Chung sức, sáng tạo, phù hợp

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/6/2014 | 8:50:50 AM

YBĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bằng nội lực với những cách làm sáng tạo, phù hợp của cấp ủy Đảng và chính quyền, sự chung sức đồng lòng của người dân đã tạo ra cho Yên Bình những đổi thay khá toàn diện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, trong quá trình triển khai thực hiện, Yên Bình đã vận dụng những cách làm hay, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Công tác tuyên truyền được thực hiện trước một bước, trong đó trọng tâm là tuyên truyền chủ trương, chính sách cũng như các chỉ tiêu cần đạt được trong từng năm, cả giai đoạn với hình thức tuyên truyền thường xuyên đổi mới. Thay vì trông chờ Nhà nước, người dân đã nhận thức đúng đắn rằng, xây dựng nông thôn mới là việc của mình, đem lại lợi ích cho chính bản thân và gia đình.

Ông Phạm Văn Tân ở thôn Đồng Lâm, xã Vĩnh Kiên bộc bạch: “Trước đây cứ nghĩ xây dựng nông thôn mới là Nhà nước đầu tư hoàn toàn nhưng sau khi được tuyên truyền thì chúng tôi đã hiểu xây dựng nông thôn mới là do dân đóng góp, dân hưởng lợi, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Gia đình tôi đã gương mẫu góp công, góp tiền và hiến gần 500m2 đất để mở rộng đường và xây dựng cơ sở hạ tầng thôn”.

Khi người nông dân đã hiểu và được phát huy quyền dân chủ trong đầu tư xây dựng theo phương châm “Nông dân biết, nông dân bàn, nông dân đầu tư, nông dân kiểm tra, giám sát và nông dân thụ hưởng” thì những khó khăn trong việc huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã dần được tháo gỡ.

Trong 3 năm qua, từ nguồn nội lực của dân cộng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn, huyện đã mở mới và bê tông hóa được gần 120km đường giao thông; kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế được xây dựng với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Hiện tại, toàn huyện có 16 trường đạt chuẩn quốc gia; gần 60% thôn, tổ nhân dân có nhà văn hóa; 4 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới.

Ông Âu Văn Hạnh - Trưởng thôn Ngòi Lẻn, xã Bạch Hà vui mừng nói: “Thôn tôi có gần 100 hộ đồng bào Cao Lan sinh sống. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con đã tự nguyện hiến đất và đóng góp gần 200 triệu đồng để làm đường, xây dựng nhà văn hóa. Hiện tại, các tuyến đường trong thôn đi lại dễ dàng, bộ mặt làng quê đổi mới từng ngày” .

Đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Yên Bình triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân nông thôn. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi vùng sản xuất hàng hóa theo lợi thế, mang tính chiến lược và phù hợp với qui hoạch nông thôn mới của từng địa phương. Huyện đã triển khai thực hiện 2 đề án về nâng cao năng suất, chất lượng vùng bưởi Đại Minh và phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản tại xã Bạch Hà.

Đồng thời, Yên Bình xây dựng được nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi khá hiệu quả như cây thanh long ruột đỏ, nuôi dê núi, nuôi cá nheo trên hồ Thác Bà, cải tạo đàn trâu và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Qua đó góp phần làm thay đổi căn bản nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi và nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa; tăng mức thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện hiện đạt 24,5 triệu đồng/người/năm (tăng 3,3 triệu đồng so với năm 2012 và đạt cao nhất từ trước tới nay), tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: “Toàn xã hiện đã phát triển được hơn 20 mô hình chăn nuôi hàng hóa, duy trì hiệu quả 60 lồng cá trên hồ Thác Bà, trong đó có 10 lồng cá nheo, 2 lồng cá lăng; năng suất lúa bình quân đạt từ 250kg đến 300kg/sào; đã ra mắt 2 hợp tác xã; trồng 3,6ha thanh long; tỷ lệ hộ dân có đời sống khá, giàu hiện chiếm trên 40%”.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào chiều sâu, Yên Bình không chạy theo thành tích mà chỉ đạo các địa phương làm đến đâu chắc đến đó, xác định thứ tự ưu tiên các tiêu chí thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã có 23 xã hoàn thành từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó có 2 xã đạt 10 tiêu chí và 1 xã đạt 12 tiêu chí. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và còn khá mới mẻ đối với người dân nên trong quá trình triển khai thực hiện, Yên Bình gặp không ít khó khăn.

Nông nghiệp, nông thôn tuy phát triển nhưng còn thiếu đồng bộ; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hóa; nguồn lực thực hiện chương trình còn ít, một số tiêu chí như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ... khó hoàn thành theo tiến độ đề ra do thiếu vốn đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Huyện đang tiến hành rà soát lại toàn bộ qui hoạch nông thôn mới để điều chỉnh các khu vực sản xuất và các điểm qui hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Yên Bình cũng sẽ tập trung huy động và ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình dự án cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Riêng đối với xã làm điểm là Mông Sơn, huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo đến từng thôn và có chương trình thực hiện nhiệm vụ chi tiết từng tuần, tháng, quí”.

Chặng đường về đích nông thôn mới vẫn còn rất nhiều việc phải làm, Yên Bình đang từng bước tháo gỡ khó khăn một cách có lộ trình để tiếp tục hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong xã hội tiếp tục được thực hiện trước một bước để đến năm 2015, huyện có ít nhất 1 xã về đích nông thôn mới.

 Kiều Mười

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục