Hạt “vàng” nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/1/2019 | 8:11:52 AM

YBĐT - Nông thôn mới (NTM) ở Vân Hội dưới góc nhìn và cảm hiểu của người dân địa phương thì đó là sự bứt phá, là giấc mơ, là sự đổi đời... 

Trục đường Vân Hội - Quân Khê được mở rộng có gần 500 mét vuông đất do gia đình ông Thưởng hiến tặng.
Trục đường Vân Hội - Quân Khê được mở rộng có gần 500 mét vuông đất do gia đình ông Thưởng hiến tặng.

Có sự đồng lòng, tự nguyện và còn có cả những hy sinh lợi ích của cải vật chất lặng thầm của mỗi cái tôi cá nhân ở địa phương này để làm nên thành quả quan trọng NTM. Trong số những hạt "vàng” của NTM ở Vân Hội, không thể không nhắc đến gia đình ông Hoàng Văn Thưởng, 85 tuổi, dân tộc Tày thôn Minh Phú...


Như đã hẹn trước, anh cán bộ tên Tuấn làm công tác văn hóa xã vui vẻ đưa chúng tôi tới thăm gia đình ông bà Thưởng. Không khó tìm, ngôi nhà gỗ lợp ngói 5 gian làm từ những thập niên 60 của thế kỷ trước xanh mát cây trái bao quanh cách trụ sở UBND xã không xa. 

Tiếp chuyện chúng tôi bên tách trà nóng, thơm hương, ông bà Thưởng chẳng giấu diếm điều gì. Chuyện cháu con phương trưởng đều công tác tại Hà Nội - điều mà ông bà luôn tự hào. 

Chia sẻ quan điểm sống của tuổi già khi đã ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm", ông bà cho rằng: cốt là lấy cái vui vầy hòa thuận làm trọng; còn làm được gì có ích cho con cháu, cho cộng đồng thì gắng công làm. Gốc gác ông cha mấy đời ở đất này, nên ông Thưởng am tường về đất Vân Hội hơn ai hết. 

Ông kể: "Đất ông bà tôi xưa rộng lắm, hết cả khu này. Những năm 60, nơi đây rậm rạp, rừng sát chân làng, nhà dân thưa thớt chứ không đông đúc, sầm uất như nay. Khai phá ra rồi, dân miền xuôi lên làm công nhân, cho bớt người ta đất cùng ở để đỡ hoang vắng. Bà Hợi - vợ tôi, gia đình cũng là người dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới... Đất đai thời trước, ước khoảng cho nhau chứ đâu có giá trị từng mét như bây giờ”. 

Tiếp câu chuyện của chồng, bà Hợi bộc bạch: "Trước ông nhà tôi làm công tác bên ngành tài chính của huyện, sau rồi về công tác ở ngành tài chính tỉnh. Tôi xưa cũng tham gia công tác - làm giáo viên, nhưng nhà đông con, ông ấy đi công tác suốt nên rồi cũng nghỉ. Năm 1984, ông nhà tôi xin nghỉ chế độ sớm về phát triển kinh tế nuôi các con ăn học...”. 

Ông Thưởng trân trọng lắm công lao của vợ. Ông biết ơn bà về sự hy sinh. Hơn nhau gần chục tuổi, nắm tay nhau đi qua bao thăng trầm của cuộc đời, giờ mắt đã mờ, chân đã chậm, ông bà vẫn kính trọng nhau hết mực. Đất nhà rộng hơn 2 ha, chỉ ông với chị giúp việc chăm nom. Bà Hợi bệnh tim, ông giữ bà quanh quẩn trong nhà, không cho động mó việc gì...

Ông Thưởng hơi lặng tai - bệnh của người già, bà Hợi bảo thế, nhưng thông tuệ. Ông rất phấn khởi trước sự đổi thay của quê mình. Người đảng viên dân tộc Tày hơn 50 năm tuổi Đảng này, mà chính xác là ngày 1/1/2019, ông tròn 55 năm tuổi Đảng luôn giữ trọn một niềm tin với Đảng. 

Ông bảo, có sống qua cái thời binh biến mới trân quý hạnh phúc của độc lập, tự do mà Đảng của Bác Hồ mang đời ấm no cho toàn dân tộc. Chẳng thế mà gia đình ông bà vẫn luôn là gia đình gương mẫu, gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Phong trào xây dựng NTM ở xã Vân Hội, gia đình ông Thưởng là hạt nhân tiêu biểu. 

Gợi chuyện, ông Thưởng cười hiền: "Chả riêng gia đình tôi đâu mà bà con trong xã, nhà nào cũng phấn khởi. NTM là chủ trương lớn của Đảng. Không có xây dựng NTM lấy đâu ra đường làng rộng rãi phong quang; lấy đâu ra kinh tế gia đình phát triển. Xã chúng tôi đúng là đổi đời từ xây dựng NTM. Cũng có người bảo tôi, hiến làm gì nhiều đất thế. Đất ấy bán đi cũng có tiền tỷ. Có người lại tưởng mình tích cực hiến nhiều đất để được đền bù nhiều...".

"Mà kể ra thì đúng là thế. Đất ở Vân Hội giờ tấc đất là tấc vàng nhưng vợ chồng tôi không tiếc. Mình hiến đất cho làng cho xã mở đường sá xây dựng quê hương thì tính gì, so đo gì chuyện nhiều tiền, ít tiền. Xã có phát triển thì mới mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế làm giàu. Nghĩ thế, nên vợ chồng tôi vui vẻ ủng hộ. Mừng là các con cũng rất đồng thuận với việc làm của ông bà già này” - ông Thường chia sẻ. 

Đất vườn của gia đình ông bà Thưởng chạy dài hai bên trục đường Vân Hội - Quân Khê, được quy hoạch mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 7,5m. Ngày xã vận động hiến đất mở đường, ông bà vui vẻ hiến tặng gần 500 m2 đất mặt đường, trị giá cả tỷ đồng mà chẳng nghĩ suy chuyện đền bù tiền bạc. 

Ông cũng tuyên truyền, vận động để bà con chòm xóm quanh mình thấy được cái lợi lâu dài mà không tính đếm chuyện thiệt hơn, nhiều ít cùng nhau đồng thuận ủng hộ phong trào chung của địa phương. 

Từ những hạt "vàng”, những điển hình đảng viên, những công dân gương mẫu, tích cực, trách nhiệm với công việc chung của thôn của xã như gia đình ông Hoàng Văn Thưởng, ông Lê Ngọc Lợi, Nguyễn Văn Quang, Đặng Tiến Dũng, Nguyễn Văn Minh... mà công cuộc xây dựng NTM ở Vân Hội đã thành công hơn cả mong đợi. 

Xây dựng NTM, Vân Hội đã huy động nguồn lực nhân dân đóng góp trên 6,1 tỷ đồng. Đã hiến trên 2,4 ha đất để xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường nút giao IC12, đường đi Việt Hồng, đường trung tâm xã, các tuyến đường trục thôn, nội thôn; công trình sân vận động, nhà văn hóa... Trong đó, hơn 7.000 m2 do các hộ dân ở thôn 7 khu trung tâm hiến tặng, trị giá gần 4 tỷ đồng để mở rộng tuyến đường trung tâm xã. 

Vân Hội bứt phá vươn lên trở thành xã NTM phát triển của huyện Trấn Yên. Gia đình ông Hoàng Văn Thưởng được tôn vinh là gia đình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng NTM của xã. 

Ngày xã đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM, con cháu ông Thưởng quây quần về bên cha mẹ để chúc mừng ông bà và còn để chung vui, đóng góp với địa phương bằng trách nhiệm của những người con quê hương. Ông Thưởng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. 

Vinh dự hơn, năm 2017, ông là 1 trong số 12 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao tặng bằng khen vì những đóng góp xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM. Với gia đình ông bà, đó là việc nên làm và là việc làm có ý nghĩa giáo dục ý thức, trách nhiệm xây dựng quê hương cho cháu con mình. 

Cùng ông dạo quanh vườn nhà. Gọi là vườn nhưng ngoài gần trăm gốc quế trên 20 chục tuổi mà mới rồi ông bán đi 5 cây thu gần 60 triệu đồng; còn có rất nhiều loại gỗ quý như tếch, lim, sến, trò chỉ được ông sưu tầm trồng... Sống một đời thanh bạch, với ông bà Thưởng, hạnh phúc nhất là sống vui, sống khỏe, sống có ích...

Minh Vũ

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục