Mù Cang Chải gặp khó ở nhiều tiêu chí

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/12/2014 | 12:46:21 PM

YBĐT - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại vùng cao Mù Cang Chải. Hiện ra trước mắt vẫn là hình ảnh những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo triền núi, bà mẹ người Mông mải miết ngồi thêu trước cửa nhà...

Một góc trung tâm huyện Mù Cang Chải.
Một góc trung tâm huyện Mù Cang Chải.

 Tôi đã thấy những sự đổi thay "đậm chất" nông thôn mới (NTM) từ những con đường quanh co, dốc ngược được trải bê tông tới nhiều thôn, bản; trường học, bưu điện, trụ sở UBND xã xây dựng khang trang… Tuy nhiên, với đặc thù của một huyện đặc biệt khó khăn, với 96% là đồng bào dân tộc Mông, giao thông đi lại khó khăn, địa hình nhiều đồi núi, dân cư sinh sống không tập trung, trình độ dân trí thấp… tất cả những trở ngại đó khiến con đường đến "đích" NTM ngày càng xa hơn.

Giải pháp đầu tiên huyện đưa ra là đẩy mạnh vận động, tuyên truyên sâu, rộng để làm cho "chủ thể" trong xây dựng NTM là người dân hiểu được chủ trương xây dựng NTM và những lợi ích NTM mang lại. Bên cạnh đó, huyện tăng cường các giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, trong đó, tập trung vào giao thông, thủy lợi, trường học, sản xuất nông nghiệp…

Chỉ tính riêng năm 2014, Mù Cang Chải đã huy động trên 756,8 tỷ đồng, trong đó, vốn trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM 9,2 tỷ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách địa phương, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng và các nguồn lực khác.

Đến nay, huyện đã có 2 xã La Pán Tẩn, Púng Luông đạt 10 tiêu chí NTM, 2 xã đạt 8 tiêu chí, 4 xã đạt 7 tiêu chí, 3 xã đạt 6 tiêu chí, 1 xã đạt 5 tiêu chí, 1 xã đạt 4 tiêu chí. Đánh giá của Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM huyện cho thấy, chuyển biến rõ rệt nhất là nhận thức của người dân đã được nâng lên, vai trò chủ thể của người dân đã bước đầu phát huy; cùng với đó, sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng khá, hình thành các vùng chuyên canh cây lâm nghiệp có giá trị cao…

Thế nhưng, những chuyển biến trên mới chỉ là bước đầu, để đến "đích" NTM, huyện đang gặp khó ở rất nhiều tiêu chí. Đầu tiên phải kể đến tiêu chí về đường giao thông nông thôn. Do địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi núi cao nên chi phí đầu tư xây dựng các tuyến đường rất lớn, việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài rất khó khăn, mức đầu tư của Nhà nước có hạn, vì vậy, huyện mới bê tông hóa được 11,5km đường liên xã, 15km đường liên thôn, bản đạt chuẩn.

Ông Sùng A Chua - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: "Theo Quyết định số 843/QĐ-UBND, suất đầu tư cho kiên cố hóa bê tông mặt rộng 3m là 750 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 60%. Trong khi đó, người dân chủ yếu thuộc hộ nghèo nên đóng góp không đáng kể, các đường giao thông ở huyện có độ dốc lớn, bán kính đường cong nên chỉ tính riêng chi phí đầu tư các loại vật liệu chính đã hết trên 650 triệu đồng trên 1km. Do vậy, việc hoàn thành tiêu chí về đường giao thông rất khó thực hiện".

Bên cạnh đó, với tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, việc hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo cũng là một thách thức lớn với huyện bởi liên quan đến nhiều vấn đề khác như: cơ cấu lao động, thu nhập bình quân và hình thức tổ chức sản xuất, đào tạo dạy nghề. Thêm nữa, trình độ văn hóa thấp, việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cũng là vấn đề rất lớn.

Trong 3 năm qua, huyện mới mở được 54 lớp dạy nghề, chủ yếu là ngành nghề truyền thống như: trồng trọt, chăn nuôi, may thêu thổ cẩm, sửa chữa cơ khí nhỏ, tuy nhiên, những ngành nghề qua đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế chưa cao; trên 90% lao động làm việc trong nông - lâm nghiệp, chủ yếu theo mùa vụ… Do vậy, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% sẽ vẫn là một chặng đường rất dài. Ngoài 2 tiêu chí trên, nhiều tiêu chí hiện nay tất cả 13/13 xã ở huyện đều chưa đạt như: trường học, nghĩa trang được xây dựng theo qui hoạch, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo qui định...

Rõ ràng, huyện còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành, huyện cần lồng ghép chặt chẽ Chương trình xây dựng NTM với các chương trình, dự án đã và đang triển khai như: Chương trình 30a, 134, 135, Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; tiếp tục tuyên truyền, vận động tới các tầng lớp nhân dân, huy động các nguồn lực từ bên ngoài... Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo cũng cần xem xét có những thay đổi trong nội dung từng tiêu chí để phù hợp với các vùng đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải.

 Hùng Cường

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

100% tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Hòa Cuông hiện đã được bê tông hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên thêm hân hoan khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao đã cán đích thành công.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc (CSHP) cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục