Xây dựng nông thôn mới ở Phù Nham: Lấy sức dân để lo cho dân

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/10/2016 | 7:10:11 AM

YBĐT - Quan điểm không chạy đua theo hạ tầng; không để nợ cho dân... được cấp ủy, chính quyền xã Phù Nham quán triệt thực hiện triệt để, quyết liệt và linh hoạt.

Đến nay 7 km trục đường liên xã ở Phù Nham đã được bê tông hóa và nhựa hóa.
Đến nay 7 km trục đường liên xã ở Phù Nham đã được bê tông hóa và nhựa hóa.

Đến xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, không khó để cảm nhận không khí háo hức của người dân đón chờ ngày xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Sao lại không vui khi mà nhiệt huyết và sức dân đồng lòng kiên trì, bền bỉ xây dựng NTM trong suốt 5 năm qua, giờ đã kết tinh thành quả, đưa Phù Nham trở thành xã đầu tiên của huyện Văn Chấn, cũng là xã đầu tiên trong khu vực các huyện, thị miền Tây của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn xã NTM.

Là địa phương rộng nhất nhì của vùng lòng chảo Mường Lò, xã Phù Nham có diện tích đất tự nhiên trên 2.000 ha, chia thành 18 thôn, bản với trên 1.800 hộ, gần 8.000 nhân khẩu. Xã có 10 dân tộc, trong đó trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bắt tay xây dựng NTM, Phù Nham cũng như không ít địa phương khác trong vùng, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Thế nhưng, bí quyết để đưa Phù Nham thành công và sớm trở thành xã đầu tiên của huyện Văn Chấn, đồng thời cũng là xã đầu tiên khu vực các huyện, thị miền Tây của tỉnh đạt chuẩn xã NTM, theo Chủ tịch UBND xã  Phùng Văn Đồng thì sức mạnh nằm chính ở nơi dân.

Một yếu tố quan trọng khác tạo nền tảng cho thành công trong xây dựng NTM ở Phù Nham, đó là quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, nhất quán quan điểm: không cứng nhắc; không chạy đua theo hạ tầng; không để nợ cho dân...

Nói thì dễ nhưng để biến chủ trương, quan điểm chỉ đạo của địa phương trở thành hiện thực trong triển khai xây dựng NTM suốt 5 năm qua là việc làm không dễ.

Xác định rõ người dân mới là chủ thể chính của NTM, xã Phù Nham chú trọng vận động, thuyết phục để đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, tuyên truyền làm nhuần nhuyễn về công tác tư tưởng. Qua đó, mỗi tổ chức và từng cá nhân hiểu rõ nội dung, cách làm, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xây dựng NTM.

Bài học quan trọng nhất là cấp ủy Đảng đã chọn được bước đi đúng đắn, thích hợp trong từng giai đoạn cụ thể, bám sát thực tiễn, đưa ra các chủ trương, giải pháp sát và hợp với lòng dân; phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực sự coi trọng và đề cao vai trò của nhân dân, nhất là vai trò giám sát đi đôi với việc thực hành dân chủ.

 

Nhiều tuyến đường liên thôn có bề rộng mặt đường từ 2 - 3 m đã được bê tông hóa bằng nguồn vốn hoàn toàn do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động nội lực là chính, tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước”, trên cơ sở công khai, minh bạch việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM đến từng đoàn thể, từng thôn, bản và mỗi gia đình để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đây là bài học có tính quyết định.

Chủ tịch UBND xã Phùng Văn Đồng khẳng định: “Khó khăn là xã thuần nông, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, sở dĩ Phù Nham xây dựng thành công NTM là bởi địa phương đã vận dụng linh hoạt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư với phương châm huy động nội lực là chính, kết hợp với kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài. Đặc biệt, khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của các cá nhân, hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn có tiềm lực và tâm huyết với nông thôn để họ tham gia đóng góp một cách tích cực, trách nhiệm theo cách “lấy sức dân để lo cho dân”, tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước. Điều quan trọng là nhân điển hình người tốt việc tốt, tôn vinh đóng góp và cống hiến của người dân trong xây dựng NTM. Qua đó, khích lệ, tạo động lực lớn khuyến khích nhân dân tham gia các phong trào của địa phương...”.

Quan điểm không chạy đua theo hạ tầng; không để nợ cho dân... được cấp ủy, chính quyền xã Phù Nham quán triệt thực hiện triệt để, quyết liệt và linh hoạt. Giai đoạn 2011 - 2016, xã huy động nguồn lực xây dựng NTM đạt trên 32,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thực hiện Đề án Xây dựng NTM trên 5,1 tỷ đồng, nguồn lực huy động từ nhân dân tham gia làm NTM là gần 8 tỷ đồng. Đối với tiêu chí về hạ tầng, thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã Phù Nham đã được đầu tư trên 22 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trong đó người dân tự nguyện đóng góp trên 2 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND xã - Phùng Văn Đồng chia sẻ: “Năm 2015, lần đầu tiên địa phương tổ chức gặp mặt các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải và các hộ kinh doanh trên địa bàn để kêu gọi sự ủng hộ và đây là một thành công rất lớn. Với quan điểm có gì ủng hộ nấy chứ không cứng nhắc, địa phương trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của nhân dân dù lớn, dù nhỏ. Do vậy, các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện trong và ngoài xã tham gia ủng hộ hết sức tự nguyện, trách nhiệm và nhiệt tình. Ví dụ như làm giao thông nông thôn, có ngày xã huy động tới 22 phương tiện máy móc các loại để làm đường, lu lèn, chuyên chở vật liệu; ngày ít cũng gần chục phương tiện. Đối với những công trình Nhà nước hỗ trợ, xã không áp đặt mà phân tích cho nhân dân thấy được cái lợi, đưa ra để dân bàn, dân quyết định và thực hiện. Thế nên, có những thôn 3 - 4 năm liên tục đăng ký làm giao thông nông thôn mà nguồn lực hoàn toàn là do nhân dân tự nguyện đóng góp. Đến nay, trên địa bàn xã Phù Nham, 7 km trục đường liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa; 6,5 km đường liên thôn, 15,8 km đường trục thôn và 5 km đường trục chính nội đồng được bê tông hóa; 18,5 km còn lại cơ bản đã được rải cấp phối, không còn đường đất lầy lội vào mùa mưa”.

 

Mô hình trang trại nuôi bò giống mới tại thôn Suối Quẻ, xã Phù Nham.

Phù Nham đã được Hội đồng thẩm định của tỉnh kiểm tra, đánh giá thực hiện đạt 19/19 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Những thành tựu quan trọng đạt được, trong đó mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 22 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10,8%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 92,2%; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, có nếp sống văn hóa tốt, môi trường sinh thái đảm bảo... được địa phương xác định là nền tảng vững chắc để từng bước duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí. Đạt NTM chỉ là kết quả bước đầu. Điều mà đội ngũ cán bộ địa phương quan tâm hơn cả khi đã trở thành xã NTM, ấy là đáp ứng ngày một tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; là thay đổi cách làm ăn cho phù hợp để có thu nhập cao, ổn định và bền vững.

Trăn trở với những tiêu chí khó, Chủ tịch UBND xã Phùng Văn Đồng cho rằng, khó nhất vẫn là con người. Không phải ngẫu nhiên tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh lại được xếp ở vị trí số 18 trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Làm NTM chính là đổi mới tư duy trong mỗi chủ thể. Nếu không chú trọng quan tâm giáo dục cán bộ, đào tạo nâng cao năng lực và trách nhiệm thực hành dân chủ của đội ngũ cán bộ cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm... thì rất khó đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ xây dựng NTM trong những giai đoạn tiếp theo.

Đây cũng là điều mà đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống trong chuyến kiểm tra thực tế tình hình xây dựng NTM tại Phù Nham mới đây luôn mong muốn, gửi gắm ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, đó là: “Muốn đời sống nhân dân trong xã ngày càng khá hơn thì lãnh đạo huyện Văn Chấn và xã Phù Nham cần phải đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, quan tâm và lo cho dân, nghĩ ra những việc để làm, phải học tập để đem lại lợi ích cho nhân dân...” .

Minh Thúy

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

100% tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Hòa Cuông hiện đã được bê tông hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên thêm hân hoan khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao đã cán đích thành công.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc (CSHP) cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục