Ông Hà Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: Ban Chỉ huy
Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) xã luôn tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch PCTT - TKCN hàng năm; hướng dẫn, khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu trước dự báo có thiên tai xảy ra. Đồng thời, xác định phương châm "4 tại chỗ” là trọng tâm trong ứng phó với thiên tai và chủ động xây dựng 4 phương án xử lý khi có tình huống xảy ra.
Cụ thể, tình huống xảy ra gió lốc làm tốc mái, sập nhà của các hộ dân tại khu vực: thôn Bản Bát, Nặm Tọ, Nà Đường và Hà Khem; tình huống do mưa lớn nhiều ngày ở khu vực đầu nguồn suối Thia, suối Lồ làm cho nước trên suối Thia, suối Lồ dâng cao, gây ngập lụt ở khu vực các thôn: Nà Đường, Nặm Tọ, Co Hả và Bản Bát; tình huống do có mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày gây sạt lở, đất các thôn: Bản Có, Nặm Tăng; tình huống do có mưa lớn cục bộ và kéo dài nhiều ngày gây lũ ống, lũ quét tại khu vực thôn Hà Khem...
Mục tiêu trong PCTT của xã Thạch Lương là, đảm bảo an toàn cho người và các tài sản của nhân dân, kịp thời huy động lực lượng tại chỗ ứng cứu giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Vì vậy, việc đảm bảo thông tin, liên lạc; bảo đảm cơ động, tổ chức thông báo, báo động phòng chống lũ bão (PCLB), TKCN; đảm bảo địa điểm sơ tán dân; đảm bảo sản xuất hậu cần, phương tiện được địa phương xác định rõ.
Cụ thể như khi xảy ra tình huống bão lũ, sẽ sử dụng hệ thống thông tin liên lạc hiện hành kết hợp với loa phóng thanh, đài truyền thanh, thông tin vận động phục vụ cho chỉ huy điều hành nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và TKCN.
Các lực lượng tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai sử dụng xe ô tô, xe máy cá nhân kết hợp với các phương tiện thô sơ khác để cơ động thực hiện nhiệm vụ. Sử dụng lực lượng của các thôn bố trí ở các khu vực trọng điểm như ở bờ suối, gần các ta luy cao... để kịp thời thông báo, báo động lực lượng nòng cốt là công an viên, dân quân tại chỗ và các lực lượng khác.
Các thôn tổ chức khảo sát khu vực tập kết lực lượng, phương tiện và khu vực sơ tán nhân dân ở từng cấp báo động khi có tình huống xảy ra báo cáo Ban Chỉ huy PCLB - TKCN xã. Xây dựng lịch thời vụ gieo cấy hợp lý, bố trí cơ cấu giống phù hợp cho sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất cao, tập trung thu hoạch nhanh gọn tránh thiệt hại do ảnh hưởng của ngập úng, lũ lụt...
Ông Lường Văn Sương - Trưởng thôn Bản Bát cho biết: "Hàng năm, chúng tôi tiến hành rà soát các hộ nằm trong khu vực bị lũ ống, lũ quét, ngập lụt để báo cáo Ban Chỉ huy PCLB - TKCN xã. Cùng với khảo sát khu vực tập kết lực lượng, phương tiện và khu vực sơ tán nhân dân, trong mùa mưa bão, thôn thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, thiên tai để chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra...”.
Để ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, xã Thạch Lương còn đặc biệt quan tâm khắc phục những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình cơ động thực hiện nhiệm vụ PCTT - TKCN như: địa bàn chủ yếu là đồi núi và bị chia cắt bởi hệ thống khe suối, nên dễ bị cô lập, nhất là vào mùa mưa; phương tiện cứu hộ - cứu nạn còn thiếu và chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ; hệ thống thông tin liên lạc từ xã xuống các thôn chưa bảo đảm, đặc biệt là khi xảy ra mưa bão sẽ gây khó khăn trong việc thông báo, báo động và chỉ huy điều hành; nhận thức của một số hộ chưa cao, còn chủ quan, chưa tự giác chủ động trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời với các giải pháp nêu trên, xã Thạch Lương còn giao trách nhiệm cụ thể trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cho lực lượng quản lý các công trình thủy lợi, các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng cơ bản, đường điện...
Đồng thời, đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể, các thôn thực hiện kế hoạch PCTT - TKCN. Tất cả hướng đến mục tiêu giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Thành Trung