Sơn Lương vượt khó về đích

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2016 | 12:18:54 PM

YBĐT - Xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn có 9/10 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, 75% dân số là đồng bào Thái, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 86%.  Sau gần 6 năm xây dựng nông thôn mới, xã đạt 7/19 tiêu chí.

Nhân dân xã Sơn Lương tham gia thi công hệ thống kênh mương nội đồng.
Nhân dân xã Sơn Lương tham gia thi công hệ thống kênh mương nội đồng.

 Xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn có 9/10 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, 75% dân số là đồng bào Thái, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 86%. Bởi vậy, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Sơn Lương gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, sau gần 6 năm xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Lương đạt 7/19 tiêu chí.

Ông Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã có 10 thôn, bản thì 9 thôn là đường đất, nên ngay sau khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã ưu tiên phát triển giao thông nông thôn”. Để thực hiện tiêu chí này, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức, hiến đất làm đường lồng ghép với các chương trình, dự án của Chính phủ và năm 2012, những đoạn đường bê tông đầu tiên được triển khai tại thôn Nà La.

Sau hơn 2 tháng thi công, 2 km đường liên thôn nối liền thôn Nà La đi thôn Bản Lầm đã hoàn thành. Ưu tiên chỗ nào khó khăn, lầy lội làm trước, chỗ dễ làm sau. Với phương châm chậm nhưng phải chắc, xã nhất quyết không chạy theo thành tích. Từ thôn Nà La đến những thôn khác, những con đường lầy lội mùa mưa ngày nào, nay đã được bê tông hóa giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Sau gần 6 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong số 9 km đường liên thôn, bản, xã đã bê tông hóa được 8,4 km. Tuyến đường liên thôn từ thôn Bản Mười đi xã Sùng Đô, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân đóng góp công sức san gạt nền đường, kết hợp với các nguồn vốn khác để bê tông hóa trong thời gian sớm nhất.

Đi trên con đường bê tông phẳng phiu từ thôn Bản Lầm chạy dài qua thôn Nà La đến thôn Bản Tủ, ông Hà Văn Hưng phấn khởi cho biết: “Kể từ ngày con đường hoàn thành đã giúp cho việc giao thương thuận tiện hơn. Bây giờ chỉ cần gọi điện thoại là ô tô vào tận cuối thôn để bốc hàng. Cũng nhờ con đường này mà xã trở nên văn minh hơn rất nhiều. Hiện tại, còn mấy trăm mét đường liên thôn từ thôn Nà La đến thôn Bản Tủ, dự tính cuối năm nay sẽ hoàn thành”.

Trường Mầm non Sơn Lương cũng vừa mới khánh thành được xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, các tổ chức xã hội và nguồn lực xây dựng nông thôn mới trị giá 200 triệu đồng. Trước kia, khi chưa có ngôi trường này, học sinh phải học ở ngôi trường cũ đã xuống cấp nên lo lắng nhất là những hôm mưa to gió lớn. Việc đưa vào sử dụng ngôi trường mới cũng giúp xã hoàn thành thêm tiêu chí về giáo dục. Xã cũng đã tập trung xác định cây, con, ngành nghề lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ đó, sau gần 6 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng được chú trọng. Đến nay, tỷ lệ đường liên thôn, bản được cứng hóa đạt 90%, đường trục chính nội đồng cơ bản bảo đảm cho xe cơ giới đi lại phục vụ sản xuất; hệ thống thủy lợi đáp ứng được yêu cầu sản xuất; 87% số hộ dân thường xuyên được sử dụng điện chất lượng, an toàn; 8/10 thôn có nhà văn hóa; xã không còn nhà dột nát; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người hết năm 2015 đạt 13 triệu đồng/người/năm; số người có việc làm thường xuyên chiếm gần 50% số lao động trong độ tuổi; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mang thế mạnh của địa phương như mô hình trang trại, nông trại với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; vấn đề môi trường được chú trọng. Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phấn đấu hết năm 2016, xã Sơn Lương hoàn thành thêm 2 tiêu chí, nâng tổng số hết năm 2016 là 9/19 tiêu chí hoàn thành. Tuy nhiên, qua gần 6 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Sơn Lương còn bộc lộ một số khó khăn như: nhận thức của một số cán bộ và người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, nên nhân dân chưa phát huy tích cực vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Việc đầu tư cho các hạng mục, công trình của Nhà nước còn dàn trải, dẫn đến huy động sự đóng góp của người dân chưa cao. Việc chỉ đạo triển khai thực hiện các tiêu chí còn nhiều lúng túng, dẫn đến tiến độ còn chậm. Một số tiêu chí như: môi trường, chợ nông thôn, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo… là những tiêu chí khó khăn. Do vậy, để đạt mục tiêu xã nông thôn mới vào năm 2020, Sơn Lương còn phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành.

Lê Thanh

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục