Sức sống Phan Thanh

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2015 | 9:47:00 AM

YBĐT - Là xã thuần nông, điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã tạo cho xã Phan Thanh, huyện Lục Yên một sức sống mới, đời sống người dân nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế của người dân Phan Thanh.
Nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế của người dân Phan Thanh.

Đồng chí Hoàng Quang Hòa - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Khi nhận kế hoạch triển khai Chương trình, chúng tôi rất lo lắng bởi thực tế, điểm xuất phát của xã thấp. Xã có 8 thôn, bản, chỉ có khu trung tâm là khá hơn một chút còn các thôn, bản xa trung tâm, đời sống người dân rất khó khăn. Dịch vụ chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do vậy, để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của Chương trình, Ban Chỉ đạo XDNTM của xã đã lên kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, phối hợp với bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng hưởng ứng".

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết, Ban Chỉ đạo XDNTM của xã đã họp và thống nhất xây dựng Đề án XDNTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, ưu tiên các tiêu chí cần thiết triển khai trước. Vậy là, những con đường liên thôn đầu tiên theo cơ chế Nhà nước 60%, nhân dân đóng góp 40% đã được bê tông hóa. Đầu tiên là thôn Hốc, tiếp đến bản Năm, bản Ro... Hết năm 2014, xã đã bê tông hóa 12km đường liên thôn. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn, trên cơ sở phân bổ nguồn ngân sách từ Chương trình, xã sẽ tiếp tục bê tông hóa, bảo đảm đến trước năm 2020 cơ bản hoàn thành kế hoạch bê tông hóa toàn bộ tuyến đường liên thôn, bản.

Đến nay, xã Phan Thanh đã bê tông hóa được 12km đường liên thôn, bản.

Dẫn chúng tôi đến bản Ro, cách trung tâm xã gần 10km, vi vu trên con đường bê tông rộng 3,5m, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thôn chủ yếu là đồng bào Nùng sinh sống do di chuyển từ dưới lòng hồ lên để nhường chỗ xây dựng Thủy điện Thác Bà. Hơn 40 năm qua, cuộc sống của người dân trong thôn vô cùng khó khăn. Muốn vào thôn chỉ có cách duy nhất đi bằng đường thủy. Không điện, không đường, do vậy, bao năm qua, cuộc sống của 65 hộ dân trong bản Ro cứ mãi luẩn quẩn trong cảnh đói nghèo và lạc hậu. Nhiều chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư vào thôn không phát huy hiệu quả. Các sản phẩm nông, thủy sản làm ra không có thị trường tiêu thụ. Do vậy, khi có chủ trương XDNTM, xã đã quyết định ưu tiên cho hạng mục giao thông nông thôn là tiêu chí đầu tiên và ưu tiên cho những thôn, bản xa, khó khăn nhất". Con đường mơ ước của người dân bản Ro đã đến thật gần, chỉ một hai năm nữa, con đường bê tông sẽ nối đến tận trung tâm bản, tạo điều kiện cho người dân đi lại và thông thương hàng hóa dễ dàng.

Qua 4 năm thực hiện Chương trình, xã đã đạt được những kết quả nhất định, trên 13 tỷ đồng đầu tư cho các công trình trọng điểm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36,6% năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 9 triệu đồng/người/năm. Hiện, xã đã phát triển nghề đan rọ tôm cho 350 hộ dân, hàng năm, mang lại nguồn thu cho nhân dân trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và thâm canh tăng vụ, khuyến khích nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà để nâng cao mức sống cho người dân.

Qua đánh giá, hết năm 2014, xã đã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới, năm 2015, xã phấn đấu hoàn thành thêm 3 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí hoàn thành lên 11/19 tiêu chí. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại địa phương còn bộc lộ một số tồn tại như: nhận thức về Chương trình của một số cán bộ và người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, nhân dân chưa hiểu hết ý nghĩa và các giải pháp thực hiện, dẫn đến việc huy động đóng góp chưa cao, việc chỉ đạo triển khai các tiêu chí còn nhiều lúng túng, tiến độ triển khai các nội dung còn chậm… Với Phan Thanh, một số tiêu chí như: giao thông, môi trường, chợ nông thôn, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo… đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao mới có thể hoàn thành.

Bài, ảnh: Thanh Tân

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

100% tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Hòa Cuông hiện đã được bê tông hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên thêm hân hoan khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao đã cán đích thành công.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc (CSHP) cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục