Nông dân Âu Lâu sản xuất giỏi, tích cực xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/9/2014 | 9:14:32 AM

YBĐT - Âu Lâu là một trong ba xã điểm của thành phố Yên Bái thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nhận thức rõ đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó, nông dân đóng vai trò trực tiếp trong thực hiện và là đối tượng hưởng thụ kết quả đạt được từ chương trình, Hội Nông dân xã Âu Lâu luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phấn đấu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thực hiện tốt các nội dung tiêu chí xã nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên nông dân, tạo diện mạo mới cho xã vùng ven của thành phố.

Anh Đào Ngọc Thức giới thiệu mô hình nuôi dúi của gia đình.
Anh Đào Ngọc Thức giới thiệu mô hình nuôi dúi của gia đình.

Bà Tạ Thị Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng, Hội đã thực hiện nhiều biện pháp giúp đỡ, khuyến khích các hội viên tranh thủ mọi nguồn lực về vốn, giống, áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”.

Theo đó, Hội đã phối hợp với UBND xã, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật tập huấn cho 450 lượt hội viên chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa, chè, rau quả. Cùng với đó, trong năm 2013 và 7 tháng năm 2014, đã có trên 300 hội viên nông dân tham gia gần 10 lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 về chăn nuôi lợn nái sinh sản, nuôi cá nước ngọt, trồng trọt, chế biến lâm sản, nuôi trâu sinh sản...

Các lớp học này giúp hội viên nông dân nâng cao kiến thức, tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hội cũng đã tuyên truyền để cán bộ, hội viên tham gia vào các dự án nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản. Để tạo điều kiện cho hội viên có vốn để phát triển sản xuất, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tạo nguồn vốn vay ổn định cho nông dân. Đến nay, đã có 195 hội viên được vay vốn với tổng dư nợ  trên 2 tỷ 400 triệu đồng.

Được tạo điều kiện về vốn cùng thường xuyên được tập huấn, nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh nên nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng, thu nhập từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/năm như gia đình hội viên Đinh Thị Lan (thôn Nước Mát), Nguyễn Văn Phấn (thôn Châu Giang 2), Đặng Mạnh Hùng (thôn Đồng Đình)...

Đến thăm mô hình nuôi dúi của hội viên Đào Ngọc Thức ở thôn Nước Mát, là mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô cũng như sự sáng tạo của anh Thức trong việc chăm sóc loài vật này. Trong một lần tình cờ vào nhà người bạn ở Ba Khe (Văn Chấn) chơi, anh thấy mô hình nuôi dúi phát triển tốt nhưng không cho sinh sản. Khi về anh đã tìm hiểu qua sách, báo và trên mạng Internet để hiểu rõ hơn về cách thức nuôi và anh quyết định mua giống về thử. Rồi anh nghiên cứu và tách cặp dúi riêng ra thì thấy dúi sinh sản và phát triển tốt. Hiện nhà anh có gần 100 ô chuồng nuôi khoảng 200 con.

Anh Thức chia sẻ: “Nuôi dúi không khó bởi thức ăn của chúng đơn giản, dễ tìm, chỉ là tre, nứa non, sắn, ngô, mía. Giá bán ra thị trường hiện tại là 350 nghìn đồng/kg mà không có đủ để bán. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu về 50 triệu đồng/năm”. Từ thành công mô hình nuôi dúi của anh Thức, đã có rất nhiều người trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống.

Cùng với phát triển kinh tế, nông dân Âu Lâu còn tích cực tham gia thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như tiêu chí về môi trường, thu nhập, giao thông, thủy lợi... với nhiều việc làm thiết thực. Các hội viên, nông dân đã tham gia khơi thông cống rãnh, dòng chảy, vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường. Đồng thời đóng góp công sức, hiến đất làm đường để xây dựng gần 5 km đường bê tông ở thôn Châu Giang 1, Trấn Thanh 2; tu sửa nạo vét 9km kênh mương để thuận tiện cho giao thông đi lại trong năm 2013. Trong năm 2014, nông dân Âu Lâu tiếp tục đóng góp công sức và tiền của để làm 8,6km đường bê tông, đường giao thông nội đồng, đảm bảo tiêu chí về giao thông và thủy lợi.

Với những mô hình nông dân sản xuất kinh doanh có hiệu quả cùng những việc làm thiết thực, cụ thể, nông dân Âu Lâu đã và đang khẳng định vai trò chủ thể của mình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành việc xây dựng Âu Lâu thành xã nông thôn mới vào năm 2015.

Bảo Ngọc

Các tin khác
Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục