Cũng như nhiều địa phương khác, bước vào xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Lợi gặp nhiều khó khăn của một xã thuần nông có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về xây dựng nông thôn mới có mặt còn hạn chế; một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống của nhân dân, trong thời gian qua, xã Nghĩa Lợi đã lồng ghép từ nhiều chương trình trong xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí trên 121 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 114 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế.
Sau 6 năm triển khai, xã đã kiên cố hóa 95% đường thôn xã; 88% đường ngõ xóm, 66% đường nội đồng, 100% số dân được sử dụng điện lưới quốc gia; bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc, đường làng, ngõ xóm xanh sạch đẹp. Đặc biệt, xã không phải "nợ tiền”, nhân dân đã nhận thức và hiểu được lợi ích thiết thực mà nông thôn mới đem lại.
Nói là vậy nhưng trong quá trình xây dựng thực hiện đâu có dễ, nhất là về tiêu chí hộ nghèo và nhà ở. Ông Lường Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: "Để đạt chuẩn các tiêu chí này, xã đã chủ động rà soát từng hộ, xem các hộ nghèo cần gì để thoát nghèo bền vững; đồng thời, phổ biến kiến thức, cách làm để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.
Ông Lò Văn Nga ở thôn Bản Xa cho biết ông đã được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, được thị xã hỗ trợ 100 con gia cầm và hướng dẫn làm ăn nên gia đình đã thoát nghèo. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay, xã Nghĩa Lợi đã có 90/168 hộ thoát được nghèo.
Để chương trình xây dựng nông thôn mới về đích đúng hẹn, Đảng bộ xã đã tích cực tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi; vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công... được người dân đồng tình ủng hộ cao.
Xác định phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân là nhiệm vụ trung tâm, cùng với xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, Nghĩa Lợi tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi gà, trồng rau an toàn, trồng ớt xuất khẩu.
Hội Nông dân xã đã vận động hội viên tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, như trồng nấm rơm tại các chi hội: Bản Chao 2, Bản Nà Làng; mô hình trồng rau sạch bản Sang Thái, Sang Đốm và trồng ngô vụ 3 trên đất lúa 2 vụ được duy trì và ngày càng phát triển, có chất lượng. Hội Phụ nữ xã xây dựng nhiều mô hình tự quản về môi trường.
Đặc biệt, từ các dự án phát triển sản xuất trong nguồn vốn mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Lợi đã hỗ trợ cho nhiều hộ chăn nuôi trâu nái, chăn nuôi lợn; vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu diện tích lúa hàng năm sang trồng lúa hàng hóa chất lượng cao như: Chiêm hương, Séng cù, Nghi hương trên 80% diện tích.
Ngoài hai vụ lúa hàng năm, Nghĩa Lợi còn vận động nhân dân tăng gia sản xuất vụ đông, đưa diện tích từ 87 ha năm 2011 lên 116 ha năm 2017 với giống cây chủ lực là ngô. Nhờ đó, tổng sản lượng có hạt toàn xã từ 1.720 tấn năm 2011 tăng lên lên 20.49, tấn năm 2016.
Đến nay, bình quân thu nhập đầu người ở Nghĩa Lợi đạt 20 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 10,87%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xã đã đạt được 19/19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới.
Nói về bài học kinh nghiệm, ông Lường Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi khẳng định: "Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân chính là chủ thể. Cần xác định được những công trình, công việc cần thiết của người dân và tập trung thực hiện có hiệu quả để tạo niềm tin cho người dân; phải đoàn kết thống nội bộ, phát huy tính dân chủ, người đứng đầu phải quyết liệt và đi đầu trong mọi phong trào. Trong quá trình xây dựng đề án phải sát, đúng, phù hợp với điều kiện của địa phương, cán bộ phải nhiệt tình, trách nhiệm, năng động với công việc, có sự giám sát của cộng đồng để đảm bảo tính công khai, minh bạch...”.
Văn Tuấn