Phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/10/2019 | 5:44:58 PM

YênBái - Phát biểu bế mạc tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới“ giai đoạn 2010 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp, cống hiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái 10 năm vừa qua. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Thưa toàn thể Hội nghị!

Sau ½ ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2020 đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra.

Hội nghị đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái; trên cơ sở đó đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình trong giai đoạn tiếp theo 2020-2025 và 2025-2030.

Hội nghị đã được nghe các ý kiến tham luận của các sở, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các ý kiến tham luận đại diện cho các thôn xây dựng nông thôn mới, các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện xây dựng chuẩn nông thôn mới và tham luận của đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

>> Yên Bái tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Đặc biệt, Hội nghị được nghe ý kiến phát biểu của đồng chí Trần Nhật Lam – Phó Chánh văn Điều phối nông thôn mới Trung ương. Trong đó đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Yên Bái đã được trong xây dựng nông thôn mới 10 năm qua, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và những nhiệm vụ, giải pháp,định hướng lớn mà tỉnh Yên Bái cần tập trung thực hiện để Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tiếp tục thu được những kết quả cao, bền vững trong giai đoạn tới. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Yên Bái và Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái, tôi trân trọng tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của đồng chí.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới vừa qua, chúng ta đã có một bước tiến dài, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức, đến chuyển biến thành hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những kết quả tỉnh Yên Bái đạt được ngày hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh.

Diện mạo nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đã đổi thay mạnh mẽ; kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại; môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên; các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc được giữ gìn, phát huy...

Đến nay, toàn tỉnh đã có 57/157 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 36,3% tổng số xã trên toàn tỉnh, đạt 228% so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII đề ra). Tiêu chí đạt bình quân của các xã trên địa bàn tỉnh là 13,69 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đã lựa chọn được 05 xã để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đang hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận trong năm 2019; huyện Trấn Yên đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào Quý I/2020.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái, tôi trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp,cống hiến của các cơ quan, đơn vị,địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái 10 năm vừa qua; đồng thời chúc mừng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”được biểu dương, khen thưởng ngày hôm nay.

THÔNG TIN LIÊN QUAN

>> Yên Bái tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

>> Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy: Nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

>> Chương trình "mỗi xã một sản phẩm”: Sức bật xây dựng nông thôn mới Yên Bái

Thưa toàn thể Hội nghị!

Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét, thực chất cả về lượng và chất trong phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn, giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực thực hiện vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế nhất định, đòi hỏi cần có định hướng đúng đắn, giải pháp đồng bộ, sát thực tế để có thể hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, mục tiêu Chương trình đã đề ra.

Trước mắt cần phấn đấu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 78-80 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm trên 50% tổng số xã toàn tỉnh); có 20-22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 05-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; số tiêu chí đạt bình quân các xã trên toàn tỉnh là 16,2 tiêu chí có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới; 60 thôn đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, 25 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và trên 50 mô hình RVAC mẫu, mô hình VAC mẫu. Định hướng đến năm 2025 có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Văn Yên và Yên Bình; huyện Lục Yên, Văn Chấn cơ bản hoàn thành khoảng 80% mục tiêu xây dựng nông thôn mới); có ít nhất 1 huyện thoát nghèo.


Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị.

Để đạt được những mục tiêu đó, tạo cơ sở tiền đề thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, thay mặt lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái, tôi đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây

Thứ nhất, cần xác định xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn. Từ đó xây dựng các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo một cách bài bản, cụ thể, sát thực tiễn; phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo, lựa chọn cách làm và bước đi phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của tưng địa phương, nhất là đối với các xã, thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương để huy động nguồn lực và tập trung chỉ đạo thực hiện.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp và đoàn kết quần chúng nhân dân, thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, từ việc bàn bạc, hiến kế, đóng góp công của chủ động thực hiện nhiệm vụ cụ thể, cho đến thụ hưởng và phát huy các thành quả xây dựng nông thôn mới; xác định đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là yếu tố quyết định đến sự thành công của Chương trình. Triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" nhằm cổ vũ, động viên và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Ba là, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước đưa tỉnh Yên Bái thành một trong những tỉnh trọng điểm trong khu vực miền núi phía Bắc về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các vùng nguyên liệu nông lâm sản tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, gắn với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thúc đẩy triển khai chương trình OCOP gắn với các sản phẩn nông lâm nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương theo chuỗi giá trị, kết hợp với thu hút đầu tư, phát triển du lịch; coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn(theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ…), trong đó, tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nông lâm sản và lĩnh vực phi nông nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giầy, dịch vụ du lịch…).

Năm là, tiếp tục huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; có chính sách, giải pháp đột phá và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân và từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới, xã nông thôn mới

Sáu là, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn (thu gom xử lý nước thải, chất thải, bao gói thuốc bảo vệ thực vật…), tích cực cải tạo cảnh quan môi trường, phát triển các mô hình thôn, bản xanh - sạch - đẹp, kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của tỉnh Yên Bái.

Bảy là, làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững nhất là tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 huyện thoát nghèo; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, công nghệ thông tin; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc của tỉnh Yên Bái nói riêng và khu vực Trung du miền núi phía Bắc nói chung.

Tám là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động khu vực nông thôn. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng.

Thực hiện tốt công tác cán bộ ở cơ sở, tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực giữ vị trí chủ chốt ở các xã khó khăn, những nơi tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm, để đẩy nhanh tiến độthực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Chín là, triển khai các giải pháp mạnh để kiềm chế và xử lý triệt để các vấn đề tội phạm nhất là tội phạm liên quan đến ma tuý, giải quyết tốt vấn đề an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo, an ninh mạng; thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản, đảm bảo giữa vững an ninh trật tự xã hội.

Mười là, thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại từng địa phương, huyện, xã thôn, bản để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, tồn tại. đẩy nhanah tiến độ và phạm vi thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 đến đây đã hoàn thành các nội dung đề ra. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ban, ngành Trung ương đối với công tác xây dựng nông mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm vừa qua; cảm ơn Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Yên Bái để tổ chức thành công Hội nghị ngày hôm nay.

Xin trân trọng cảm ơn!

THÔNG TIN LIÊN QUAN

>> Chương trình "mỗi xã một sản phẩm”: Sức bật xây dựng nông thôn mới Yên Bái

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục