Bình Thuận: Tìm cơ hội bứt phá

  • Cập nhật: Thứ bảy, 6/9/2014 | 2:03:55 PM

YBĐT - Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân chủ yếu là thuần nông, không ngành nghề phụ nên Bình Thuận gặp không ít khó khăn trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm triển khai, đến nay xã mới đạt được 3/19 tiêu chí.

Đến nay, Bình Thuận bê tông hóa được 3/48km đường giao thông liên thôn, bản.
Đến nay, Bình Thuận bê tông hóa được 3/48km đường giao thông liên thôn, bản.

Ông Hoàng Văn Điền - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Khi nhận được nội dung kế hoạch triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi rất lo lắng. Xã có 20 thôn, bản thì chỉ khu trung tâm xã tạm coi là khá giả, còn các thôn, bản khác đời sống người dân rất khó khăn, ngành nghề dịch vụ chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hơn nữa, đây lại là chương trình mới, bản thân một số cán bộ cấp ủy, chính quyền xã cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của vấn đề xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tư tưởng người dân cũng chưa thông".

Tuy nhiên, xác định đây là một chương trình lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn; căn cứ hướng dẫn, chỉ đạo của huyện UBND, xã Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2015 - 2020. Hội nghị đã thông qua đề án, kế hoạch triển khai Chương trình theo từng giai đoạn và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã, phân công nhiệm vụ từng thành viên phụ trách các thôn, bản. Để nhân dân hiểu ý nghĩa, mục đích của Chương trình, Đảng ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể của xã, thôn, bản cùng tham gia đẩy mạnh tuyên truyền, vận động.

Cùng với đó, xã cũng đã cử 8 cán bộ đi tập huấn thực hiện Chương trình tại huyện. Phương châm thực hiện xây dựng nông thôn mới là cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước và vận động nhân dân làm theo nhằm từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, khơi dậy ý thức tự thân vận động, cải thiện điều kiện sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Là xã có dân cư phân bố không tập trung, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông suối tương đối nhiều, 20 thôn, bản của xã chia thành 4 cụm và bị chia cắt bằng 4 con suối với 4 chiếc cầu treo cũng đã xuống cấp nghiêm trọng; các thôn, bản hầu như đường đất và cũng chỉ đi được bằng xe máy vào mùa nắng, còn mùa mưa thì cũng rất khó khăn nên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã xác định trước hết tập trung vào việc cải tạo, nâng cấp các hệ thống giao thông và thủy lợi. Vậy là những mét bê tông đầu tiên theo cơ chế Nhà nước đầu tư 60%, nhân dân đóng góp 40% đã được hoàn thành. Đầu tiên là thôn Trung Tâm hơn 1km, tiếp đến là thôn Đát Tờ 1,1km, thôn Quăn 2 hơn 600m.

Các thôn bản còn lại sẽ tiến hành mở rộng, tôn tạo nền đường, trước mắt là tiến hành tu sửa bảo đảm việc đi lại thuận tiện cho nhân dân, sau đó căn cứ vào tình hình thực tiễn, trên cơ sở phân bổ nguồn ngân sách từ Chương trình, xã sẽ tiếp tục bê tông hóa. Cùng với việc bê tông hóa đường liên thôn bản, xã cũng tiến hành hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng nhằm bảo đảm bảo đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hơn 126ha lúa nước 2 vụ. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống kênh mương nội đồng mới hoàn thành được 21km trong tổng số 45km, đạt 43% và hệ thống giao thông liên thôn, bản mới cứng hóa được hơn 3km trong tổng số 48km.

Dẫn chúng tôi đến thôn Đồng Hảo, cách trung tâm xã 5km, biệt lập bởi con suối và chiếc cầu treo đã xuống cấp, đồng chí Hoàng Văn Điền - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Đây là thôn chủ yếu đồng bào Tày, cả thôn có 107 hộ mà tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 62%, người dân chủ yếu làm chè và đồi rừng. Cái vòng luẩn quẩn khiến thôn chưa thể thoát nghèo chính bởi hệ thống giao thông. Các sản phẩm nông sản làm ra đem đến chợ cũng bị bao nhiêu chi phí đội lên, rồi chuyện tư thương ép giá... Bởi vậy, tiêu chí giao thông nông thôn vẫn là tiêu chí ưu tiên số 1 cho việc xây dựng nông thôn mới của thôn".

Trước mắt có đến đâu làm đến đấy, trong năm 2014 này, từ nguồn vốn phân bổ, xã đã tiến hành tu sửa được 2 chiếc cầu treo, đến cuối năm sẽ tiếp tục sửa chữa 2 cầu treo nữa, đồng thời mở rộng, san gạt mặt đường, tiến hành rải cấp phối giúp nhân dân đi lại thuận tiện, sau đó sẽ cứng hóa tiếp, bắt đầu từ thôn khó khăn, xa trung tâm nhất. Mới đây, tháng 7 năm 2014, theo quyết định của Chính phủ, xã được xếp vào diện xã 135. "Hy vọng nhờ nguồn lực của Đảng, Nhà nước, Bình Thuận sẽ có cơ hội để bứt phá trong xây dựng nông thôn mới cho những năm tiếp theo" - Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Điền chia sẻ.

Những nỗ lực của Bình Thuận trong xây dựng nông thôn mới cũng đã mang lại những kết quả nhất định. Qua 3 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 70% năm 2010 xuống còn 43% năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 12,5 triệu đồng/năm. Trong năm 2014, xã sẽ tiếp tục hoàn thành 2 tiêu chí nữa là tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, nâng tổng số đạt lên 5 tiêu chí. Khó khăn còn nhiều song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ như: huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng Ban chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới; có kế hoạch và lộ trình xây dựng theo từng năm, tập trung giảm nghèo bền vững để hướng tới mục tiêu cán đích xây dựng nông thôn mới trước năm 2020.

Lê Thanh

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

100% tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Hòa Cuông hiện đã được bê tông hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên thêm hân hoan khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao đã cán đích thành công.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc (CSHP) cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục