Không chỉ nắng nóng mà còn dự kiến có bão trong tháng 6, thông tin này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết khi nhận định về xu thế thiên tai đến cuối năm 2023.
Nắng nóng và bão ra sao?
Theo đó, từ nay đến tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.
Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6.
Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng thấp hơn với trung bình nhiều năm (hằng năm khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông từ tháng 8 đến tháng 10 và giảm dần từ tháng 11.
Về nắng nóng, năm 2023 đã xuất hiện sớm. Dự báo có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so với năm 2022.
Trong tháng 4, nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc, kể cả ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
Đặc biệt, cao điểm của nắng nóng sẽ là trong tháng 6-7 ở Bắc Bộ và từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 8 ở Trung Bộ, với khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
Sang tháng 5 và tháng 6, Nam Bộ chấm dứt nắng nóng nhưng ở Bắc Bộ, Trung Bộ vẫn duy trì nắng nóng và có thể kéo dài tới khoảng đầu tháng 8 ở Bắc Bộ và cuối tháng 8 ở Trung Bộ.
Khu vực Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng thấp
Mùa mưa bắt đầu tương đương so với trung bình nhiều năm ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Khả năng xảy ra mưa to dồn dập cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở Bắc Bộ như năm 2022 là thấp. Tại khu vực Trung Bộ lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7 đến 9.
Tuy nhiên, từ tháng 10 đến tháng 12 (thời điểm chính của mùa mưa tại Trung Bộ) lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa dự báo từ xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng 6 đến tháng 9, tuy nhiên từ tháng 10 đến hết năm 2023 lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Đỉnh lũ trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2, tương đương năm 2022, thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3, các đợt lũ chủ yếu tập trung trong các tháng 7-9.
Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc.
Mùa lũ trên các sông ở khu vực Tây Nguyên có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm, các sông ở khu vực Trung Bộ xuất hiện tương đương hằng năm.
Đỉnh lũ năm 2023, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2 (ở mức thấp hơn năm 2022).
Các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3 (ở mức xấp xỉ năm 2022). Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Mùa lũ 2023 trên sông Mekong xuất hiện tương đương hằng năm. Đỉnh lũ năm 2023 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và dưới báo động 1, tương đương đỉnh lũ các năm trước. Đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3.
(Theo TTO)