Chống “lệch” bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/6/2014 | 9:03:17 AM

YBĐT - Sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã giành được một số kết quả tích cực, có 6 xã trên địa bàn đạt 10 tiêu chí trở lên, 1 xã đạt 14 tiêu chí. Tuy nhiên, do nhận thức và cách làm ở từng địa phương khác nhau mà đến nay kết quả cũng khác nhau, có xã đang “băng băng” về đích, những có địa phương chậm lại do phải khắc phục từ triển khai “lệch”.

Phát triển cơ sở hạ tầng chỉ là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Nhân dân Tân Đồng tham gia làm đường giao thông nông thôn).
Phát triển cơ sở hạ tầng chỉ là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Nhân dân Tân Đồng tham gia làm đường giao thông nông thôn).

Kết quả xây dựng NTM ở Trấn Yên, là bài học kinh nghiệm chung không chỉ riêng cho các địa phương trong huyện mà cho nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Được chọn làm xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, thời gian qua Tân Đồng đã nhận được sự quan tâm đầu tư, nhất là về xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy sau 4 năm triển khai, xã đã hoàn thành 12 tiêu chí, trong đó tiêu chí về: giao thông, chợ, trường học và làng văn hóa dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thành trong năm nay. Dù cơ bản đã đạt các tiêu chí, tuy nhiên đến năm 2015 xã vẫn rất khó được công nhận xã NTM, bởi có những tiêu chí quan trọng đến thời điểm đó địa phương chưa cập. Cụ thể là tiêu chí về hộ nghèo. Đến nay trong xã vẫn còn 25,3% số hộ là hộ nghèo. Với tỷ lệ cao như vậy, đến năm 2015 mục tiêu giảm hộ nghèo xuống còn 10% theo tiêu chí xã NTM là cả một thách thức.

Tìm hiểu được biết, nguyên nhân này bắt nguồn từ khi thực hiện Chương trình, việc hiểu mục tiêu, cách thức thực hiện chưa rõ, thậm chí nhiều cán bộ cơ sở nhận thức, NTM là một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, Nhà nước đầu tư tiền, xã thực hiện đã dẫn tới tình trạng trên.

Trước tình hình trên, cuối năm 2012, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Trấn Yên đã thành lập một tổ công tác để giúp Tân Đồng chống “lệch”. Khắc phục những tồn tại, tổ công tác đã giúp xã quy hoạch các vùng phát triển kinh tế: vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng trồng quế… một cách cụ thể, rõ ràng hơn, trong đó, thành công nhất là việc phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm. Từ sự đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và người dân,trong thời gian ngắn, xã đã hình thành được vùng trồng dâu diện tích 64ha  với trên 300 hộ tham gia.

Năm 2013, sản lượng kén tằm đã đạt 66 tấn, tăng 10 tấn so với năm 2012, tạo ra sản phẩm hàng hóa thu nhập cao cho nông dân. Nguyễn Văn Sơn - nông dân thôn Làng Đồng cho biết, với hơn một mẫu đất trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm gia đình có thu nhập trên 60 triệu đồng, nhờ đó đã tích lũy được một số vốn để đầu tư  sản xuất, đồng thời mua sắm được đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống.

Theo báo cáo của Tân Đồng, từ mô hình trồng dâu, nuôi tằm đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã được 12% trong năm 2013, đây là một kết quả đáng mừng. Dù đã giảm nhanh, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây vẫn còn tới 25,03%. Từ thực tế, nếu những mô hình phát triển kinh tế như trồng dâu nuôi tằm được triển khai sớm thì mục tiêu  đạt xã NTM vào năm 2015 ở Tân Đồng sẽ không mấy khó khăn.  

Một điển hình khác, không phải là xã điểm nhưng bằng nội lực của mình và tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Báo Đáp đang “băng băng” về đích, đạt tiêu chí xã NTM vào năm 2015.  Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện, xã đã xác định: không phải là xã “điểm” sự hỗ trợ sẽ ít hơn, vì vậy phải phát huy nội lực là chính. Do đó, xã thực hiện một cách đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với phát triển kinh tế, xã hội. Không quá tập trung vào hạ tầng, Báo Đáp tập trung phát triển dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa nghèo, nâng cao thu nhập người dân.

Ông Trần Quan Trung - Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhiệm kỳ 2010 - 2015,  xã đưa ra 6 nghị quyết chuyên đề, trong đó có 4 nghị quyết về phát triển kinh tế, tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Giải pháp là đưa các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, chuyển đổi một số diện tích lúa nước kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm và thực tế cho hiệu quả rất cao.

Trong gần 500 ha đất sản xuất có 50 ha đất soi bãi thiếu nước, năng suất lúa rất thấp, thậm chí nhiều diện tích thường xuyên bỏ hoang nhưng khi chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm lại rất phù hợp. Được vận động, gia đình anh Nguyễn Văn Vinh, thôn 12 là một trong những điển hình trong chuyển đổi ruộng nước kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Với 1,2 mẫu đất soi bãi chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, cung cấp giống cho bà con quanh vùng đã giúp gia đình anh mỗi năm thu nhập 80 triệu đồng.

Báo Đáp đã định hướng cho người dân chuyên môn hóa trong sản xuất. Theo đó, các hộ dân sẽ chỉ chuyên sâu một khâu trong chuỗi sản xuất như: nhóm các hộ chuyên nuôi tằm giống, nhóm hộ chuyên nuôi tằm thương phẩm… Cách làm này đã giúp địa phương chủ động được con giống, nguyên liệu và tằm thương phẩm, giá cả cũng ổn định mà còn giúp người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, từ các nguồn hỗ trợ sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Báp Đáp đã hỗ trợ được trên 300 triệu đồng cho người dân đầu tư trồng dâu, làm nhà xưởng. Sự hỗ trợ kịp thời cùng định hướng đúng đắn đã giúp cây dâu tằm ở Báo Đáp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những mô hình phát triển kinh tế cần được quan tâm nhân rộng để nâng cao thu nhập cho người dân. (Ảnh: Trồng dâu nuôi tằm đem lại thu nhập cho nông dân Trấn Yên).

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Báo Đáp còn thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất lúa nước. Từ 35 ha lúa chất lượng cao năm 2010, đến nay xã đã có 200 ha lúa thuần chất lượng cao, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha. Song song với công tác phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng cũng được xã quan tâm thực hiện, trong đó phải kể đến là thành tích cứng hóa đường giao thông nông thôn.

Hiện nay 100% đường liên thôn của xã đã được bê tông hóa, trong đó nhân dân đóng góp làm 7km trị giá trên 3,5 tỷ đồng. Vì vậy tính đến 31/12/2013, Báo Đáp đã đạt 14 tiêu chí về NTM, trong đó những tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí khó đang từng bước được giải quyết. Báo Đáp phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt chuẩn xã NTM.

Từ kết quả của Tân Đồng và Báo Đáp trong công tác xây dựng NTM cho thấy, từ Chương trình đã giúp các địa phương thay đổi diện mạo trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, mỗi xã có xuất phát điểm khác nhau do có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau, nhận thức khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.

Khi triển khai, Tân Đồng quan tâm nhiều đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, ít quan tâm đến các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường vốn là những tiêu chí quan trọng, liên quan trực tiếp đến người dân, nếu người dân không làm thì sẽ rất khó đạt.  Dù có sự giúp đỡ kịp thời của tổ công tác huyện Trấn Yên, giúp thay đổi tư duy, nhận thức, đã khơi dậy được tiềm năng về kinh tế nâng cao đời sống người dân, nhưng với sự phát triển “lệch” này, rất khó để xã hoàn thành mục tiêu xã NTM trong năm 2015.

Khác với Tân Đồng, trong khi nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng từ ngân sách còn hạn chế thì Báo Đáp đã biết phát huy nội lực của người dân, huy động sức dân làm NTM qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập người dân… Vì vậy mục tiêu đạt xã NTM vào năm 2015 hoàn toàn trong tầm tay.

Chúng ta đang triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh, bài học kinh nghiệm xây dựng NTM ở Tân Đồng và Báo Đáp chắc chắn sẽ giúp các địa phương nhìn nhận lại quá trình thực hiện của mình để có những điều chỉnh hợp lý, đạt mục tiêu cao nhất đã đề ra.

Anh Dũng

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục