Nan giải tiêu chí môi trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/6/2015 | 9:56:48 AM

YênBái - YBĐT- Là một trong 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã vấp phải những khó khăn nhất định trong thực hiện tiêu chí môi trường mà chưa có lời giải.

Tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, cạnh nhà vẫn còn tồn tại ở một số địa phương vùng cao.
Tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, cạnh nhà vẫn còn tồn tại ở một số địa phương vùng cao.

Là một trong 6 xã được huyện Văn Chấn chọn làm điểm xây dựng NTM, với điều kiện tương đối thuận lợi về mọi mặt, Thanh Lương đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các nội dung, hạng mục của Chương trình, ưu tiên tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Đến nay, sau 4 năm thực hiện Chương trình, xã mới đạt 10/19 tiêu chí.

Trong số 10 tiêu chí đã đạt thì môi trường vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất bởi theo như trao đổi của ông Hà Văn Đoàn - Phó chủ tịch UBND xã thì từ năm 2012 - 2014, thực hiện chương trình vệ sinh môi trường, kết hợp với cuộc vận động "5 không, 3 sạch" của Hội Phụ nữ, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã vận động nhân dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 84,2%; vận động nhân dân làm 54 hố rác để xử lý rác thải tại khu dân cư; xây dựng phương án quy hoạch nghĩa trang tập trung; đẩy mạnh phong trào làm nấm rơm để giải quyết tình trạng nhân dân đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" để tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà.

Tuy nhiên, nếu nói để hoàn thiện tiêu chí môi trường thì cũng không đơn giản. Theo đánh giá, mặc dù đã có các hố rác tại các khu dân cư để thu gom rác thải song chủ yếu là xử lý tại chỗ chứ chưa có điểm tập kết rác thải tập trung. Vấn đề nữa là người dân chưa có nước sạch để sử dụng; việc quy hoạch nghĩa trang tập trung cũng khó khăn bởi quỹ đất không có, động vào chỗ nào cũng là ruộng của nhân dân, ruộng thì đã được giao khoán từ lâu. Bởi vậy, xã có 7 thôn thì tất cả đều có nghĩa trang, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Mục tiêu năm 2015, Thanh Lương phấn đấu thực hiện thêm 2 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt hết năm 2015 lên 12 tiêu chí song tiêu chí môi trường cũng chưa được địa phương đề cập.

Cũng giống như Thanh Lương, xã Phù Nham cũng được huyện Văn Chấn chọn để làm điểm xây dựng NTM. Theo kế hoạch, năm 2015, xã sẽ đạt tiêu chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Phù Nham còn vướng mắc lớn là tiêu chí về môi trường. Ngoài các hạng mục khác cơ bản đã hoàn thành thì một số hạng mục vẫn chưa đạt như: tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh mới đạt 64%, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh cũng mới đạt 39%. Do vậy, kế hoạch đến hết năm 2016, Phù Nham sẽ phải đạt xã NTM là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Như trao đổi của ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, đơn vị cũng rất tích cực tham mưu cho huyện xây dựng phương án chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục của Bộ tiêu chí xây dựng NTM.

Tuy nhiên, với địa bàn rộng, trong tổng số 31 xã, thị trấn thì có tới hơn một nửa số xã thuộc diện vùng cao đặc biệt khó khăn, tập quán sinh hoạt lạc hậu như: chăn thả, nuôi nhốt gia súc gầm sàn nhà; ăn, ở không hợp vệ sinh; việc chôn cất người chết; thu gom, xử lý rác thải; nước sạch… vẫn là vấn đề nan giải đã khiến cho việc xây dựng NTM của huyện gặp không ít khó khăn. Sau 4 năm triển khai Chương trình, trong số 6 xã điểm của huyện là: Thượng Bằng La, Tân Thịnh, Đại Lịch, Phù Nham, Thanh Lương, Sơn A đã đạt từ 10 - 13 tiêu chí nhưng tiêu chí môi trường vẫn chưa đạt. Mặc dù mục tiêu trong năm 2015 này, mỗi xã đều phấn đấu đạt thêm từ 2 - 4 tiêu chí nữa song cũng chưa có xã nào đề cập tiêu chí môi trường. "Có xã thì được hạng mục này lại vướng mắc hạng mục khác. Chúng tôi cho rằng, nếu không có sự đầu tư, vào cuộc của các ngành chức năng thì tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí khó có thể hoàn thành" - ông Toản chia sẻ thêm.

Nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước, khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Trạm Tấu cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì khó khăn đầu tiên phải kể đến là tỷ lệ hộ nghèo cao, 90% là đồng bào dân tộc Mông, dân cư phân bố không tập trung; phong tục, tập quán trong sinh hoạt hàng ngày vẫn lạc hậu; trình độ dân trí thấp, ý thức người dân chưa cao; nhận thức của cán bộ cấp xã về xây dựng NTM vẫn còn mơ hồ; tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn lớn… Chính bởi vậy, sau 4 năm thực hiện Chương trình, ngoài 1 xã duy nhất là Hát Lừu được chọn làm điểm đạt 11/19 tiêu chí thì các xã còn lại mới đạt 3/19 tiêu chí. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là tiêu chí môi trường rất khó thực hiện bởi tập quán lạc hậu đã ăn sâu bám rễ trong đồng bào. Chẳng hạn như: người chết không cho vào quan tài, bón cơm cho người chết; nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn; chôn cất người chết nơi đầu nguồn nước… rất khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Với điều kiện thuận lợi về mọi mặt, Hát Lừu là xã duy nhất được huyện Trạm Tấu chọn làm điểm để xây dựng NTM. Ông Lò Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Đối với địa phương, vấn đề quy hoạch nghĩa trang coi như không phải bàn tính bởi xã đã có khu nghĩa trang tập trung tại Bản Lừu tương đối rộng. Song xét về lâu dài, khu vực này lại nằm ở khu đầu nguồn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và nguồn nước của nhân dân. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải của xã cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù tại các thôn, bản đều có hố rác để xử lý rác tại chỗ song cũng chỉ tiêu hủy được các loại rác hữu cơ, còn các loại rác thải vô cơ, rác thải rắn vẫn chưa có cách xử lý, không có điểm thu gom rác thải tập trung, rồi vấn đề nhà tiêu hợp vệ sinh, vấn đề nước sạch, vấn đề chăn thả gia súc… vẫn là những thách thức lớn với địa phương. Bình quân mỗi năm, huyện đều giao chỉ tiêu cho các xã phấn đấu hoàn thiện từ 2 - 3 tiêu chí. Hát Lừu phấn đấu đến trước năm 2020 sẽ đạt xã NTM song nếu không có sự đầu tư hỗ trợ thêm của Nhà nước thì tiêu chí môi trường sẽ là cản trở lớn nhất trong lộ trình đạt chuẩn NTM của xã".

Như vậy, có thể thấy, việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các địa phương, nhất là các xã vùng cao hiện đang là một trong những vấn đề cấp bách. Chính vì vậy, thời gian tới, các địa phương và các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đầu tư ngân sách để xây dựng hệ thống xử lý rác thải tập trung, quy hoạch nghĩa trang tập trung, đầu tư nguồn nước sạch hợp vệ sinh cho nhân dân, vận động nhân dân cùng tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư" để môi trường ngày càng trong sạch, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn, miền núi. Có như vậy, việc thực hiện đạt 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí về môi trường mới có thể hoàn thành theo đúng kế hoạch xây dựng NTM của các địa phương.

Thanh Tân

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

100% tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Hòa Cuông hiện đã được bê tông hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên thêm hân hoan khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao đã cán đích thành công.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc (CSHP) cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục