Rảo quanh một vòng các xã NTM của tỉnh năm 2019 từ Giới Phiên, Tân Thịnh, Văn Tiến (thành phố Yên Bái) đến Việt Hồng, Hồng Ca (Trấn Yên), chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo thôn quê.
Lão nông Hoàng Kim Hạp ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên không giấu được niềm vui nói với chúng tôi: "Xã tôi vốn sống dựa vào nông nghiệp nên kinh tế rất khó khăn. Nhờ Đảng và Nhà nước chủ trương XDNTM, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, kinh tế phát triển nhanh, đời sống bà con khấm khá hẳn lên, hộ nghèo giảm bền vững. Vui hơn cả, là đường làng mở rộng khang trang, cảnh quan môi trường sáng - xanh, con cháu được học trong những ngôi trường mới tiện nghi và dịch vụ khám sức khỏe ở xã cũng tốt hơn rất nhiều…
Đúng là sự thật khó tin ở thôn xã miền núi này!”. Nhớ lại 10 năm trước, khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, Yên Bái đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức, toàn tỉnh không có xã đạt trên 15 tiêu chí, chỉ có 2 xã đạt trên 10 tiêu chí; hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn còn nghèo nàn, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân với nhiều cách làm sáng tạo, đến nay bộ mặt nông thôn Yên Bái có nhiều khởi sắc. Tính riêng năm 2019, toàn tỉnh có thêm 22 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 68 xã, chiếm 43,3% tổng số xã. Kết quả này đưa tỉnh Yên Bái nằm trong nhóm 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt và vượt mục tiêu XDNTM trước một năm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Dấu ấn đậm nét trong XDNTM là hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng được đầu tư một cách đồng bộ. Giai đoạn 2011- 2020, với tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình là 23.730 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ có 9.556 tỷ đồng, số còn lại do các nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp.
Từ nguồn vốn này các địa phương chú trọng, ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp hạ tầng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân. Nổi bật hơn cả là những đột phá trong phát triển giao thông nông thôn.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã có được 7.470 km đường giao thông nông thôn, trong đó kiên cố hóa 2.289 km, mở mới 1.315 km… tổng kinh phí xây dựng hơn 4.156 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 908,93 tỷ đồng.
Chương trình kiên cố hóa hệ thống kênh mương đã được quan tâm đầu tư đáp ứng tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh. Hệ thống chợ, dịch vụ thương mại được đầu tư từ nguồn xã hội hóa ngày một hoàn thiện, nhiều chợ được nâng cấp, cải tạo, đáp ứng được tiêu chuẩn quy định.
Hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, thông tin liên lạc đã từng bước đầu tư đồng bộ. Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, thời gian qua, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng xã hội. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung đầu tư để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất trường học được nâng lên đáng kể.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch, đến nay, toàn tỉnh có 212 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế cơ sở, ngoài công trình chính về khám và điều trị đã có nhiều hạng mục khác được đầu tư góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng Yên Bái cũng đã tập trung phát triển các vấn đề cốt lõi của NTM là phát triển đời sống người dân.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thế Hùng: "Nổi bật trong quá trình thực hiện XDNTM trên địa bàn tỉnh là tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Đến nay, Yên Bái đã hình thành rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc thu hút, liên kết với doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong đó phải kể đến vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000 ha, vùng ngô 15.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 450 ha, vùng cây ăn quả gần 8.000 ha, tre măng Bát độ trên 4.000 ha, quế gần 7.000 ha, vùng sơn tra 8.000 ha... đã đem lại thu nhập hàng ngàn tỷ đồng cho người dân.
Bước đầu hình thành được những mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Các hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức lại và thành lập mới hoạt động hiệu quả, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh tích cực triển khai đến từng địa phương.
Đến nay, nhiều sản phẩm nổi tiếng của Yên Bái được xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP như: gạo nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, cá hồ Thác Bà, mật ong rừng Mù Cang Chải, sơn tra Mù Cang Chải, du lịch cộng đồng Nậm Khắt và thị xã Nghĩa Lộ…
Có thể nói, việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM đã góp phần nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn. Năm 2019, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt gần 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) còn dưới 11,88%; đời sống vật chất văn hóa, tinh thần cư dân nông thôn không ngừng được nâng cao.
Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân đã và đang đem lại những khởi sắc mới ở mỗi vùng quê nông thôn. Năm 2020, toàn tỉnh Yên Bái phấn đấu có ít nhất từ 78 - 80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 20 - 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 - 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua "Yên Bái chung sức XDNTM, đô thị văn minh"; tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với XDNTM.
Đồng thời, tiếp tục huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn, công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Văn Thông