Yên Bái phát huy “4 tại chỗ”, "3 sẵn sàng" ứng phó thiên tai

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/8/2024 | 10:41:22 AM

YênBái - Trước diễn biến thời tiết cực đoan, bất thường, thiên tai khó lường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động các phương án với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” để chủ động ứng phó.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải xảy ra hồi tháng 8/2023.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải xảy ra hồi tháng 8/2023.

"4 tại chỗ” gồm : chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và "3 sẵn sàng" gồm: phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả.  Trong đó, lấy công tác chuẩn bị lực lượng và huy động vật tư, phương tiện tại các địa phương làm trọng tâm là một trong những phương châm được Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đưa ra nhằm ứng phó kịp thời với thiên tai cũng như định hướng cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ

Là địa phương vùng cao, đặc biệt khó khăn, hằng năm, huyện Trạm Tấu thường xảy ra các loại hình thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gió lốc, dông sét... cao hơn so với địa phương khác. Để sẵn sàng ứng phó, ngoài lực lượng chuyên trách tại cơ sở, huyện Trạm Tấu luôn sẵn sàng phương án huy động lực lương tham gia ứng cứu của các cơ quan, ban, ngành trong huyện từ 100 - 150 người; cán bộ, nhân dân mỗi đơn vị cấp xã từ 100 - 150 người; lực lượng xung kích cấp xã tăng thêm gần 1 nghìn người.

Ông Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết, ngay từ đầu năm 2024, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn; quyết định thành lập các phân ban, họp chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, quyết định thành lập các đội cơ động tìm kiếm cứu nạn, các tổ tuần tra, tổ thông tin liên lạc, đội dự phòng, đội xung kích...; đồng thời, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các thôn bản, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có 173/173 đơn vị hành chính cấp xã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 13.000 người tham gia; lực lượng dự bị có trên 62.000 người sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Cùng với đó, các địa phương cơ sở đều có phương án huy động thêm lực lượng khi cần thiết và cơ chế hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia ứng phó.

Tỉnh đã xây dựng phương án huy động nhân lực từ lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị công an, quân đội đứng chân trên địa bàn; chỉ đạo ngành y tế bố trí đủ lực lượng y, bác sĩ thường trực tại các huyện, sẵn sàng tăng cường cho tuyến xã; huy động lực lượng công nhân lái máy, lái xe của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn sẵn sàng tham gia khi cần thiết.

Bên cạnh việc huy động lực lượng tại chỗ tham gia phòng, chống thiên tai, tỉnh đã tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng chuyên trách và tính chủ động cho lực lượng tại chỗ; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong chủ động tham gia phòng, chống thiên tai, nhất là quản lý rủi ro do thiên tai dựa vào cộng đồng; gắn trách nhiệm và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các lực lượng tham gia tại cơ sở khi có tình huống xảy ra.


Các địa phương sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ giúp dân khắc phục hậu quả khi có thiên tai xả ra.

Huy động phương tiện, vật tư tại chỗ

Theo kết quả điều tra của các cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh Yên Bái có 2.326 điểm trượt lở; có hơn 1.300 hộ dân cần sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Từ đó, tỉnh đã xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ thiên tai. Cũng từ bản đồ này, các địa phương xây dựng phương án huy động phương tiện, vật tư tại chỗ cho phù hợp.

Riêng đối với cấp tỉnh, để chủ động công tác nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm của các cơ quan chuyên môn, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 48 trạm đo mưa, 5 trạm đo thủy văn và 2 hệ thống cảnh báo sớm lũ quét. Tỉnh đang tập trung xây dựng 18 dự án di dân tập trung bố trí, sắp xếp cho gần 1.000 hộ dân có nguy cơ cao cần chuyển đến nơi an toàn.

Ông Phạm Quốc Hưng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay tỉnh đã chuyển về cơ sở sẵn sàng đưa vào sử dụng gần 300 nhà bạt các loại, 145 máy phát điện, 80 máy bơm các loại, trên 3.000 áo phao cùng nhiều trang thiết bị hỗ trợ quan trọng khác. 

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn giao thông, tỉnh Yên Bái đã huy động trên 1.200 ô tô các loại; 21 xe cứu thương; 275 máy xúc, máy ủi; gần 600 chiếc tàu xuồng, thuyền máy. 

Theo thông tin từ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ thiên tai huyện Yên Bình cho thấy, toàn huyện có 4 khu vực có nguy cơ ngập lụt, 13 khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, 22 vùng có nguy cơ sạt lở đất đá và 160 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm có nguy cao cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Tại những địa điểm này, vật tư đã được chuẩn bị đầy đủ, nhất là nguồn vật liệu xây dựng và phương án huy động máy móc, thiết bị đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Ông Phạm Thành Đạt - Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết, quán triệt phương châm "phòng là chính",  ngoài phương án huy động con người, công tác chuẩn bị vật tư, máy móc, phương tiện hỗ trợ đã được chuẩn bị cụ thể, chi tiết đến từng thôn bản, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tế khi vận hành phương án "4 tại chỗ" tại cơ sở. Đồng thời, sẵn sàng phương án bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Xác định đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết khi có thiên tai bão lũ xảy ra, thời điểm này, ngành y tế tỉnh cũng đã rà soát đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; cấp bổ sung kịp thời trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho tuyến y tế cơ sở; hướng dẫn chuyên môn, tập huấn cho cán bộ y tế các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong và sau thiên tai cho y tế tuyến xã trên toàn tỉnh.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các địa phương với phương châm "4 tại chỗ” và "3 sẵn sàng” cùng sự chủ động của người dân sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Đức Toàn

Tags Yên Bái ứng phó thiên tai bão lũ 4 tại chỗ

Các tin khác
12 giờ ngày 14/8, mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh tư liệu

Ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 5997/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang về việc mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang.

Mưa lớn làm sạt ta tuy dương, vùi lấp và làm sập 2 gian nhà khiến gia đình anh Đặng Tòn Líu - thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên phải di dời ngay trong đêm 30/7 vừa qua.

Từ đêm ngày 12 đến ngày 15/8/2024, tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn, có nơi trên 400mm, đặc biệt nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Thực hiện Công điện số 78/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã ký Công điện hỏa tốc số 09/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh.

Nhiều diện tích lúa của người dân ở huyện Văn Yên bị thiệt hại.

Do chịu ảnh hưởng của rìa phía Đông Nam vùng áp thấp phía Tây kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000m nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa rào, có nơi mưa to từ đêm 11/8 đến ngày 12/8. Bước đầu, mưa to đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của nhân dân tại một số địa phương trong tỉnh.

Thủy điện Hòa Bình đóng 3 cửa xả lũ trong hôm nay.

Sau gần một tuần mở 4 cửa xả lũ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 3 cửa xả lũ trong hôm nay (12/8).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục