Chàng sinh viên vượt lên số phận

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Gia đình Hà Việt Hòa ở tận cuối thôn Văn Thi 3, xã Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn). Lúc mới sinh, cậu bé Hòa đã bị teo chân phải. Bố mẹ nghĩ xót thương cho cậu. Lành lặn như bốn anh chị của Hòa ở xóm nghèo này làm chưa chắc đã đủ ăn, huống hồ một người tật nguyền như cậu, đi còn không vững. Số phận của Hòa tưởng như đã được định đoạt ngay từ khi cậu cất tiếng khóc chào đời. Nhưng dù phải đi khó nhọc từng bước, cậu bé Hòa vẫn chăm học.

Hà Việt Hòa chụp ảnh cùng cháu gái.
Hà Việt Hòa chụp ảnh cùng cháu gái.

Nhà xa trường 4km, ngày nào Hòa cũng khập khiễng đến trường. Khi trời mưa đường trơn, tay cậu phải chống gậy, còn “cặp sách” là chiếc túi đựng cám cò, cậu phải nhờ bạn bè mang hộ. Các bạn cùng trang lứa ở thôn bản và các anh, chị của Hòa học hết cấp I, cấp II là dần thôi học. Thấy Hòa chăm học, lại học khá hơn các anh chị của mình, bố mẹ và anh chị động viên cậu cố gắng học để sau này kiếm lấy một cái nghề mà sống. Không phụ công bố mẹ, Hòa học ngày, học đêm, quyết tâm thi đỗ vào đại học, tự mình đứng lên trên đôi chân để không trở thành gánh nặng cho gia đình... Thế rồi kỳ thi năm 2006, Hòa đã trúng tuyển vào Trường đại học Luật Hà Nội.

Khi giấy gọi của trường được chuyển đến thôn, đây được coi là một sự kiện, vì Hòa là người đầu tiên của bản thi vào đỗ đại học. Cả bản đến chúc mừng, chia vui với gia đình. Cầm giấy gọi của trường đại học cả nhà vừa mừng, vừa lo. Mừng vì Hòa đã hoàn thành ước nguyện của bản thân, vì từ nay cậu sẽ có một cuộc sống mới, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, sau này không phải như bố mẹ chạy ăn từng bữa nữa. Nhưng buồn vì gia đình quá nghèo, không có ruộng, chỉ trông vào mấy mảnh nương, khi thì tra ngô, lúc thì trồng sắn; lúc hết vụ thì đi nhặt củi bán mới đủ gạo ăn, biết lấy gì chu cấp cho cậu mấy năm ăn học ở tận Hà Nội...

Giờ đây Hòa đã học năm thứ 2 Đại học Luật Hà Nội. Gia đình nghèo không có tiền mua sách để học, các bạn quý Hòa thường cho mượn sách để học và đến thư viện để đọc sách. Ban ngày, ngoài thời gian học, cậu phải đi bán báo, rồi đi làm gia sư kiếm thêm tiền cùng với khoản tiền ít ỏi của gia đình gửi để sinh hoạt hàng ngày. Học được nửa năm thì bố của Hòa qua đời. Người trụ cột trong gia đình không còn, nhà đã nghèo càng thêm khó khăn. Không có tiền gửi cho Hòa ăn học, để giúp cậu chuyên tâm vào học hành, không còn cách nào khác, mẹ đành phải cho người chị gái của Hòa xuống Hà Nội làm thuê làm mướn, vừa nuôi mình vừa nuôi em ăn học. Bà chỉ mong khi hai chị em trở về, Hòa cầm tấm bằng đại học ra mộ cha thắp hương cho bố - đó là lời trăng trối cuối cùng của bố cậu lúc hấp hối.

Cậu sinh viên khuyết tật lại chăm học, ngoan ngoãn được thầy cô và bạn bè quý mến. Ở trường Hòa học khá tất cả các môn, riêng môn thể chất thì được ưu tiên. Gặp Hòa, khi cậu về ăn tết với gia đình, Hòa cho biết: “Em nghĩ là mình cố gắng học để khỏi phụ công bố mẹ. Học thật tốt để sau này trở về Văn Chấn đem những gì đã học được ra phục vụ nhân dân.

Ý chí của một người tàn tật như Hòa, khiến nhiều người khâm phục.

Nguyễn Xuân Tình

Các tin khác
Tiến sỹ Trần Văn Thuấn

Ở tuổi 37, Tiến sỹ, bác sĩ Trần Văn Thuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư (Bệnh viện K) vừa được nhận danh hiệu Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2008.

Lê Hồng Thủy đang hướng dẫn các môn sinh tập Hồ Việt Quyền.

Dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm bằng được - đó là câu chuyện về người thanh niên một mình đạp xe đạp từ Bắc Kạn sang Trung Quốc để học hỏi những môn phái võ. Từ những kinh nghiệm học được, chàng thanh niên đó đã xây dựng thành công một môn võ mới mang tên Hồ Việt Quyền. Chàng trai trẻ tuổi đó là Lê Hồng Thủy (25 tuổi) tại xã miền núi Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Nguyễn Mạnh Hùng bên cạnh bộ cờ vua do ba tự tay làm cho.

Nguyễn Mạnh Hùng - Trường Đại học Văn Hiến TP.HCM là một sinh viên khiếm thị nhưng học giỏi và có nhiều biệt tài. Điều dễ nhận ra trên gương mặt của Hùng khi tiếp xúc chính là sự hài hước, dí dỏm - biểu hiện của sự lạc quan, yêu đời.

YBĐT - Đó là em Nông Thị Hành, dân tộc Tày, con gái ông Nông Văn Đình và bà Hoàng Thị Liệt ở bản Giạng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy, từ nhỏ tới lúc cắp sách vào giảng đường đại học, Nông Thị Hành chưa một lần ra tới thành phố. Cả nhà em quanh năm làm lụng vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” trên vài sào ruộng với đủ các loại cây trồng từ lúa ngô đến khoai sắn, vậy mà cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục