Sản xuất chuyên canh để xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/6/2014 | 8:48:05 AM

YBĐT - Một trong những mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống và thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh có sự chuyển dịch theo xu hướng tăng dần diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, hàng hóa cao.

Xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đã bước đầu hình thành vùng sản xuất rau tập trung.
Ảnh: Linh Chi
Xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đã bước đầu hình thành vùng sản xuất rau tập trung. Ảnh: Linh Chi

Việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống được thực hiện ngày càng rộng rãi và dần trở thành tập quán sản xuất, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp muốn phát triển hiệu quả, bền vững đòi hỏi phải nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Để thực hiện được vấn đề này, đối với nông nghiệp của tỉnh, việc quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, áp dụng kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua, nhiều địa phương chưa điều chỉnh quy hoạch sản xuất nên thiếu căn cứ để các xã xây dựng đề án sản xuất theo lợi thế vùng.

Trong thực tiễn sản xuất, nông dân các địa phương trong tỉnh đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đáp ứng yêu cầu của thị trường. Một số vùng sản xuất hàng hóa đã được hình thành và đạt hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình sản xuất lúa chất lượng quy mô 50ha tại huyện Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ; mô hình dâu tằm tơ tại xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên)…

Ngoài ra, đã xây dựng được hàng chục mô hình phát triển sản xuất có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đảm bảo sản xuất hàng hóa ổn định, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nông thôn như mô hình trồng tre măng Bát Độ, mô hình trồng ớt tại xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái)…

Việc phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa là phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của từng địa phương, đã phát huy được lợi thế của từng vùng. Tuy nhiên, do quy mô vùng nhỏ nên số lượng một số loại sản phẩm ở một số địa phương nhất định cũng không đủ nhiều để phát triển công nghiệp chế biến. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất hàng hóa không đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất quy mô lớn.

Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm khó đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là những điểm yếu lớn, làm giảm tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường tiêu thụ và khi tham gia xuất khẩu. Những hạn chế đó phần lớn nguyên nhân do ruộng đất quá manh mún, công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 (khóa XVII), Tỉnh ủy đã bàn thảo, xây dựng Nghị quyết về “Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp, chuyên canh, tập trung theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất” với nhiệm vụ cụ thể là phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung theo hướng công nghệ cao. Các địa phương, theo đó, trên cơ sở đặc điểm kinh tế, đất đai xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với tình hình thực tiễn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với sản xuất lúa, Yên Bái sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa hàng hóa chất lượng cao khoảng 4.000ha ở Mường Lò; Đại Phú An, Đông Cuông (Văn Yên); Mường Lai, Minh Xuân (Lục Yên) và vùng sản xuất lúa đặc sản nếp Tú Lệ (Văn Chấn). Đối với cây ăn quả, xây dựng vùng cây ăn quả đặc sản khoảng 8.000ha vào năm 2020 tập trung ở vùng bưởi Khả Lĩnh (xã Đại Minh, Hán Đà, Yên Bình); vùng cam, quýt ở huyện Văn Chấn, Lục Yên...; đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết, ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất, khuyến khích xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong cả nước.

Đối với cây chè, đầu tư, cải tạo, trồng thay thế diện tích chè cũ bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, trong đó riêng phát triển vùng sản xuất chè đen chuyên canh tập trung khoảng 1.000ha tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn) và huyện Yên Bình, đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu an toàn theo quy trình VietGap; phát triển vùng sản xuất chè xanh khoảng 700ha tại xã Suối Giàng (Văn Chấn), xã Bảo Hưng (Trấn Yên); đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, khuyến khích các cơ sở thu mua chè sạch chế biến tốt, phục vụ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tăng sản lượng xuất khẩu ra nước ngoài.

Đối với vùng sản xuất rau an toàn, khuyến khích người dân, các doanh nghiệp đầu tư vùng sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm  với diện tích khoảng 100ha, trồng tập trung tại thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ; lựa chọn các loại cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai và đáp ứng với thị trường tiêu thụ.

Trong chăn nuôi thủy sản, cần đầu tư thâm canh vùng nuôi trồng tập trung, tận dụng diện tích mặt nước hồ chứa để kết hợp nuôi thủy sản tăng nhanh năng suất, chất lượng, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh; khuyến khích bà con nuôi cá bằng lưới quây, đăng chắn, lồng trên các đầm hồ; đồng thời quảng bá, xây dựng thương hiệu tiến tới cung cấp cho các siêu thị của các thành phố lớn trong nước…

Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, mỗi địa phương phải tìm ra nền tảng cốt yếu và các đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện tại địa phương, việc tái cơ cấu ngành phải gắn với đảm bảo an ninh lương thực, thực hiện cơ giới hóa, áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững các sản phẩm chính như chè, quế, cây nguyên liệu gỗ rừng trồng, tre măng Bát Độ… Ngoài xác định phát triển sản xuất các cây con chủ lực mang tính đột phá, các địa phương cần thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp phụ trợ”.

Thời gian tới, để xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa mang tính ổn định, bền vững, các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề: thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất, áp dụng thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất… Đây là giải pháp cơ bản để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

Quang Thiều

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

100% tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Hòa Cuông hiện đã được bê tông hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên thêm hân hoan khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao đã cán đích thành công.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc (CSHP) cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục