Yên Bái đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo cho phụ nữ

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2023 | 7:46:05 AM

YênBái - Thực hiện tốt các chính sách xã hội, tạo điều kiện giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để ổn định đời sống, giảm bớt nguy cơ bị bạo lực, xâm hại… là nhiệm vụ mà đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm.

Phụ nữ xã Quang Minh, huyện Văn Yên phát triển chăn nuôi lợn thịt, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Phụ nữ xã Quang Minh, huyện Văn Yên phát triển chăn nuôi lợn thịt, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nghị định số 20 của Chính phủ quy định các chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. 

Trong đó, ngoài việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 lên 360.000 đồng/tháng, các địa phương trên trong tỉnh còn rà soát, hướng dẫn gần 6.000 đối tượng lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách trợ giúp xã hội (trong đó có trên 3.000 đối tượng là nữ). 

Đến năm 2023, toàn tỉnh có 30.278 đối tượng hưởng chính sách hàng tháng, trong đó có khoảng 19.000 đối tượng là nữ. Được biết, tổng kinh phí thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội năm 2022 là 185 tỷ đồng, trong đó số kinh phí chi cho các đối tượng bảo trợ xã hội là nữ khoảng 110 tỷ đồng. 

Phát huy cao vai trò trong hoạt động công tác hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai thực hiện được 32 khoản viện trợ đề án/dự án, trị giá gần 49 tỷ đồng, góp phần thực hiện các lĩnh nâng cao năng lực, quản lý cộng đồng, vệ sinh môi trường, sinh kế… giúp hàng ngàn phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.

Tuy việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ nghèo bằng cách chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách và thu được những kết quả quan trọng. 

Điển hình như trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi năm 2022, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay các nguồn tín dụng chính sách đối với 26.975 hộ với tổng doanh số cho vay trên 1.366 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng ưu đãi. Trong đó, số khách hàng vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 13.413 hộ với tổng số vốn cho vay trên 701 tỷ đồng. 

Trong thực hiện chính sách về bảo hiểm y tế, toàn tỉnh đã đóng hoặc hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho 392.894 đối tượng là người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn…với tổng kinh phí hỗ trợ 314,4 tỷ đồng. 

Trong chính sách hỗ trợ tiền điện, các địa phương trong tỉnh đã lập, thẩm định danh sách và chi trả trợ cấp tiền điện cho 44.082 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí khoảng 29,3 tỷ đồng. 

Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, học sinh thuộc các cơ sở giáo dục tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, học sinh là người khuyết tật với tổng số 115.708 lượt học sinh và tổng kinh phí thực hiện trên 353,03 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả kế hoạch điều động giáo viên đang công tác ở các xã thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có nguyện vọng và đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyển công tác về vùng thuận lợi, trong đó đã quan tâm và ưu tiên đối với 77 nữ giáo viên/tổng số 91 giáo viên được luân chuyển. 

Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh đã huy động các nguồn kinh phí xã hội hoá và xây dựng được 583 căn nhà cho các hộ nghèo trong tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo cả năm gần 13,8 tỷ đồng; các cơ quan đơn vị cấp huyện cũng triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ các hộ nghèo với tổng kinh phí đạt 5,97 tỷ đồng. 

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 25/2/2023 của Tỉnh ủy về việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững năm 2023, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã kết nối, huy động nguồn lực để triển khai giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo làm được 65 căn nhà; hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, cây con giống các loại, vật liệu xây dựng để sửa chữa nhà ở, chuồng trại…, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Cùng với các cấp, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh, đến nay, các cấp Hội Phụ nữ đã làm mới và sửa chữa được gần 200 nhà "Mái ấm tình thương” trị giá trên 5 tỷ đồng, vận động ủng hộ, tặng 18.852 suất quà trị giá trên 13,8 tỷ đồng cho hộ chính sách, có công với cách mạng, gia đình có người thân lên đường nhập ngũ, gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó... 

Bên cạnh đó, các tổ chức hội cơ sở còn đỡ đầu và trực tiếp nhận đỡ đầu 235 trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Nhờ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có gần 23.000 phụ nữ thoát khỏi tình trạng nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.

Thanh Hương

Tags Yên Bái giảm nghèo phụ nữ vốn hộ nghèo cán bộ

Các tin khác

Nội dung trao đổicủa ông Trần Việt Quý - Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái với phóng viên (PV) Báo Yên Bái về việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái (Dự án 5) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên hỗ trợ con giống cho hộ nghèo xã Phong Dụ Hạ phát triển kinh tế.

Với mục tiêu tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hưởng lợi từ các chương trình, dự án để vươn lên thoát nghèo, huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo “Chung tay giúp đỡ người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Người dân xã Minh An phát triển vùng trồng quế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là xã mới cán đích nông thôn mới từ đầu năm 2022, song xã Minh An, huyện Văn Chấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống và mức thu nhập bình quân chưa đồng đều, điều đó kéo theo tiêu chí số 11 về hộ nghèo rất dễ biến động.

Nhiều hộ dân vùng cao Mồ Dề phát triển nuôi dê tăng thu nhập.

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập không ổn định, những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất của các cấp, ngành; cấp ủy, chính quyền xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải đặc biệt chú trọng tạo sinh kế, việc làm, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục