Cường Thịnh vững vàng cán đích

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/8/2018 | 1:58:56 PM

YBĐT -  Hết năm 2017, số hộ nghèo trong xã giảm còn chưa đầy 10%, số hộ khá, giàu có nhà xây hai ba tầng chiếm 40%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng.

Trung tâm xã Cường Thịnh đã mang dáng dấp của một thị tứ.
Trung tâm xã Cường Thịnh đã mang dáng dấp của một thị tứ.


Xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên giáp ranh với thành phố Yên Bái, cách trung tâm phố huyện chưa đầy 5km, nhưng lại là một xã thuần nông, điểm xuất phát thấp. 

Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Cường Thịnh mới đạt 5 tiêu chí. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng” đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đang trình cấp trên thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM.
 
Cũng như nhiều địa phương thuần nông khác, khi bắt tay XDNTM, Cường Thịnh tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài, huy động tối đa nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững.
 
Trong đó, chú trọng đào tạo nghề, vận động người dân chuyển đổi mùa vụ, cây trồng vật nuôi; đưa các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế đồi rừng.
 
Bên cạnh đó, với đặc thù của các thôn, xã đã lãnh đạo, chỉ đạo và phân vùng phát triển kinh tế theo lợi thế của từng thôn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Với lợi thế hơn 1.000 ha đất trồng rừng sản xuất, trước đây chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy, cây lấy gỗ thông thường nay chuyển dần sang trồng quế và trồng xen cây dược liệu.
 
Đến nay, toàn xã đã có trên 200 ha quế trồng xen cây dược liệu cho thu nhập khá cao. Thôn Hiển Dương có lợi thế phát triển chăn nuôi, xã quy hoạch, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật và vận động người dân chăn nuôi theo hướng hàng hóa và thị trường.
 
Từ một xã gần như không có sản phẩm hàng hóa gì, nay đã có 30 mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô lớn. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Viết Huy là những điển hình trong phát triển chăn nuôi gia cầm hàng hóa, mỗi năm xuất bán hàng chục ngàn con gà thịt, mang lại lợi nhuận cả tỷ đồng.
 
Đối với những diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản được gần 30ha, sản lượng khai thác bán ra thị trường đạt trên 140 tấn, mỗi năm mang về hàng chục tỷ đồng cho người dân, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
 
Từ một làng quê nghèo, đến nay việc nhiều gia đình đã có thu nhập cả tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi một vài trăm triệu đồng không còn là chuyện hiếm như gia đình anh Đỗ Việt Bắc, Lương Văn Đảng, gia đình chị Lương Thị Lập chăn nuôi thủy sản. Trồng cây ăn quả có múi phải kể đến gia đình anh Nguyễn Viết Quang với 3 ha bưởi các loại, 2 ha đã cho thu hoạch năm 2017, sau trừ chi phí còn lãi 145 triệu đồng...

Nhờ phát triển kinh tế, đời sống vật chất tinh thần người dân đã được nâng lên. Hết năm 2017, số hộ nghèo trong xã giảm còn chưa đầy 10%, số hộ khá, giàu có nhà xây hai ba tầng chiếm 40%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng và năm 2018 này, khi các mô hình kinh tế bắt đầu cho thu hoạch chắc chắn đạt không dưới 31 triệu đồng. Song song với phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng không ngừng được phát triển.
 
Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Tất Kiên phấn khởi cho biết: "XDNTM, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt. Nhưng vui hơn là đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình, người dân đã nhận thức rõ XDNTM là làm cho dân, dân là người thụ hưởng. Từ đó, chung tay, chung sức, đồng lòng góp công, góp của xây dựng hạ tầng nông thôn”.
 
Mặc dù đang chờ ngành chức năng thẩm định, nhưng Cường Thịnh đã có 100% đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa vào cấp; 92,2% trục đường thôn được bê tông hóa; 60% đường ngõ, xóm cũng được bê tông hóa; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80%, 50% kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa; 6/6 thôn đều có nhà văn hóa để bà con sinh hoạt, hội họp...

Phát huy kết quả đã đạt được, trong những năm tiếp theo Cường Thịnh tiếp tục tuyên truyền và nâng cao hơn một bước về các tiêu chí trong XDNTM. Đặc biệt, thực hiện các giải pháp có tính đột phá mạnh mẽ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay đổi hình thức sản xuất từ nông hộ sang sản xuất nhóm hộ, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh liên kết để sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập, làm giầu bền vững.

 Thanh Phúc

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận của Chủ tịch UBND tỉnh cho xã Hoàng Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

YBĐT - Ngày 29/8, UBND huyện Văn Yên tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Hoàng Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. 

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Mai Sơn (Lục Yên) trồng cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Đến tháng 7/2018 trên địa bàn huyện có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Liễu Đô và Trúc Lâu; hiện xã Mai Sơn đã tiến hành thẩm tra các tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị thẩm định.

Nhân dân xã Suối Giàng tham gia bê tông hóa đường giao thông nông  thôn.

YBĐT - Với nhiều giải pháp sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và sự góp sức tích cực của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã có những chuyển biến mạnh mẽ; đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.

Mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Vĩnh Kiên.

YBĐT - Hiện nay, huyện Yên Bình có 7 xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, gồm: Đại Minh, Hán Đà, Mông Sơn, Vĩnh Kiên, Phú Thịnh, Bạch Hà, Thịnh Hưng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục