Bùi Thế Duy - Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/11/2009 | 12:00:00 AM

Đó là Bùi Thế Duy, chủ nhiệm Khoa CNTT, ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), 31 tuổi. Anh là giảng viên trẻ nhất được công nhận chức danh phó giáo sư (PGS) trong đợt phong học hàm năm 2009, đồng thời cũng là PGS trẻ nhất từ trước đến nay.

Trước đó, trong đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2007, có 2 PGS trẻ nhất được nhận học hàm này là Trần Hoài Linh, giảng viên khoa Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội và Nguyễn Quang Diệu, giảng viên khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, cùng 34 tuổi ở thời điểm được phong.

 

Tin vui này có lẽ không gây bất ngờ nhiều đối với những ai đã biết về Bùi Thế Duy. Sinh năm 1978 tại Hà Nội, Bùi Thế Duy không hề là cái tên xa lạ với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên hay những người hoạt động trong ngành Công nghệ Thông tin.

 

Nổi tiếng ngang… Lê Lai, Lê Lợi


Bùi Thế Duy là cựu học sinh Khối chuyên Toán – Tin, ĐH Tổng hợp (nay là Khối THPT chuyên Toán – Tin ĐH Quốc gia Hà Nội) - một địa chỉ nổi tiếng về đào tạo học sinh thi Olympic quốc tế, đặc biệt trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà việc thi HSG quốc tế rất được chú ý.
 

Ảnh minh họa

Bùi Thế Duy (đầu tiên từ phải sang), cùng đoàn Việt Nam dự Olympic Tin học quốc tế tại Hungary năm 1996 (khi ấy anh học lớp 12)


Đây cũng là nơi xuất thân của nhiều nhà khoa học trẻ hiện đang là những cái tên triển vọng nhất nhì trong giới nghiên cứu trẻ của Việt Nam. Có thể kể đến Đàm Thanh Sơn (2 lần HCV Olympic Toán quốc tế) hiện là GS Vật lý tại ĐH Washington, Mỹ; Ngô Bảo Châu (2 lần HCV Olympic Toán quốc tế) hiện đang là GS Toán tại ĐH Paris 11, Pháp, người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Toán học Clay.

 

Hoặc ở tầm trẻ hơn là Ngô Đắc Tuấn (điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế), từng tốt nghiệp á khoa ĐH Bách Khoa Paris, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, hay Đỗ Quốc Anh (điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế), hiện đang làm giảng viên tại ĐH Quốc gia Singapore…

 

Năm 1996, khi là học sinh lớp 12, Bùi Thế Duy từng đoạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Tin học toàn quốc. Cùng năm, anh là 1 trong 6 thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Tin học quốc tế (IOI) tại Hungary và anh đã dành được Huy chương Đồng.

 

Không phải chỉ đến khi đạt được những thành tích này, Bùi Thế Duy mới được nhiều người biết đến. Từ khi còn là cậu học trò chuyên Toán, trường THCS Bế Văn Đàn, anh đã thường xuyên được các thầy cô mang ra làm “ví dụ” để làm gương cho lớp đàn em.

 

Một cựu học sinh chuyên Toán trường này ở thế hệ sau kể về ấn tượng này trong một câu chuyện giữa học sinh các khối chuyên Tổng hợp: “Hồi ấy, các thầy cô suốt ngày nói về bác Đỗ (Quốc Anh) và Bùi (Thế Duy) đến mức bọn em thuộc lòng tiểu sử của 2 bác hơn tiểu sử Lê Lai, Lê Lợi”…

 

Chủ nhiệm khoa ở tuổi 31


Ảnh minh họa

Ở tuổi 31, Bùi Thế Duy là PGS trẻ nhất Việt Nam từ trước đến nay và là 1 trong những chủ nhiệm khoa trẻ nhất nước.

Với những thành tích thời phổ thông, năm 1996, Bùi Thế Duy được tuyển thẳng vào ĐHQG Hà Nội. Hơn 1 năm sau đó, anh sang du học ở Australia theo học bổng toàn phần của Chính phủ nước này. Trong những năm tháng xa nhà ở xứ sở kanguru, anh luôn duy trì được sức học tốt và chỉ mất 3 năm để có bằng cử nhân của ĐH ĐH Wollongong.Năm 2001, anh tiếp tục theo học nghiên cứu sinh tại ĐH Twente, Hà Lan và cũng chỉ mất 3 năm để hoàn thành bằng tiến sỹ.

Ở tuổi 26, trước ngưỡng cửa cuộc đời với nhiều
lựa chọn rộng mở, khác với nhiều du học sinh xác định lập nghiệp nơi xứ người hay định hướng làm việc một thời gian nhất định tại nước ngoài trước khi hồi hương, Bùi Thế Duy về nước ngay để làm giảng viên tại Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội).

 

Chia sẻ về chọn lựa này, anh cho biết, làm giảng viên ở Việt Nam có thể thua thiệt một chút so với những cơ hội khác nhưng được gần gia đình và anh cũng mong có thể đóng góp một phần cho quê hương. Và chỉ chưa đầy 5 năm sau đó, những gì anh làm được chứng tỏ đó là một sự lựa chọn đúng hướng.

 

Những bước tiến của Bùi Thế Duy trong nghề nghiệp có thể là sự khích lệ lớn với những giảng viên trẻ. Năm 2006, anh là phó chủ nhiệm bộ môn Mạng, Khoa CNTT, ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội). Năm 2008 làm trưởng Phòng thí nghiệm tương tác người - máy (tương đương chủ nhiệm bộ môn). Đầu năm 2009, anh được bổ nhiệm làm chủ nhiệm khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Công nghệ và hiện tại là một trong những chủ nhiệm khoa trẻ nhất tại các trường ĐH trong nước.

 

Mong muốn kết nối tài năng trẻ

 

Là một giảng viên trẻ, Bùi Thế Duy đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học và đào tạo học trò cũng như đóng góp vào sự phát triển của CNTT nước nhà. Anh đã có 35 bài báo khoa học, trong đó nhiều bài tham dự các hội thảo quốc tế và được đăng trên các tạp chí quốc tế.

 

Ảnh minh họa

 Bùi Thế Duy (áo đen) cùng các học trò tại cuộc thi ACM/ICPC quốc tế năm 2007


Nhiều đề tài nghiên cứu của anh có tính ứng dụng cao, như đề tài cấp Bộ “Xây dựng các khuôn mặt nói tiếng Việt phục vụ cho tương tác người – máy” năm 2005 – 2006 mà anh chủ trì được nghiệm thu xuất sắc, hay đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị giám sát tình trạng bệnh nhân” năm 2006 của Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội.

 

Đặc biệt, Bùi Thế Duy còn được biết đến với vai trò một người thầy trẻ nhiều kinh nghiệm và thành tích trong việc bồi dưỡng, đào tạo sinh viên. Anh đã 3 lần liên tiếp là huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC, trong đó có đội Chicken dành giải Nhất vòng loại châu Á năm 2007, đội Dragon Coders tham dự vòng chung kết toàn cầu năm 2008, đội The Last Chance cũng đạt thành tích này năm 2009.

 

Không chỉ có bề dày thành tích trong profile khoa học, Bùi Thế Duy đã nhận được nhiều giải thưởng cấp quốc gia dành cho thanh niên. Anh là 1 trong 7 người trẻ nhận giải thưởng Qủa cầu Vàng năm 2006 do Trung Ương Đoàn trao tặng cho các thanh niên có đóng góp xàast sắc trong ngành CNTT.

 

Tại Đại hội tài năng trẻ toàn quốc năm 2009 vừa qua, Bùi Thế Duy cũng gây ấn tượng với nhiều ý kiến đóng góp tích cực. Một trong những mong muốn của “tài năng trẻ” này là kết nối trí thức trong và ngoài nước. “Nếu mình là một người giỏi trong một tập thể giỏi sẽ tự hào hơn" - anh tâm sự.

 

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Ông Cháng A Sai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của hộ nghèo trên địa bàn.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Trấn Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống , góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,75%.

UBND huyện Văn Yên hỗ trợ lợn giống cho các hộ nghèo thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp.

Tiếp nối nhiều cách làm sáng tạo đã thực hiện thời gian qua, năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo”, hướng tới xã không còn hộ nghèo để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên và UBND xã Quy Mông tham quan mô hình kinh tế của bà Phùng Thị Ý.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê núi của anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông và 2 thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã đề ra những giải pháp cụ thể. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục