Lâm Thượng: Gần lại đường “vào” nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/6/2014 | 8:32:23 AM

YBĐT - Đến xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên) những ngày này, ai cũng dễ dàng cảm nhận được không khí phong trào làm đường sôi nổi của người dân nơi đây. Không vắng hộ nào, chỉ cần thông báo là tất cả cùng ra đường, phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới (NTM) đã mặc nhiên là việc của mỗi người dân.

Đồng bào Tày xã Lâm Thượng tham gia làm đường giao thông.
Đồng bào Tày xã Lâm Thượng tham gia làm đường giao thông.

Ba năm trước, công cuộc xây dựng NTM được khẩn trương triển khai ở Lâm Thượng - một địa phương có 97% là người Tày, còn lại là người Kinh, người Dao và một số  dân tộc thiểu số khác. Được chọn là xã làm điểm với mục tiêu hoàn thành cơ bản các tiêu chí vào năm 2015 có lẽ dựa vào đặc điểm tự nhiên, xã hội; người dân thuần phác và địa bàn khá bình yên.

Sự vào cuộc khẩn trương của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị nên công tác quy hoạch đã sớm hoàn thành. Việc “đả thông” tinh thần của công cuộc xây dựng NTM được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều hình thức. Nhờ đó sớm “thông” từ cấp ủy, chính quyền đến đoàn thể, thôn bản, cuối cùng là mỗi người dân. Giờ thì ai cũng đã hiểu xây dựng NTM là việc của mỗi người dân, của mỗi gia đình và chính họ là người quyết định. Thế nên, phong trào hiến đất, đóng góp công sức san gạt mặt bằng, khai thác cát sỏi, tham gia đổ bê tông các công trình giao thông, thủy lợi, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, giữ gìn vốn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần đã lan rộng trong mỗi thôn, bản. Lúc đầu các cụ già có ý kiến ăn còn không đủ sao lại cắt đất vườn nhà, giờ nhận thức rõ hơn lợi ích thì tích cực hiến đất thực hiện. Người dân chặt bỏ cây ăn quả, phá cả hàng rào, xây lùi vườn để hiến đất chẳng nề hà.

Hộ anh Lý Đạt Dược ở bản Chỏi là một trong những hộ ở dọc trục đường chính của xã vừa hiến hàng chục mét vuông đất để mở rộng nền đường. Chờ dịu cái nắng giữa tháng năm, hai vợ chồng tranh thủ đào móng xây lại đoạn chân tường. Không ngừng tay cuốc, anh Dược cho biết: "Nhường chỗ đất này, nhà tôi còn phải làm lại cả đường dẫn nước về ao đấy. Nhưng hợp lòng dân chúng tôi thì sẵn sàng thực hiện thôi, hiến rồi chẳng suy nghĩ gì nữa". Dọc dải đất nhà anh Dược, nhiều nhà liền kề đã lùi hàng rào tới gần 2m, một số hộ còn xây cất hàng rào ngay ngắn, làm con đường vào xã trở nên rộng rãi hơn.

Đến tháng 5/2014, xã Lâm Thượng đã hoàn thành 7/19 tiêu chí gồm: Tiêu chí 1 về quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tiêu chí 7 về chợ nông thôn; tiêu chí 8 về bưu điện; tiêu chí 12 cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động có việc làm; tiêu chí 14 giáo dục; tiêu chí 18 hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; tiêu chí 19 an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Cũng trong thời điểm ấy, trên con đường đoạn qua thôn Thâm Lay cũng râm ran. Các bà, các chị, các em đang giải lao sau khi san đắp thêm mặt bằng hai bên con đường bê tông. Thì ra hôm nay Chi hội Phụ nữ thôn tổ chức làm đường, dễ có đến năm bảy chục chị em, đẫm mồ hôi nhưng ai nấy đều vui. Vừa tỏ ý trò chuyện với Chi hội trưởng Hội Phụ nữ Hoàng Thị Tin về việc đóng góp làm đường, các bà, các chị quây quanh đã xen vào: “Ai cũng muốn góp công góp sức làm đường cho con em mình đi lại thôi; hiến đất, bỏ cây làm thế nào cũng được, cứ huy động là chúng tôi hưởng ứng, có đường đẹp là thích rồi!...”.

Gia đình anh Lý Đạt Dược lui rào nhường đất mở rộng đường trục của xã.

Không khí này đã làm tôi rõ hơn câu chuyện với ông Trần Thanh Trúc - Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng: "Tinh thần hưởng ứng của các hộ dân tốt anh ạ! Trước đây, trục đường qua xã hơn 13 cây số chỉ như lối mòn, sau đổ bê tông 3m, rồi mở rộng tới 5m, giờ đây thống nhất mở con đường này rộng 9m. Đã có sáu cây số giải phóng xong mà chẳng ai đòi hỏi gì!" - Chủ tịch Trúc vẻ như tự hào với kết quả này. Hệ thống giao thông là một trong những đề tài mà ông chủ tịch này muốn nói nhất trong câu chuyện xây dựng kết cấu hạ tầng ở Lâm Thượng. Những trục đường thôn trước kia chỉ “dắt vừa con trâu” nay mở rộng 3m với tổng chiều dài 22,2km, trong đó 8km đã bê tông hóa.

Ở thôn Nà Kèn trước kia khổ nhất khi bán con lợn phải “dong” ra tận đường lớn, nay ô tô có thể vào tận trong thôn để thu mua. 77 hộ dân của thôn Nà Kèn thấy lợi nên hăng hái lắm, không chỉ đóng góp cát sỏi, công lao động mà có hộ đã hiến tới 600m2 đất như hộ bà Đỗ Thị Thịnh, hay dỡ bỏ hàng rào để tuyến đường đi qua như hộ ông Nông Minh Thụy, cây cối hoa màu thì chẳng ai tính. Nhờ đó mà 520 trong số 2.300m đường thôn đã được bê tông hóa.

Ông Nông Minh Quốc - Trưởng thôn Nà Kèn phấn khởi cho biết: “520m đường chúng tôi thi công trong 17 ngày, mỗi ngày 15 người tham gia đổ bê tông trên đường. Năm nay, chúng tôi xin xã cho mở mới 700m và bê tông hóa thêm 500m đường thôn. Người dân thôn Nà Kèn chúng tôi bàn bạc và đồng tình rất cao anh ạ, đây là cơ hội để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM đấy!”.

Phải chăng đường là một trong những tiêu chí dễ thực hiện nhất ở Lâm Thượng? Nhưng những gì đang diễn ra ở đây thì đường chỉ là một lời giải trong bài toán NTM, bài toán này chưa giải quyết xong và khó hoàn thành trong 1 - 2 năm tới. Cụ thể, mới có 71% đường trục xã được bê tông hóa 3m, cần phải mở rộng đến 6m; đường liên thôn cứng hóa theo tiêu chuẩn mới đạt 35,6%; đường nội thôn sạch và không lầy lội vào mùa mưa mới đạt 24,2% trong 59km. Yếu tố để giải bài toán này ở Lâm Thượng chính là nguồn lực. Có thể nói là người dân đã chủ động, tích cực nhưng chủ yếu bằng công lao động, bằng cát sỏi khai thác ở địa phương, thứ quan trọng là xi măng thì khó lòng xã hội hóa.

“Nếu Nhà nước thực hiện cơ chế 40 - 60 thì chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành, không có tí “kích cầu” thì chúng tôi khó khăn lắm” - Chủ tịch UBND xã khẳng định như vậy.

Nhà văn hóa xã Lâm Thượng là một trong những công trình được điều chỉnh so với quy hoạch.

Thực tế ở địa phương này cho thấy, các tiêu chí chưa đạt và khó có thể đạt khiến cho xã Lâm Thượng phải rời mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM  đến năm 2017 đều do nguồn lực không đáp ứng được. Tương tự như giao thông, tiêu chí thủy lợi cũng gặp khó về nguồn đầu tư. Xã có 16 công trình thủy lợi với tổng chiều dài kênh mương gần 50km, mới kiên cố được gần 40%, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Về điện, không kể 89 hộ ở bản Nặm Chắn và Bản Lẹng chưa được, thì có được “hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện” là điều khá xa vời nếu không có sự vào cuộc của cơ quan điện lực! Trường học mới có 1 trong 4 trường đạt chuẩn quốc gia và cái khó nhất là hoàn thành chuẩn về đầu tư cơ sở vật chất.

Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì mới chỉ dừng lại ở hoàn thành xây dựng được nhà văn hóa xã, mới có 3/19 thôn làm được nhà văn hóa, sân vận động đủ 90m x 120m chưa thực hiện được. Những tiêu chí thuộc về người dân như nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người, hộ nghèo có thể đạt trong năm nay hoặc năm tới, còn những tiêu chí khác xã cũng nhận thấy còn chủ quan do khi triển khai đã không bám sát vào thực tế địa phương và đưa ra một cách cảm quan, thiếu cơ sở.

Chậm lại hai năm so với kế hoạch vừa để vơi đi gánh nặng cho người dân, để làm đến đâu chắc đến đó, đồng thời tranh thủ được các nguồn lực đầu tư là cách mà xã Lâm Thượng sẽ tiến hành. Xã đã có những điều chỉnh so với quy hoạch ban đầu như: thay đổi địa điểm làm nhà văn hóa, làm trạm y tế; thay đổi quy hoạch khu trung tâm hành chính xã, đặc biệt là việc mở rộng trục đường xã đã thể hiện quyết tâm của địa phương trong xây dựng NTM.

Rời Lâm Thượng trên con đường đang rộng mở và chia sẻ niềm vui ở nơi  đồng bào đã ưng, đã thuận, đã trăn trở và tích cực tham gia giải bài toán NTM. Kết quả sau 3 năm xây dựng NTM đã rõ, những khó khăn đang đặt ra, song với kinh nghiệm có được, với quyết tâm những giải pháp cụ thể, con đường đến NTM sẽ trở nên ngắn lại với người dân nơi đây.

Quang Tuấn

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục