Người dân Tuy Lộc chung tay giữ vững xã nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2016 | 7:11:19 AM

YBĐT - Được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Tuy Lộc đã hoàn thành 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí. Tuy nhiên, để các tiêu chí NTM thực sự hiệu quả bền vững, đòi hỏi Tuy Lộc phải có hướng đi, cách làm đúng.

Xã Tuy Lộc duy trì các tổ tự quản về vệ sinh môi trường của các tổ chức hội, đoàn thể.
Xã Tuy Lộc duy trì các tổ tự quản về vệ sinh môi trường của các tổ chức hội, đoàn thể.

 Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thành phố Yên Bái và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, năm 2014, xã Tuy Lộc trở thành xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Cùng với niềm vui được công nhận là xã đạt chuẩn NTM thì lãnh đạo xã cũng trăn trở để tìm các giải pháp giữ vững và nâng cao hơn các tiêu chí đã đạt.

Được công nhận xã đạt chuẩn NTM, Tuy Lộc đã hoàn thành 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí. Tuy nhiên, để các tiêu chí NTM thực sự hiệu quả bền vững, đòi hỏi Tuy Lộc phải có hướng đi, cách làm đúng. Trong các tiêu chí như: giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ nông thôn... được xem là tiêu chí “cứng”.

Với sự đầu tư của Nhà nước và huy động nội lực từ nhân dân thì các tiêu chí này cơ bản ổn định và bền vững. Tuy nhiên, các tiêu chí “mềm” như: môi trường, thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự... được xem là khó bởi ranh giới giữa đạt và không đạt các tiêu chí này vốn mong manh và dễ rơi vào tình trạng không bền vững. Những tiêu chí này mặc dù khi xây dựng không phải đầu tư quá nhiều công sức, tiền của nhưng để giữ vững được phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động vì phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân.

Cụ thể, việc thực hiện tiêu chí số 19 về an ninh, trật tự xã hội, đạt được không quá khó nhưng để giữ vững mới thực sự là khó. Theo lãnh đạo xã Tuy Lộc thì chỉ cần trên địa bàn xã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây rối trật tự xã hội, nạn trộm cắp… là trong năm đó xã đã không duy trì được tiêu chí này. Đặc biệt, một số trường hợp xảy ra trên địa bàn nhưng không do người dân địa phương gây ra cũng gây ảnh hưởng đến kết quả xem xét tiêu chí 19 hàng năm.

Do đó, lãnh đạo xã đã chỉ đạo lực lượng công an xã phải thường xuyên phối hợp với lực lượng quân sự làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn. Xã kịp thời giải quyết các loại đơn thư, kiến nghị của người dân, không để người dân bức xúc và xảy ra khiếu kiện vượt cấp.

Đồng thời, gắn Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đẩy lùi và xóa bỏ các tệ nạn xã hội,  bảo đảm an ninh nông thôn, duy trì trật tự an toàn xã hội. Cùng với tiêu chí về an ninh trật tự thì tiêu chí về môi trường cũng được xã Tuy Lộc đặc biệt quan tâm vì đây cũng là một tiêu chí khó giữ do phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân. Lãnh đạo xã giao cho các hội, đoàn thể thường xuyên nâng cao hoạt động của tổ tự quản về vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, góp phần cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Song song với việc tìm các giải pháp giữ vững các tiêu chí “mềm” như an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... thì Tuy Lộc cũng tích cực huy động các nguồn lực kinh tế từ các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao các tiêu chí khác như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân nên tiêu chí về thu nhập được xã quan tâm nâng cao. Dựa trên các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, xã tạo thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn...

Hiện nay, toàn xã có 20 mô hình chăn nuôi lợn có quy mô 50 con trở lên được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đang phát huy hiệu quả. Vừa qua, Tuy Lộc đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất thử nghiệm mô hình rau sạch diện tích 3 ha, với sự tham gia của 54 hộ dân, tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 250 triệu đồng. Từ những hướng đi, việc làm cụ thể, thu nhập của người dân nâng lên trông thấy.

Từ khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, có thể dễ dàng nhận thấy bức tranh nông thôn Tuy Lộc ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất - tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Từ mức thu nhập bình quân khi xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2014 đạt 25 triệu đồng/người/năm thì năm 2015 đạt 26,5 triệu đồng/người/năm và dự kiến hết năm 2016 sẽ đạt 27 triệu đồng/người/năm.

Đồng chí Nguyễn Đức Luận – Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho biết: “Xây dựng xã đạt chuẩn NTM đã khó, nâng cao và giữ vững các tiêu chí càng khó hơn nên Tuy Lộc xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, hàng năm, địa phương đều xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu, nói đúng và làm đúng. Đồng thời phải thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, từ đó có cách tuyên truyền phù hợp và hiệu quả nhằm thay đổi từ nhận thức đến hành động của nhân dân trong việc chung tay cùng cấp ủy, chính quyền giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM”.

 Hồng Duyên

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

100% tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Hòa Cuông hiện đã được bê tông hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên thêm hân hoan khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao đã cán đích thành công.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc (CSHP) cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục