Người lập môn võ mới ở Ba Bể (Bắc Kạn)

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/2/2008 | 12:00:00 AM

Dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm bằng được - đó là câu chuyện về người thanh niên một mình đạp xe đạp từ Bắc Kạn sang Trung Quốc để học hỏi những môn phái võ. Từ những kinh nghiệm học được, chàng thanh niên đó đã xây dựng thành công một môn võ mới mang tên Hồ Việt Quyền. Chàng trai trẻ tuổi đó là Lê Hồng Thủy (25 tuổi) tại xã miền núi Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Lê Hồng Thủy đang hướng dẫn các môn sinh tập Hồ Việt Quyền.
Lê Hồng Thủy đang hướng dẫn các môn sinh tập Hồ Việt Quyền.

Trong gia đình, cả bố và mẹ không ai theo nghiệp võ nhưng Lê Hồng Thủy lại say mê võ thuật từ nhỏ. Khi 15 tuổi, Thủy được xem băng tư liệu Bác Hồ luyện Thái cực quyền. Từ đó, Thủy bị ảnh hưởng rất nhiều từ hình ảnh, phong thái của Bác. Thủy nghĩ, quê mình có hồ Ba Bể tại sao không sáng tạo ra một môn võ mang hồn cốt, sóng nước Ba Bể.

Ba bó củi, một chiếc xe đạp sang Trung Quốc học võ

Để có thể thực hiện được ước mơ của mình, sau khi tốt nghiệp cấp 3, lúc đó mới 18 tuổi, Thủy đã giấu cha mẹ, đạp xe sang tận Trung Quốc. Khi đi, số tiền Thủy mang theo chỉ là số tiền bán được từ ba bó củi. Đến Trung Quốc, số tiền ít ỏi cũng hết. Đã từng làm quét nhà, rửa bát cho quán phở, ngủ vỉa hè… Thủy không muốn nói nhiều về những ngày gian khó ấy.

Sang Trung Quốc, niềm đam mê võ thuật đã dẫn Thủy đến với thầy Vương Thụy Đình, một truyền nhân nổi tiếng của phái Võ Đang tỉnh Quảng Đông. Và câu chuyện đầu tiên cũng là câu chuyện mà Thủy vẫn nhớ như in.

Thủy xin thầy học võ thì được thầy rót trà mời. Đi đường xa, vừa đói, vừa khát nhưng nếu uống luôn sẽ là người không biết phép tắc lễ nghĩa. Vì lẽ đó, chén trà đầu tiên thầy rót, Thủy kính cẩn nâng ngang mày và dâng lên sư tổ. Chén thứ hai, Thủy mời thầy và nói: "Niềm ham mê võ thuật đã dẫn con đến gặp thầy. Con kính thầy chén trà!". Thầy nói một câu mà Thủy nhớ mãi: "Cái đạo của con như thế đủ để con học hết sở học của ta".

Tuy nhiên, mục đích của Thủy là sang Trung Quốc để học hỏi, tham khảo các môn phái võ rồi quay về Việt Nam thành lập môn võ mới. Chính vì vậy, học một năm tại võ đường của thầy Thụy Đình, Thủy lại tiếp tục hành trình của mình đến chùa Thiếu Lâm ở núi Tung Sơn.

Trở về Việt Nam, Thủy lại lặn lội vào tận Bình Định, cái nôi của võ thuật Việt Nam rồi ngược ra học ở Hội Võ thuật Hà Nội lấy bằng huấn luyện viên võ thuật cổ truyền để có đủ điều kiện dạy võ.

Hồ Việt Quyền - hồn cốt sóng nước Ba Bể

Trở về quê hương, Thủy nhận công tác tại Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Bắc Kạn, làm huấn luyện viên Pencak silat của tỉnh. Nhưng rồi, với ước mơ từ nhỏ là lập đươc một môn võ, Thủy đã quyết định rẽ ngang.

Ngay sau khi nghỉ việc, Thủy lập ra môn võ mới mang tên Hồ Việt Quyền viết tắt là Babeki tức Ba Bể khí. Thủy xin phép mở lớp tập võ tại xã Hà Hiệu và thị trấn Chợ Rã. Đến nay, Hồ Việt Quyền đã thu hút hàng trăm cụ già tham gia tập dưới hình thức Thái cực quyền. Còn các lớp võ thuật của Thủy có hàng nghìn môn sinh tham gia luyện tập.

Hội xuân Ba Bể năm 2004 là năm đầu tiên Thủy đưa học trò tham gia biểu diễn võ thuật. Nhiều màn biểu diễn võ thuật kỳ công đầy sức hấp dẫn như đóng đinh vào người không chảy máu, chống giáo cuốn thép vào cổ…

Ngoài ra còn các tiết mục võ thuật đặc sắc khác. Từ đó, năm nào Thủy và các môn sinh cũng tham gia biểu diễn võ thuật tại Hội xuân Ba Bể. Hồ Việt Quyền  được Sở Thể dục - Thể thao tỉnh thẩm định là môn võ chính thống của tỉnh Bắc Kạn, thu hút hàng nghìn người tại tỉnh Bắc Kạn tham gia.

Chị Trần Thị Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Ba Bể đánh giá cao hoạt động của Lê Hồng Thủy, khẳng định môn võ Hồ Việt Quyền được nhiều bà con theo học để rèn luyện sức khỏe, huyện luôn tạo điều kiện ủng hộ anh Thủy.

Thủy tâm sự: "Từ học võ đến phát triển kinh tế, mình cũng luôn lấy căn bản khoa học từ sách". Đã nói thông thạo tiếng Trung, hiện nay, Thủy còn tự học tiếng Anh. "Mình đã lập kế hoạch và xin giấy phép của UBND tỉnh để xây dựng một trang trại, về sau sẽ phát triển thành mô hình du lịch sinh thái". Với ý chí, quyết tâm, tôi tin Lê Hồng Thủy sẽ thành công.

(Theo CAND)

Các tin khác
Nguyễn Mạnh Hùng bên cạnh bộ cờ vua do ba tự tay làm cho.

Nguyễn Mạnh Hùng - Trường Đại học Văn Hiến TP.HCM là một sinh viên khiếm thị nhưng học giỏi và có nhiều biệt tài. Điều dễ nhận ra trên gương mặt của Hùng khi tiếp xúc chính là sự hài hước, dí dỏm - biểu hiện của sự lạc quan, yêu đời.

YBĐT - Đó là em Nông Thị Hành, dân tộc Tày, con gái ông Nông Văn Đình và bà Hoàng Thị Liệt ở bản Giạng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy, từ nhỏ tới lúc cắp sách vào giảng đường đại học, Nông Thị Hành chưa một lần ra tới thành phố. Cả nhà em quanh năm làm lụng vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” trên vài sào ruộng với đủ các loại cây trồng từ lúa ngô đến khoai sắn, vậy mà cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn.

Hiệu trưởng 8X Phan Thanh Dũng (hàng sau, thứ 2 từ phải qua)

26 tuổi, chàng trai miền cát trắng Quảng Bình Phan Thanh Dũng hiện đang là người “chèo lái” của ngôi trường chuyên biệt Tương Lai dành cho trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ trực thuộc Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên - Huế...

Hải Ly rất yêu trẻ.

Mới 20 tuổi, nhưng Nguyễn Hải Ly đã chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ của ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục