Xây dựng vì nhân dân

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/12/2014 | 2:50:59 PM

YBĐT - Sau 3 năm triển khai, đến nay, xã Hát Lừu đã đạt được 9 tiêu chí NTM, trong đó, có nhiều tiêu chí quan trọng như: điện, trường học, giao thông… đồng thời cũng đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí: môi trường, không còn nhà tạm, dột nát, thành lập các tổ sản xuất, kinh doanh hoạt động có hiệu quả, xây dựng Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2014 - 2015.

Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Hát Lừu đang tiến dần đến đích nông thôn mới.
Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Hát Lừu đang tiến dần đến đích nông thôn mới.

Bất kỳ ai lâu lâu mới trở lại Hát Lừu (Trạm Tấu) đều ngỡ ngàng vì vùng quê núi có nhiều nét mới! “Điện, đường, trường, trạm” đã tương đối hoàn thiện, nhà cửa của bà con thôn trên, bản dưới đều khang trang, sạch đẹp. Hát Lừu đang dần trở thành xã nông thôn mới (NTM), từ kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng đến cuộc sống… nhưng hơn cả là sự chuyển biến trong nhận thức của người dân. Nói như các anh cán bộ xã, vẫn người Thái ở thôn Hát 1, Hát 2, Lừu 2, Lừu 1 nhưng nếp nghĩ, cách làm đã khác xưa rất nhiều.

Là một xã khó khăn, có tổng diện tích tự nhiên 1.448,5ha, có 739 hộ với 3.353 khẩu, sinh sống ở 5 thôn, bản và 6 chòm dân cư, dân tộc Thái chiếm 99,6 %, thu nhập chính của nhân dân trong xã chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự là một "làn gió mát" mang đến hơi thở mới, sức sống mới cho cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã.

Chủ tịch UBND xã Lò Văn Chiến kể lại rằng: "Giống như nhiều xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác, khi Chính phủ triển khai Chương trình xây dựng NTM, người dân và cả cán bộ xã vẫn còn "ngơ ngác" lắm, cứ nghĩ chuyện "cao siêu" ấy chỉ dành cho các xã vùng đồng bằng. Hát Lừu không biết đến bao giờ mới đạt được những mục tiêu trong bộ tiêu chí. Nhưng sau khi nghiên cứu, học tập kỹ, bất cứ ai cũng thấy được "chuẩn quốc gia về NTM" là mục tiêu phải phấn đấu cho bằng được vì một lẽ rất giản đơn: vì nhân dân! Từ nhận thức đúng đắn ấy đã tạo nên sự đồng thuận, nhất trí cao trong nội bộ Đảng, sự thấu hiểu và chung sức của nhân dân. Cũng cần phải nói thêm rằng, xã đã nhận được sự tin tưởng, quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Huyện ủy, UBND huyện trong việc lựa chọn địa phương làm điểm, cũng như quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực đầu tư cho xã".

Sau công tác tuyên truyền, vận động, thành lập Ban Chỉ đạo là việc lập quy hoạch và Đề án xây dựng NTM bảo đảm phù hợp với bộ tiêu chí, đồng thời, sát với tình hình thực tế. Việc đánh giá đúng khó khăn, thuận lợi, xác định rõ cái nào thực hiện trước, cái nào tiến hành sau… là điều rất quan trọng, từ đó, lồng ghép, phối hợp với các chương trình, đề án kinh tế - xã hội, an ninh. Xã đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, trọng tâm là thực hiện Đề án giảm nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ.

Trong 3 năm, Hát Lừu đã thực hiện 5 mô hình lúa, 2 mô hình ngô, 1 mô hình rau, để nhân dân học tập làm theo; được hỗ trợ 19 chiếc máy cày, bừa  động cơ xăng, 5 máy tuốt lúa có động cơ, 6 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ… để nhân dân phục vụ sản xuất. Số lượng máy móc không lớn, kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng đã tạo ra được sự chuyển biến lớn. Nhiều hộ gia đình không được hỗ trợ cũng tự mua máy móc bởi có cái máy cày, máy tuốt là có thêm việc làm, thêm thu nhập, tăng năng suất lao động, chủ động cơ cấu mùa vụ.

Giúp dân có kiến thức lao động sản xuất là một chủ trương đúng của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Thời gian qua, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở hàng chục lớp hướng dẫn kỹ thuật cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn... thu hút hàng nghìn lượt người tham dự. Đặc biệt, xã đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ và Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề Trạm Tấu về tận xã chiêu sinh, mở các lớp đào tạo các nghề xây dựng, mộc, cơ khí, chế tạo máy… 

Đây được xem là hướng đi đúng khi nhiều thanh niên trong thôn, ngoài xã mong muốn có nghề phù hợp, dễ tìm việc tại phố huyện hay các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các đô thị khác. Yêu lao động và có kiến thức là con đường ngắn nhất để xóa đói, giảm nghèo, ở Hát Lừu cũng vậy. Khi người dân có kiến thức, thu nhập của bà con tăng đáng kể, năm 2013, đã đạt 6,8 triệu đồng/người/năm (tăng 1 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 60,82% (giảm 3,46% so với năm 2011).

Mấy năm trở lại đây, nguồn đầu tư công hạn hẹp nhưng Hát Lừu vẫn nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Trước sự quan tâm, đầu tư ấy, bà con nhân dân cũng hăng hái góp của, góp công, hiến đất để địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã, năm 2012, địa phương đã kiên cố hoá 2km đường giao thông, tổng dự toán 4,4 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1,680 tỷ đồng.

Năm 2013, bê tông hoá 11 tuyến đường với chiều dài 3,853km; mở rộng 3 tuyến với chiều dài 2,4km; mở mới 0,3km với tổng dự toán 12,091 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 3,43 tỷ đồng. Năm 2014, mở mới 7 tuyến đường nội đồng với chiều dài 2,47km, đến thời điểm này đã hoàn thành 5/7 tuyến với chiều dài 1,7km… Năm 2012, xã cũng đã được đầu tư, nâng cấp sửa chữa công trình thủy lợi Nậm Dạ, Púng Luông với tổng mức đầu tư 195 triệu đồng. Các công trình như điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng cũng đã được xây dựng khá hoàn thiện ở tất cả 5/5 thôn, góp phần cải thiện cuộc sống, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí và tạo nên diện mạo mới cho vùng cao.

Xây dựng NTM từ trong tư tưởng người dân là điều đáng ghi nhận ở Hát Lừu. Câu chuyện "cái chuồng trâu" là một thí dụ điển hình. Chỉ cách đây mấy năm, nhiều hộ gia đình ở xã nuôi trâu nhưng không có chuồng, đại đa số bà con buộc trâu ngay dưới gầm nhà sàn, rất mất vệ sinh. "Giờ đã không thế nữa rồi, NTM cơ mà, ai lại người ở cùng trâu, làm cái chuồng trên cứng, dưới bền, xa nhà cho người khỏe, trâu béo!" - chị Lò Thị Nhọt ở thôn Hát 1 đã nói với chúng tôi như vậy. Được biết, năm 2012 và 2013 phong trào "đưa chuồng trại ra xa nhà" ở Hát Lừu rất phát triển, đến nay, cả xã không còn hộ nào buộc trâu dưới gầm sàn như trước nữa. Chương trình 135 giai đoạn II đã hỗ trợ 54 con trâu cái sinh sản, kinh phí trồng cỏ và 1 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại, đồng thời, hướng dẫn làm nhà để rơm cho 30 hộ nghèo trong xã.

Sau 3 năm triển khai, đến nay, xã Hát Lừu đã đạt được 9 tiêu chí NTM, trong đó, có nhiều tiêu chí quan trọng như: điện, trường học, giao thông… đồng thời cũng đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí: môi trường, không còn nhà tạm, dột nát, thành lập các tổ sản xuất, kinh doanh hoạt động có hiệu quả, xây dựng Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2014 - 2015. Biết rằng quá trình thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, nhưng khi cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm, người dân đồng lòng, chắc chắn Hát Lừu sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

 Lê Phiên

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục