Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 91% dân số, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Có được kết quả giảm tỉ lệ hộ nghèo trên 8,44%, trước tiên là nhờ huyện đã đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững, đặt hộ nghèo, người nghèo vào vị trí chủ thể của hoạt động giảm nghèo, lấy sự phát triển của người nghèo, hộ nghèo làm trung tâm trong các chương trình, dự án giảm nghèo.
Cùng với đó là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động để khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng...
Các chính sách giảm nghèo được chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là đối với các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở… Cùng với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân…
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện Mù Cang Chải đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả. Hàng năm, Huyện ủy đã ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở với phương châm đảm bảo "4 rõ" ( rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ thời gian thực hiện).
Quan điểm thực hiện của huyện là "không để sót người, sót việc”; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách đến tận bản, tổ dân phố để nắm tình hình và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.
Cùng đó, hàng năm, Huyện ủy ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình giảm nghèo trên địa bàn, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong triển khai thực hiện; quy định cụ thể các chỉ tiêu theo dõi, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo đối với cấp huyện, cấp cơ sở; chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả.
Việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo được thực hiện đầy đủ và kịp thời và lồng ghép huy động các nguồn lực khác để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đảm bảo đúng, đủ theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan theo từng nội dung của chương trình.
Phân công các tổ công tác trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo đến tận bản, tổ dân phố và từng hộ nghèo tại các xã, thị trấn kết hợp với thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân”. Tăng cường nguồn lực và nâng cao tính bền vững của hoạt động, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, hỗ trợ người dân thoát nghèo.
Huyện cũng đồng thời, rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng xã, thị trấn, từng bản, nhất là với các bản phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới để phân nhóm và có chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nguồn lực từ cộng đồng cho công tác giảm nghèo.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, dự án tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch phù hợp với từng xã, thị trấn; các mô hình tổ hợp tác hoặc tổ tự quản giảm nghèo; tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, du lịch, dược liệu, thương mại, dịch vụ trên địa bàn để giải quyết việc làm cho người dân.
Xây dựng kế hoạch thống kê, rà soát nguồn lao động, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn để các cơ sở dạy nghề trong, ngoài huyện tổ chức đào tạo nghề và tư vấn, tuyên truyền, giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động vào làm việc hoặc xuất khẩu lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động. Đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch của huyện.
Đồng thời, huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh được phân công phụ trách, giúp đỡ các xã trên địa bàn, trực tiếp xuống các hộ dân để nắm bắt tình hình, điều kiện kinh tế của từng hộ để đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người nghèo thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo...
Quang Tuấn