Kiên Thành: Tư duy mới trong sản xuất

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/1/2020 | 2:26:25 PM

YênBái - Một trong những thay đổi rõ rệt trong xây dựng nông thôn mới ở Kiên Thành là người dân trong xã đã có những tư duy mới trong sản xuất.

Lãnh đạo xã Kiên Thành đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của xã.
Lãnh đạo xã Kiên Thành đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của xã.

Những ngày đầu xuân Canh Tý, chúng tôi có dịp trở lại xã vùng cao Kiên Thành. Ấn tượng đầu tiên là những con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa sạch đẹp, những ngôi nhà được xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi. Trên những thửa ruộng, bà con nhân dân đang tích cực xuống đồng gieo cấy lúa xuân. 

Ông Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành phấn khởi cho biết: "Ngày 10/11/2019, xã đã được đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sự vinh dự càng được nhân lên khi đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và Đoàn công tác cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tới dự và chia vui. Nông thôn mới đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn xã Kiên Thành và nâng cao đời sống nhân dân”. 

Còn nhớ khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, Kiên Thành đang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, thu nhập của người dân còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nông nghiệp chưa quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa; hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông trục xã, liên thôn, nội thôn chủ yếu là đường đá cấp phối và đường đất, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. 

Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ như đối với công tác bảo vệ môi trường vẫn còn tình trạng xả nước thải, chất thải rắn bừa bãi ra môi trường, đặc biệt là việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng chưa được người dân thực hiện nghiêm túc.  

Khó khăn, trở ngại là vậy nhưng với sự nỗ lực cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Kiên Thành đã hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 

Điểm nhấn nổi bật là sự hoàn thiện của những tuyến đường giao thông nông thôn. Đến nay, 100% tuyến đường trục chính của xã đã được cứng hóa, 92% tuyến đường trục thôn và xóm cũng đã được bê tông hóa… 

Hầu hết các tuyến đường, kể cả ngõ, xóm đã cơ bản đáp ứng cho phát triển sản xuất. Giao thông phát triển tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa, đi lại của người dân, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. 

Được biết, nhân dân các dân tộc trong xã đã đồng lòng hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng nguồn vốn đầu tư trong xây dựng nông thôn mới là 101 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 15 tỷ đồng mở mới, bê tông hóa hàng chục ki-lô-mét đường giao thông, thủy lợi... 

Những nguồn lực đầu tư hợp lý, đúng chỗ, đúng thời điểm, sát thực với địa phương đã phát huy hiệu quả. Người dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sản xuất có liên doanh liên kết theo chuỗi giá trị như trong trồng quế, sản xuất măng tre Bát độ, chăn nuôi gia súc, gia cầm… 

Một trong những thay đổi rõ rệt trong xây dựng nông thôn mới ở Kiên Thành là người dân trong xã đã có những tư duy mới trong sản xuất, tích cực tham gia kinh tế tập thể, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi; đặc biệt là sự liên kết giữa người dân trong xã với hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất măng tre Bát độ. 

Từ vài héc-ta tre măng được trồng thử nghiệm năm 2003, đến nay, đã có trên 80% hộ dân ở Kiên Thành trồng tre măng Bát độ với diện tích trên 1.600 ha. Cây tre măng Bát độ đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở xã vùng cao này. 

Tiêu biểu phải kể đến gia đình ông Dương Kim Hưng ở thôn Đá Khánh trồng 7 ha tre măng Bát độ, mỗi năm thu trên 100 tấn măng, thu về trên 200 triệu đồng; gia đình ông Hà Xuân Tạo ở thôn Kiên Lao chuyển 4 ha rừng trồng bồ đề sang trồng tre măng Bát độ, chỉ sau 2 năm tre đã ra măng và cho thu nhập, từ năm thứ 3 trở đi mỗi héc-ta cho thu 20 tấn măng, bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lãi cả trăm triệu đồng. Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng lên. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,1%. 

Từ một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn, nghèo đói nhất nhì của huyện Trấn Yên, sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Kiên Thành tiếp tục giữ vững, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, tiến tới trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.


Hùng Cường

Các tin khác
Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục