Sinh viên đại học đầu tiên ở bản Giạng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đó là em Nông Thị Hành, dân tộc Tày, con gái ông Nông Văn Đình và bà Hoàng Thị Liệt ở bản Giạng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy, từ nhỏ tới lúc cắp sách vào giảng đường đại học, Nông Thị Hành chưa một lần ra tới thành phố. Cả nhà em quanh năm làm lụng vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” trên vài sào ruộng với đủ các loại cây trồng từ lúa ngô đến khoai sắn, vậy mà cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn.

Ngay từ nhỏ, cả 4 chị em Hành đã thừa hưởng truyền thống của một gia đình cần cù lao động nên các em đều ham học, ham làm. Chẳng thế mà ngay từ lúc lên 8 tuổi cháu nào cũng đã biết giúp mẹ nấu cơm, chị Hoàng Thị Liệt – mẹ của cháu Hành nói với chúng tôi như vậy.

Chị Liệt còn cho biết, việc đi lấy củi của các cháu ở bản Giạng giống như một phong trào thi đua, cứ vào những tháng giáp tết các cháu đi học 1 buổi còn 1 buổi học sinh cả bản rủ nhau đi lấy củi vui như trẩy hội. Chị em Hành không những lấy củi đủ dùng cho gia đình mà còn dành dụm một phần bán lấy tiền mua giấy bút phục vụ học tập.

Với giọng nói vui vẻ đầy tự hào, ông Nông Văn Đình cho biết, cách đây 4 năm người con gái đầu lòng của ông bà đã tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, nay đang công tác ở Trạm Khuyến nông Lục Yên. Người con thứ 2 cũng là con trai duy nhất trong gia đình sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã đi học nghề, nay làm thợ kỹ thuật trong một cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng tại huyện. Nông Thị Hành là con thứ 3 năm ngoái học hết phổ thông, đi thi đại học một lần là trúng tuyển, nay cháu học năm thứ nhất Trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên. Người con gái út của ông bà học lớp 11 Trường THPT Hoàng Văn Thụ, đang đặt ra cho mình mục tiêu thi tốt nghiệp THPT và thi đỗ đại học chỉ 1 lần là trúng tuyển như chị gái với ước mơ sẽ trở thành “kỹ sư tâm hồn”.

Trở lại với sự học của người nữ sinh ở bản Giạng. Các cụ cao tuổi nói rằng cách đây 40 năm bản Giạng cũng đã có 2 người đi học đại học, nhưng đó là thời bao cấp, việc thi cử và kinh phí cho học tập chưa phải là thách thức lớn lắm. Từ đó tới nay tuy năm nào cũng có em đi học chuyên nghiệp hoặc học nghề nhưng chưa ai học tới bậc đại học, Nông Thị Hành là sinh viên đầu tiên của bản trong thời kỳ đổi mới.
Vui là thế, tự hào là thế, nhưng nói đến chuyện nuôi con ăn học, ông Đình và bà Liệt cũng không khỏi suy tư. Nào con gái xa nhà, nào là đường sá xa xôi, tàu xe cách trở, nào là tác động của những mặt trái xã hội...

Nhưng theo ông bà, cái đáng lo hơn cả vẫn là cơn lốc giá cả. Mặt dù Chính phủ đã có chính sách cho sinh viên vay tiền, nhưng với tốc độ phi mã của giá tiêu dùng, cùng với những thay đổi về chính sách học phí thì những sản phẩm chắt chiu từ lúa ngô, lợn gà của nhà nông sẽ chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu chi tiêu cho học tập của sinh viên. Và cũng vì thế dù đã ở tuổi quá nửa đời người, ông Đình bà Liệt vẫn cần mẫn với ruộng vườn, chuồng trại, quyết vắt đất ra chữ giúp con cái mình học hành thành đạt. Một gia đình nông dân ở thôn quê, chỉ bằng lao động sản xuất thuần nông mà nuôi được 4 con học hành, có nghề nghiệp ổn định như ông Đình và bà Liệt không phải là nhiều.

Một nữ sinh dân tộc Tày trở thành sinh viên đầu tiên và duy nhất ở một bản có tới gần 60 nóc nhà. Điều đó thật đáng tự hào! Niềm tự hào này không chỉ của riêng gia đình, dòng họ mà còn là niềm vui chung của cả bản, xứng đáng là tấm gương để lớp trẻ vùng cao học tập, noi theo.

Bùi Văn Tòng

Các tin khác
Hiệu trưởng 8X Phan Thanh Dũng (hàng sau, thứ 2 từ phải qua)

26 tuổi, chàng trai miền cát trắng Quảng Bình Phan Thanh Dũng hiện đang là người “chèo lái” của ngôi trường chuyên biệt Tương Lai dành cho trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ trực thuộc Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên - Huế...

Hải Ly rất yêu trẻ.

Mới 20 tuổi, nhưng Nguyễn Hải Ly đã chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ của ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ.

Anh Hải bóc quế tại trang trại.

YBĐT - Tôi đã một phen hú vía khi vào thăm trang trại của anh với con đường đất ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, toàn dốc cao và dựng đứng. Ấy vậy mà với “con ngựa sắt" Loncin, chàng thanh niên dáng người dong dỏng, nước da ngăm đen ấy vẫn ngày đêm lên chăm sóc đồi quế.

Thanh niên tình nguyện giúp dân dựng nhà.
(Ảnh: C.T.V)

YBĐT - Với trên 23.700 đoàn viên, thanh niên, Huyện Đoàn Văn Chấn (Yên Bái) đã phát huy sức mạnh tập hợp đoàn kết tuổi trẻ, xây dựng và triển khai các phong trào thi đua rộng khắp, góp phần xây dựng quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục