Đổi thay từ Chương trình 135
- Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2010 | 1:56:06 PM
YBĐT - Chương trình 135 giai đoạn II ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) triển khai thực hiện tại 16 xã đặc biệt khó khăn (trong đó có 5 xã bổ sung và bắt đầu thực hiện vào năm 2008) cùng với 8 xã vùng II có thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Quá trình triển khai, ngoài việc dự án quy hoạch tổng thể có sự tham gia đóng góp ý kiến của các ngành thì kế hoạch đầu tư ở từng thôn, bản cũng có sự bàn bạc, tham gia góp ý kiến của người dân trước khi trình các cấp phê duyệt. Việc phân cấp quản lý chương trình được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai. Từ năm 2006 đến năm 2008, UBND huyện trực tiếp làm chủ đầu tư các hạng mục và năm 2009 phân cấp cho các xã đầu tư để các xã làm quen dần với cơ chế quản lý của Chương trình.
Đến hết năm 2009, có 24 xã được phân cấp làm chủ đầu tư, chủ yếu là các hạng mục như: xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II... Dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp xã thực hiện bảo đảm chức năng kiểm tra, giám sát, phối hợp thực hiện trong lập kế hoạch đầu tư, chuẩn bị đầu tư và quản lý công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng.
Trong bốn năm từ 2006 - 2009, tổng số vốn được phân bổ là trên 58,756 tỷ đồng, Chương trình đã thực hiện trên 58,580 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch. Với bốn hợp phần chính: xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo và nâng cao năng lực, hỗ trợ đời sống người dân, Chương trình đã xây dựng 104 công trình; mở trên 100 lớp đào tạo, tập huấn, thu hút hàng chục nghìn lượt người dân tham gia; hỗ trợ trên 28 tấn giống lúa, củ quả các loại, trên 110 nghìn con giống vật nuôi các loại, gần 345 tấn phân bón, trên 6.200 máy móc thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất; hỗ trợ kinh phí cho trên 3.300 học sinh là con hộ nghèo đi học.
Từ sự đầu tư đó, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc đã đổi thay rõ rệt. Tỷ lệ thôn, bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi nâng lên. Diện tích khai hoang ruộng nước, diện tích gieo cấy lúa hai vụ mở rộng, tập quán và kỹ thuật sản xuất của người dân chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa... Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã (số xã có thể đi lại trong bốn mùa chiếm tỷ lệ 65%); trên 80% thôn, bản có đường xe máy đến trung tâm xã (số thôn, bản có thể đi lại trong bốn mùa chiếm tỷ lệ 65%); các công trình thủy lợi bảo đảm tưới tiêu nước ổn định cho 75% diện tích ruộng nước. Và có trên 70% số dân được sử dụng nước sạch; đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực... Chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hàng năm từ 3% - 4%, đời sống của người dân từng bước cải thiện.
Chương trình 135 đã nhận được sự đồng thuận của các cấp từ huyện đến cơ sở và thu hút sự tham gia của người dân trong quá trình lập kế hoạch, ra quyết định, thực hiện và giám sát thực hiện các nội dung. Đến nay, Chương trình tiếp tục đẩy mạnh phân cấp theo hướng phát huy vai trò và tính chủ động của địa phương trong việc xây dựng và thực hiện, số xã làm chủ đầu tư một số hợp phần cơ bản đã đạt 100%. Qua quá trình trực tiếp quản lý, thực hiện, đội ngũ cán bộ xã có điều kiện nâng cao năng lực, trình độ, có kinh nghiệm để tham gia quản lý, giám sát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn.
Trạm Tấu: 17 công trình được đầu tư xây dựng từ Chương trình 30a 3 tháng đầu năm 2010, huyện Trạm Tấu tiếp tục khởi công xây dựng 17 công trình từ nguồn vốn chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ với tổng trị giá đầu tư gần 34 tỷ đồng. Trong đó có 4 công trình đường, tiến độ thi công đạt 35 - 50%; 8 công trình thủy lợi (3 công trình được bàn giao đưa vào sử dụng, còn lại tiến độ thi công đạt từ 50 - 80%); 2 công trình xây dựng trụ sở HĐND - UBND xã Làng Nhì và xã Tà Xi Láng, tiến độ thi công đạt 70%. Các công trình cấp nước sinh hoạt và san tạo mặt bằng đang tiếp tục được triển khai. Phương Thùy
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II trong thời gian qua trên địa bàn huyện còn những tồn tại nhất định. Do qui định mức hỗ trợ thấp nên dự án đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên dân tộc thiểu số nghèo khó tổ chức và chưa thu hút được học viên tham gia. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do nguồn vốn ít nên còn dàn trải, bình quân. Chính sách hỗ trợ học sinh nghèo học bán trú đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện ở cơ sở. Việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư dù đã triển khai đồng bộ tới tất cả các xã nhưng phần nhiều các xã chưa đủ trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của chủ đầu tư, huyện vẫn phải cử cán bộ làm giúp, cá biệt một số xã còn đề nghị trả lại huyện làm chủ đầu tư.
Sự phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã chưa tốt nên dẫn đến tình trạng thiếu định hướng trong việc lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp đưa vào sản xuất. Nhiều xã đặc biệt khó khăn và các xã vùng II có thôn bản, đặc biệt khó khăn được bổ sung thực hiện Chương trình muộn, thời gian thụ hưởng nguồn lực chỉ 2 - 3 năm, vì vậy khó hoàn thành mục tiêu của Chương trình vào năm 2010. Những xã có từ 5 thôn, bản đặc biệt khó khăn trở lên chỉ được đầu tư tối đa 4 thôn, bản, những thôn, bản còn lại không được cân đối vốn đầu tư của Chương trình, gây khó khăn cho UBND xã trong quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện...
Khắc phục được những khó khăn này, Chương trình 135 sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa, làm thay đổi diện mạo thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Thu hạnh
Các tin khác
Khu công nghệ cao được xây dựng trên diện tích 10,7 ha, tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, sản xuất các loại cây hoa giống chất lượng cao, tạo sản phẩm hoa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo thông tin từ ĐSQ Nhật Bản, trong năm tài chính 2009, nguồn vốn viện trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam là gần 2,6 triệu USD với 29 dự án, nâng tổng số dự án được viện trợ từ năm 1992 đến nay lên 382 dự án (tương đương 27,5 triệu USD).
Nếu được thông qua, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ đi vào vận hành từ năm 2035. Tổng chi phí đầu tư dự án trên 55,8 triệu USD.
Ngày 7-4, tại Hà Nội, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương. Báo cáo nhận định, tăng trưởng GDP thực tế của khu vực năm 2010 sẽ lên khoảng 8,7%, cao hơn gần 1% so với mức dự báo đưa ra tháng 11-2009.