lâm Tuyết - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở GTVT cho biết: "Công tác ứng phó trong và sau khi bão, lũ xảy ra được ngành GTVT đặc biệt quan tâm, đối với các tuyến đường do Sở quản lý bị ảnh hưởng bởi sự cố thiên tai, bão lũ. Ngay sau khi xảy ra sự cố gây ách tắc giao thông, Sở chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị thi công hướng dẫn phân luồng, đặt biển báo ở hai đầu tuyến thông báo, cảnh báo nguy hiểm và thực hiện ngay công tác đảm bảo giao thông bước 1 (hót sụt ta-luy dương, dọn dẹp cây đổ) để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, trường hợp thời gian đảm bảo giao thông bước 1 kéo dài sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Đối với các vị trí sạt lở ta-luy âm, hư hỏng nền, mặt đường, hư hỏng công trình thoát nước..., chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương tổ chức thi công đảm bảo thông tuyến trong thời gian ngắn nhất; đồng thời, chỉ đạo đơn vị tư vấn lập hồ sơ hoàn công đảm bảo giao thông bước 1, hồ sơ xử lý để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Các tuyến đường do các huyện, thị xã, thành phố quản lý bị thiệt hại lớn, mức độ phức tạp, Sở sẽ phối hợp cùng các cấp, các ngành, địa phương kiểm tra và xây dựng phương án khắc phục, xử lý…
Quang Thiều